Thứ Tư, 26/12/2012, 12:27 (GMT+7)
.

Thực hiện 6 giải pháp thi đua, khen thưởng, thúc đẩy phát triển KT-XH

Thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong năm 2012 đã tạo sự khởi sắc qua các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ kết quả đạt được, ông Phan Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh khái quát:

Năm 2012 là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011- 2015). Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 02/CT-UBND phát động phong trào thi đua trong năm 2012.

Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, công chức và sự nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân, phong trào thi đua đã đạt được kết quả rất đáng phấn khởi. Trong đó, những yếu tố cơ bản ghi nhận phong trào thi đua năm qua như sau:

Thứ nhất, gắn trọng tâm công tác thi đua, khen thưởng với việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đã tác động tích cực sự tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người đạt kế hoạch đề ra. Trong tình hình khó khăn của cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, đạt được kết quả trên là sự thành công lớn của phong trào thi đua tỉnh nhà.

Đặc biệt, trong năm 2012 đã hoàn thành việc triển khai thực hiện rà soát hơn 18.000 hồ sơ khen thưởng về thành tích kháng chiến còn tồn đọng do chưa tìm được địa chỉ để cấp phát, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Hai là, phong trào thi đua luôn thiết thực, kịp thời và đi vào đời sống nhân dân như: Phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” được tỉnh triển khai, phát động thực hiện từ đầu năm 2011, đã có sức lan tỏa rộng khắp đến từng xóm, ấp (khu phố), được người dân đồng tình hưởng ứng, đã đem lại kết quả tích cực: Bộ mặt làng quê ngày càng đẹp hơn, hạ tầng được đầu tư hiện đại hơn, đời sống nhân nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, để chuẩn bị chào mừng 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2013), tỉnh đã triển khai kế hoạch phát động phong trào thi đua chào mừng ngày kỷ niệm trên. Tất cả các hoạt động trên đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia trên tất cả các lĩnh vực.

Ba là, công tác khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, thể hiện sự nhịp nhàng trong việc phát động phong trào thi đua và việc xét khen thưởng ở các cấp, các ngành, tránh sự chồng chéo làm ảnh hưởng đến phong trào chung.

Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân là người trực tiếp lao động sản xuất được khen thưởng trong các chuyên đề thi đua, khen thưởng đột xuất, khen thưởng thường xuyên đúng nội dung, đúng thành tích.

Bốn là, công tác tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến được quan tâm thực hiện. Các tập thể, cá nhân có thành tích trên mọi  lĩnh vực kinh tế - xã hội, những mô hình hay, việc làm tốt được đăng tải trên Báo Ấp Bắc và trên sóng phát thanh - truyền hình tỉnh 1 kỳ/tháng.

Qua đó, có trên 50 tập thể, cá nhân điển hình có mô hình hay, hiệu quả trên các lĩnh vực được phát hiện và tuyên truyền, nhân rộng, nhân dân dễ dàng tiếp cận, học tập được cái mới, cách thức sản xuất mới, cách làm hiệu quả từ các tập thể, cá nhân và các nhà chuyên môn.

Năm là, bộ máy công tác thi đua - khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp và ổn định từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trong năm 2012, đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác thi đua - khen thưởng cho các đối tượng là cán bộ, công chức phụ trách công tác thi đua - khen thưởng cấp huyện, cấp xã. Nhờ đó nghiệp vụ về công tác ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn.

Ngoài ra, 100% xã (phường, thị trấn) có cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác thi đua đều hưởng trợ cấp 0,5 từ năm 2008. Điều đó đã động viên thêm đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng và làm mạnh mẽ hơn phong trào thi đua từ cơ sở.

* PV: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, những vấn đề gì cần tập trung trong thời gian tới, thưa ông?
*  Ông Phan Thanh Bình:

Năm 2013 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Cùng với những kết quả đạt được trong năm 2012 sẽ là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Theo dự báo, năm 2013 tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, mục tiêu của công tác thi đua, khen thưởng tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Một là, trên tinh thần quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ngay từ những tháng đầu năm, tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đúng chương trình kế hoạch đề ra.

Hai là, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2013) gắn với việc biểu dương các điển hình, nhân tố mới trong phong trào thi đua yêu nước, gương điển hình tiên tiến trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ba là, tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cụ thể, thiết thực, đáp ứng các vấn đề bức xúc của xã hội như: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; cải cách hành chính; an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; phòng, chống bệnh trên cây trồng và vật nuôi; phòng, chống dịch bệnh trên người; xây dựng nông thôn mới...

Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo Nghị định 122/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các ngành, các cấp.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; kịp thời phát hiện, khắc phục tồn tại, hạn chế để phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự đi vào chiều sâu và có hiệu quả.

Sáu là, tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, phát huy và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các cụm, khối thi đua, để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác thi đua, khen thưởng, góp phần làm cho thi đua, khen thưởng thực sự là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. 

* PV: Xin cảm ơn ông.

L.H (thực hiện)

.
.
.