Thứ Sáu, 20/11/2020, 13:25 (GMT+7)
.

Chuyện những thầy cô gieo bài học tình người

Một cô giáo về hưu đã hơn hai chục năm và sống một mình trong căn phòng thuê. Khi nghe tin cô ngã bệnh, một nhóm các cô giáo không cùng thế hệ, thậm chí không quen biết đã thay nhau chăm sóc trong suốt thời gian dài chỉ vì một lý do đơn giản, đó là tình người, tình đồng nghiệp.

ẤM ÁP TÌNH NGƯỜI

Chúng tôi được Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Y tế Tiền Giang thông tin: “Có trường hợp này hay lắm, ấm áp tình người lắm, cô đến Phòng khám Đa khoa Dân Quý là biết ngay. Nó cảm động vô cùng! Đó là trường hợp một cô giáo về hưu, hoàn cảnh khó khăn, neo đơn lại mắc bệnh nặng, không thể tự chủ trong tất cả các sinh hoạt cá nhân, đã được các cô giáo của Chi hội Cựu giáo chức Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đến chăm sóc tận tình”.

Cô Oanh thường dành thời gian đến thăm và chăm sóc cô Vân.
Cô Oanh thường dành thời gian đến thăm và chăm sóc cô Vân.

Theo đó, chúng tôi tìm đến gặp bệnh nhân đặc biệt trong căn phòng lưu bệnh sạch sẽ, ấm áp của Phòng khám Đa khoa Dân Quý tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Nằm trên giường bệnh, cô Bùi Kim Vân, 78 tuổi, là cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho xúc động nói về những cô giáo đã chăm sóc cho mình: “Thật quá bất ngờ! Hồi đó giờ tôi đâu nghĩ là sẽ có những người không quen biết mà lại giúp đỡ mình tận tình đến như vậy. Rất biết ơn và cảm động!”

Cô Vân kể, quê nội cô gốc ở Ninh Bình, cha cô bị bắt đi lính cho Pháp rồi bỏ trốn vô Sài Gòn, thay đổi tên họ và tìm việc làm tự mưu sinh. Trong một lần đến Bà Điểm, Hóc Môn chơi thì gặp và kết hôn với mẹ cô, sinh một người con duy nhất là cô. Năm 1946, gia đình cô rời quê Hóc Môn về Sài Gòn sinh sống.

Cô Vân từng học Trường Nữ trung học Gia Long, trung cấp Bách Khoa rồi cao đẳng Sư phạm. Năm 1965, cô ra trường và đi dạy ở Rạch Giá, Hà Tiên. Đến năm 1969, cô xin về dạy học ở Sài Gòn nhưng không được nên sau đó chuyển về Mỹ Tho. Đầu tiên cô dạy ở Trường Trung học Kỹ thuật công nghiệp rồi chuyển sang dạy ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, đến năm 1998 thì nghỉ hưu.

Trong thời gian đi dạy ở Rạch Giá, Hà Tiên, cô Vân phải đưa mẹ theo cùng, vì cha mất khi cô mới 15 tuổi. Khi đến Mỹ Tho dạy học, cô thuê nhà ở trọ, sau đó được bố trí ở khu tập thể Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2003, khu nhà tập thể giải tỏa để xây mới lại trường, cô dọn ra ngoài tiếp tục ở nhà thuê. “Tôi dọn nhà ở Mỹ Tho đâu chừng 7 - 8 lần. Đầu tiên tôi ở trong con hẻm nhỏ đường Ngô Quyền, sau đó dời vô khu tập thể Trường Nguyễn Đình Chiểu, rồi thuê nhà ở đường Nguyễn Tri Phương, đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi…” - cô Vân nhớ lại.

Chi hội Cựu giáo chức Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu thành lập hơn 15 năm qua và vừa tiến hành Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 - 2025). Chi hội có trên 130 hội viên, ngoài những giáo viên nghỉ hưu còn có cả một số giáo viên còn đang công tác tại trường. Đa số hội viên chi hội đều tuổi cao, sức khỏe yếu và không ít hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, chi hội đã nỗ lực quan tâm, chia sẻ, nâng đỡ đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, tương trợ nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Ở Mỹ Tho, ngoài bạn bè, người quen là thầy cô giáo dạy chung, thì cô Vân sống khép kín, ít giao thiệp với bên ngoài. Chúng tôi thắc mắc vì sao thời còn trẻ không lập gia đình, cô Vân giải thích: “Hồi đó, ba tôi có hứa làm sui với một gia đình và tôi cũng ưng người đàn ông đó, chỉ chờ khi tôi ra trường sẽ làm đám cưới. Nhưng người đàn ông mà tôi ưng sau đó đã đi cưới người khác nên thất tình, tôi ở vậy không lấy chồng luôn!”.

NỒNG ẤM TÌNH ĐỒNG NGHIỆP

Người đầu tiên đứng ra lo cho cô Vân là cô Bùi Mộng Mỹ Uyên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Cô Mỹ Uyên cho biết: “Tôi quen biết cô Vân khi về trường công tác vào năm 1992 và một thời gian sau thì cô Vân nghỉ hưu. Do biết được hoàn cảnh của cô Vân nên tôi hay tới lui thăm hỏi. Khi cô Vân bệnh và được người “xe ôm” mối quen của cô Vân phát hiện thông báo nên tôi đã cùng các thầy cô trong Chi hội Cựu giáo chức nhà trường đưa cô nhập viện cấp cứu. Trong nhóm khoảng 10 thầy cô giáo bàn bạc thay phiên nhau trực ở bệnh viện để chăm lo cho cô Vân. Sau đó, chúng tôi thuê người trực tiếp chăm sóc cô Vân, mỗi ngày 400 ngàn đồng, chi phí do nhóm tự quyên góp”.

Cô Mỹ Uyên chăm sóc cô Vân như chăm chút chính người thân ruột thịt của mình.
Cô Mỹ Uyên chăm sóc cô Vân như chăm chút chính người thân ruột thịt của mình.

Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang với bệnh viêm phổi, suy tim, cô Vân được chuyển sang khu điều trị chất lượng cao rồi chuyển tới Phòng khám Đa khoa Dân Quý tiếp tục an dưỡng đến nay đã hơn một năm rưỡi, tổng cộng chi phí đã lên tới hơn 100 triệu đồng.

Khi được hỏi vì sao cô Vân nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn được các cô tận tình chăm sóc, cô Nguyễn Thu Hồng cũng là cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu không ngần ngại cho biết: “Đó là xuất phát từ tình người trong khó khăn, chúng tôi không thể thờ ơ trước hoàn cảnh hết sức đặc biệt của cô Vân sống một mình và không người thân. Năm 1982, khi tôi về trường công tác thì đã gặp cô Vân với mẹ cô ở trong khu tập thể. Khi mẹ cô mất, khu tập thể bị giải tỏa, cô Vân dọn ra ngoài thuê nhà ở rất nhiều nơi và dạy thêm cho học trò tiểu học khi nghỉ hưu để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống nhưng gần đây do sức khỏe yếu nên không dạy nữa”.

Điều rất lạ là từ trước đến nay, cô Vân sống khép kín, ăn uống kỹ tính nhưng khi ngã bệnh vẫn được các cô chiều hết mức. Cô Dân Quý, quản lý Phòng khám Đa khoa Dân Quý kể: “Cô Vân có thói quen như ăn hủ tiếu thì phải mua ở quán bà Bu, ít dầu mỡ, còn ăn cơm tấm thì thịt nướng không được khét, nước uống thì nấu chín rồi để âm ấm, ngay cả lau mặt cho cô cũng phải dùng nước ấm. Tuy vậy nhưng các cô giáo không cho đó là phiền mà vẫn chiều hết mực”. Cô Mỹ Uyên nói: “Có phiền gì đâu, ngược lại còn thấy vui và thú vị, bởi đơn giản là cô Vân đã lớn tuổi, cô đơn và cuộc sống của cô trước nay đã vậy”.

Với suy nghĩ đó mà dù thời gian khá bận bịu ở trường nhưng hơn 1 năm qua cô Mỹ Uyên vẫn sắp xếp để cách một ngày vào thăm cô Vân một lần. Hôm nào thấy cô Vân ăn ít thì cô Uyên về nhà nấu cháo gà, cháo vịt hoặc súp đem vô và tự tay đút cho cô Vân ăn. Mọi chi phí lâu nay đều do cô Uyên quán xuyến hết. Hay như cô Oanh, dù nhà ở xa nhưng sáng thì lo cho cha mẹ già, rồi thỉnh thoảng chiều lại tranh thủ vào thăm, trò chuyện với cô Vân, giúp cô vơi bớt sự cô đơn.

Do cô Vân hơi khó tính nên nhóm các cô thường phải họp lại để bàn “phương án” chăm sóc. Thời gian qua, ngoài số tiền quyên góp của các thầy cô còn có sự tham gia đóng góp của một nhóm học trò trước đây từng học hoặc biết hoàn cảnh của cô Vân. Toàn bộ những khoản đóng góp hỗ trợ hoàn cảnh của cô Vân đều được cô Dân Quý, quản lý Phòng khám Đa khoa Dân Quý tiếp nhận và chi trả các khoản phí chăm sóc, điều trị hằng ngày cho cô Vân.

Khi nói về việc dành thời gian, tâm sức và cả tiền bạc để chia sẻ với người không quen biết như cô Vân thì các cô giáo Chi hội Cựu giáo chức Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu chỉ cười cho biết: “Có gì lớn đâu. Việc làm của chúng tôi không phải là chuyện “bao đồng” mà là vì tình người nên người thân rất ủng hộ, động viên. Là những nhà giáo, với chúng tôi dạy học trò không đơn giản chỉ là chuyển tải kiến thức, con chữ từ sách vở mà sống phải có tấm lòng, phải có tình thương…”.

MINH ANH - KIM THƯƠNG

.
.
.