Thứ Ba, 27/11/2012, 09:03 (GMT+7)
.
BS CKII Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh:

Cần tham khảo, tư vấn chuyên gia trước khi sử dụng thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng (TPCN) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong tăng cường, phục hồi sức khỏe, dự phòng bệnh, tật. Tuy nhiên ở Việt Nam hầu hết người dân thường tự ý mua TPCN để uống, mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ làm cho quá trình điều trị không đạt hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe.

Xung quanh vấn đề sử dụng TPCN hiệu quả và an toàn, BS CKII Trần Thanh Thảo (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, trao đổi:

Theo định nghĩa  trong Luật ATTP, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

TPCN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phục hồi sức khỏe, đặc biệt là đối với các bệnh mãn tính không lây nhiễm đang có xu hướng ngày càng tăng.

Điều cần nhấn mạnh để mọi người hiểu rõ bản chất TPCN là thực phẩm, chỉ có vai trò hỗ trợ điều trị, phục hồi sức khỏe chứ không phải là thuốc và không thể thay thế thuốc điều trị trong khi rất nhiều người cố tình xem TPCN là thuốc điều trị bệnh.

Tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, TPCN đã trở nên phổ biến, phong phú về chủng loại và công dụng. Riêng tại Mỹ, hơn 70% người dân đã sử dụng TPCN và tỷ lệ này vẫn không ngừng tăng cao trong những năm gần đây. Còn tại Việt Nam, kết quả điều tra năm 2011 của Cục ATTP cho thấy: ở Hà Nội, cứ trong 100 người lớn thì có 56 người dùng TPCN ; ở TP. Hồ Chí Minh trong 100 người lớn thì 48 người sử dụng. Tuy nhiên việc quản lý và sử dụng TPCN đang gặp nhiều khó khăn:

Sự hiểu biết của người tiêu dùng và một số lượng không nhỏ cán bộ tham gia quản lý về TPCN còn nhiều hạn chế. Việc dùng sai về TPCN còn khá phổ biến: lạm dụng, dùng sai đối tượng, sai công dụng.

Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN chưa tuân thủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh TPCN như: Chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm đã đưa các sản phẩm TPCN ra thị trường cho người tiêu dùng; vi phạm trong quảng cáo TPCN như quảng cáo quá tác dụng, quảng cáo sai lệch so với công bố về vai trò tác dụng của thực phẩm chức năng khi chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo.

Từ đó, sử dụng TPCN đúng tác dụng và vai trò thì rất tốt, nhưng giá rất đắt. Điều quan trọng là đừng hiểu sai bản chất của TPCN mà sử dụng như một phong trào thì rất tốn kém, lại ngộ nhận về tác dụng thì không nên.

+ Phóng viên: TPCN được bán trên thị trường hiện nay (đặc biệt là trong tỉnh) sẽ do ai quản lý về chất lượng sản phẩm, thưa BS?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo: Theo Luật ATTP thì TPCN do Cục Vệ sinh ATTP thuộc Bộ Y tế quản lý, chứng nhận về chất lượng sản phẩm và cho phép các hình thức giới thiệu, quảng cáo trên phạm vi toàn quốc. Sở Y tế các tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hình thức giới thiệu, quảng cáo sau khi cơ sở kinh doanh xin phép địa phương với đầy đủ các thủ tục và được thống nhất theo quy định. Những trường hợp không xin phép địa phương mà tiến hành giới thiệu, quảng cáo là sai quy định, nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt tùy theo nội dung và mức độ.

+ Phóng viên: Một vấn đề đặt ra là có nên kê đơn TPCN trong bệnh viện để bệnh nhân có thể được tư vấn, sử dụng một cách tốt nhất?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo: Như đã nói phần trước, TPCN là thực phẩm, không phải thuốc chỉ có vai trò hỗ trợ điều trị. Quy chế kê đơn thuốc lại cấm bác sĩ kê toa TPCN từ năm 2008. Trong điều kiện hiện nay người dân hiểu biết chưa đầy đủ về TPCN dẫn đến việc dùng chưa đúng. Vì vậy, không nên kê đơn trong bệnh viện.

Nếu thật sự xét thấy cần thiết và người bệnh có nhu cầu cũng như điều kiện, thì cần tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia trước khi ghi toa riêng biệt, không lẫn lộn với các thuốc điều trị khác. Thực tế, việc hướng dẫn, tư vấn cho người dân sử dụng đúng TPCN có nhiều khó khăn cho nên khi cần được tư vấn sử dụng TPCN, người dân biết không biết tư vấn ở đâu, trong khi các doanh nghiệp vì lợi nhuận cao có thể quảng cáo quá tác dụng.

Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị. Ảnh: H.A
TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị. Ảnh: H.A

Từ đó, việc Bộ Y tế xây dựng những quy định về quản lý TPCN và hướng dẫn một cách rõ ràng sẽ giúp địa phương thực hiện tốt công tác này và người thầy thuốc không vi phạm khi chỉ định TPCN, tạo điều kiện cho TPCN đến được với đúng đối tượng cần sử dụng.

Đây cũng là biện pháp giúp quản lý tốt hơn đối với TPCN, hạn chế tình trạng từ quảng cáo người dân tự ý chọn sử dụng các sản  phẩm mà không hiểu hết tác dụng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và không phù hợp với nhu cầu của bản thân.

+ Phóng viên: BS có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc sử dụng TPCN một cách hợp lý và hiệu quả?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo: Việc người tiêu dùng hiểu đúng và sử dụng đúng TPCN không hề đơn giản, vì đây là một lĩnh vực khá mới mẻ và cũng chưa có nhiều thông tin để họ tham khảo. Do đó, nếu có nhu cầu và điều kiện sử dụng TPCN, người tiêu dùng hãy tham khảo mười câu hỏi gợi ý giúp người sử dụng tự xem xét trước khi quyết định mua một loại sản phẩm chức năng nào đó.

1. Thành phần mang lại hiệu quả chức năng là thành phần gì? Thành phần này có sẵn trong tự nhiên hay do bổ sung vào?

2. Nhà sản xuất đã xác nhận về hiệu quả lợi ích của sản phẩm như thế nào? Có nghiên cứu khoa học nào hỗ trợ cho sự xác nhận lợi ích này không hoặc có nghiên cứu nào mâu thuẫn với sự xác nhận này?

3. Nhà sản xuất có phải là một công ty nổi tiếng, đáng tin cậy không? Trước đây bạn đã từng mua và sử dụng sản phẩm từ công ty này không?

4. Đọc trên nhãn bạn có thể biết được hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không?

5. Thành phần bổ sung và thực phẩm có quá cao hay quá thấp không? Hãy tìm hiểu mức khuyến cáo nhu cầu hàng ngày và mức tối đa cho phép về thành phần này, và áp dụng để biết nên dùng bao nhiêu là đủ.

6. Có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không? Thành phần này có gây tương tác thuốc - thực phẩm bất lợi cho sức khỏe không?

7. Thành phần chức năng bổ sung vào cơ thể dưới dạng sinh học nào? Nó có ở dưới dạng dễ hấp thu hay dễ chuyển hóa không?

8. Đặc điểm dinh dưỡng của TPCN có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà bạn mong muốn không ? Thí dụ thực phẩm mang lại bao nhiêu calori từ chất béo, chất đường?

9. Hãy so sánh giá cả của TPCN với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho bạn không?

10. Cách thức chế biến thực phẩm (nóng, lạnh) hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không ?

Cần xem xét  tiêu chí chất lượng, hiệu quả và an toàn khi quyết định dùng TPCN. Đối với các sản phẩm đã được cấp phép lưu hành, độ tin cậy cũng chỉ dựa vào thông tin Cục Vệ sinh ATTP chứng nhận tiêu chuẩn có ghi trên bao bì sản phẩm.

Từ các gợi ý nêu trên đã nói lên sự phức tạp của việc hiểu và sử dụng đúng TPCN. Cho nên, tốt nhất là cần tham khảo, tư vấn chuyên gia trước khi sử dụng hơn là nghe theo lời mách bảo của người khác hay là lời quảng cáo của người trực tiếp bán TPCN.

+ Phóng viên: Xin cảm ơn BS.

NGUYỄN HỮU (thực hiện)

.
.
.