Thứ Bảy, 27/04/2013, 08:16 (GMT+7)
.

Tuyên truyền, vận động cộng đồng phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Thời tiết giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi để nhiều bệnh xảy ra trên trẻ em lẫn người lớn, đặc biệt là trong tình hình cúm gia cầm đang xảy ra. Điều này không những gây khó khăn cho ngành y tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là đối với bà con ở vùng cù lao, vùng sâu. Trước tình hình này, BS CKII Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang đã trao đổi với phóng viên Báo Ấp Bắc:

+ Phóng viên: BS có đánh giá gì đối với tình hình một số dịch bệnh đã xảy ra trên địa bàn tỉnh hiện nay trong lúc giao mùa hiện nay?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo: Mùa khô là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm bùng phát. Khu vực phía Nam vào mùa khô những năm trước đây thường số mắc các bệnh lây qua đường tiêu hóa như lỵ, tiêu chảy, tả, ...gia tăng.

Tuy nhiên, những năm gần đây diễn biến tình hình dịch bệnh có nhiều thay đổi. Những tháng đầu năm 2013 so cùng kỳ năm 2012, trong 28 bệnh truyền nhiễm được quản lý, có 4 bệnh tăng (quai bị, tay - chân - miệng, uốn ván khác, viêm gan virus); 8 bệnh giảm; 2 bệnh tương đương; 15 bệnh không xảy ra.

Đối với các bệnh tăng, uốn ván khác và viêm gan virus xảy ra lẻ tẻ (uốn ván khác: 01 ca/năm 2012, 02 ca/năm 2013; viêm gan virus: 00 ca/năm 2012, 01 ca/năm 2013). Đáng chú ý là quai bị xuất hiện các ổ dịch tại các trường học thuộc TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công vào cuối tháng 12-2012, và Chợ Gạo, Gò Công Đông vào những tháng đầu năm 2013; bệnh tay - chân - miệng xảy ra chủ yếu trong cộng đồng và so cùng kỳ năm 2012 tăng 37,56% (tính đến ngày 14-4-2013 - tuần 15 của năm 2013).

Bên cạnh đó, đã xuất hiện các ổ dịch cúm trên gia cầm tại ấp Mỹ Hưng C (Mỹ Đức Đông, Cái Bè) và ấp Hưng (Nhị Bình, Châu Thành); và nước láng giềng Trung Quốc đã xuất hiện cúm A H7N9 đã gây tử vong trên người. Điều này cho thấy các bệnh truyền nhiễm do virus gây ra không những gia tăng trong điều kiện thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp (như những năm trước đây) mà còn xảy ra và gia tăng trong mùa khô.

Đối với các bệnh giảm, đáng chú ý là bệnh lưu hành địa phương như sốt xuất huyết giảm 39,9% so cùng kỳ năm 2012 (tính đến ngày 14-4-2013 - tuần 15 của năm 2013).

Như vậy, mùa khô năm nay, chúng ta phải quan tâm đến các loại bệnh có nguy cơ xảy ra hoặc nguy cơ bùng phát dịch như quai bị, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm A H5N1 bên cạnh các bệnh lý chủ yếu theo mùa như các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, trong đó cần chú ý bệnh tả, lỵ…

+ Phóng viên: Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh nhà đã có những biện pháp gì để ứng phó, đặc biệt là công tác điều trị?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo: Ngay từ đầu năm cũng như tại những thời điểm nguy cơ bùng phát dịch, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên người của tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo cho các sở, ban ngành đoàn thể và địa phương quan tâm phòng chống các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong năm, đồng thời có phân công cụ thể nhiệm vụ của từng sở, ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung.

Chăm sóc sức khỏe tại BV ĐKTT Tiền Giang.
Chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang.

Sở Y tế cũng đã có các văn bản chỉ đạo các đơn trực thuộc có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các bệnh gia tăng và lưu hành: quai bị, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm A H5N1 với các hoạt động tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, tăng cường giám sát phát hiện bệnh và điều tra, xử lý dịch kịp thời.

Trong công tác điều trị, phải đặc biệt chú ý trong thăm khám bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm phải khai thác tiền sử các yếu tố dịch tễ có liên quan giúp cho việc phát hiện, chẩn đoán xác định bệnh. 

Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, trang thiết bị,... cũng như khu cách ly bệnh nhân cúm A H5N1 của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang và củng cố khu cách ly ở các bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện huyện, Trung tâm Y tế huyện, tổ chức cách ly và chăm sóc, điều trị các bệnh truyền nhiễm triệt để theo đúng quy trình của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, phải củng cố các Đội cấp cứu lưu động cũng như phối hợp hệ y tế dự phòng trong thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm nhằm kịp thời khống chế dịch bệnh từ những ca đầu tiên. Ngoài ra, cần phải tổ chức tập huấn về chẩn đoán, chăm sóc, điều trị các bệnh truyền nhiễm.

+ Phóng viên: Công tác dự phòng luôn đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh bệnh, trước nguy cơ diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, Sở Y tế đã có những chỉ đạo gì đối với ngành y tế ở công tác dự phòng?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo: Phòng bệnh là công tác hết sức quan trọng, ngành Y tế đã chú trọng tích cực triển khai các hoạt động trên lĩnh vực này:

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm.

- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh, đặc biệt quan tâm đến khu vực nguy cơ, ổ dịch cũ, đông dân cư (trường học, công ty, xí nghiệp,...), cảng vụ...; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, trang thiết bị,... cho công tác phòng, chống dịch; củng cố các Đội chống dịch lưu động; tổ chức tập huấn về giám sát, phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

- Triển khai các văn bản pháp quy mới của Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh cúm A H7N9.

- Với các loại bệnh cụ thể, đã có các chỉ đạo như sau:

+ Đối với bệnh quai bị, tay chân miệng trong trường học (phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo) cũng như ngoài cộng đồng: tăng cường giám sát phát hiện bệnh, tổ chức cách ly tại nhà, phun hóa chất khử trùng môi trường, theo dõi sức khỏe những người xung quanh và những người có tiếp xúc với bệnh nhân, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh và khuyến cáo tiêm vaccin phòng bệnh Quai bị cho người khỏe mạnh.

+ Đối với bệnh cúm A H5N1, cúm A H7N9: phối hợp với ngành Thú y trong giám sát và xử lý các ổ dịch cúm trên gia cầm, tiến hành phun hóa chất khử khuẩn môi trường, theo dõi sức khỏe người dân xung quanh và cán bộ y tế, thú y tham gia chống dịch; tuyên truyền, vận động các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người.

+ Đối với bệnh sốt xuất huyết: bên cạnh việc triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động; giám sát, xử lý ổ dịch nhỏ, hoạt động của cộng tác viên, ... còn tổ chức 2-3 đợt Chiến dịch diệt lăng quăng trong năm.

+ Phóng viên: BS có khuyến cáo gì đối với người dân trong công tác phòng tránh các loại bệnh trong mùa khô hiện nay?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo:

-    Phòng bệnh tay - chân - miệng và các bệnh lây qua đường tiêu hóa: Thực hiện tốt biện pháp rửa tay thường xuyên, rửa tay khi tay bẩn, trước khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi tiêu, sau khi dọn dẹp phân trẻ...; vệ sinh trong ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

- Phòng bệnh quai bị: Hạn chế tiếp xúc với người bệnh; mang khẩu trang ở nơi đông người, nhất là mùa dịch; tiêm vaccin phòng bệnh quai bị.

- Phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người: Không chế biến, không ăn thịt gia cầm và sản phẩm từ gia cầm bệnh, chết không rõ nguyên nhân; thịt gia cầm và sản phẩm từ gia cầm phải được nấu chín trước khi ăn; phải mang trang phục phòng hộ khi tiếp xúc gia cầm bệnh; tiêm vaccin phòng bệnh cúm cho gia cầm.

- Phòng bệnh sốt xuất huyết: Phòng tránh muỗi đốt: ngủ mùng kể cả ban ngày, dùng nhang xua muỗi, bình xịt muỗi, vợt muỗi...; diệt lăng quăng bằng các biện pháp dân gian: thả cá diệt lăng quăng, súc rửa lu nước, lọ hoa, ... thường xuyên, dọn dẹp vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà,...

+ Phóng viên: Cảm ơn BS!

NGUYỄN HỮU

(thực hiện)

.
.
.