Thứ Hai, 12/08/2013, 11:02 (GMT+7)
.

Chủ tịch UBND huyện TPĐ: Chủ động phòng, chống, đối phó khi xảy ra bão

Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp với nhiều cơn bão liên tiếp gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở một số địa phương nói riêng và trong cả nước nói chung. Trước tình hình này, ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Ấp Bắc về những giải pháp cần thiết của huyện cù lao để chủ động phòng, chống và đối phó với tình huống xảy ra bão. Ông cho biết:

Là huyện cù lao được bao bọc bởi các con sông lớn và giáp với với biển, Tân Phú Đông gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi đối phó với bão xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2013, hiện tượng thời tiết thất thường như nắng, hạn, mặn và bão… gây bất lợi cho đời sống, sản xuất và sinh hoạt trong nhân dân.

Trên địa bàn huyện còn một số hộ dân sống rải rác ngoài đê bao ven sông, ven biển nên rất khó cho việc sơ tán người dân khi có thiên tai xảy ra và rất nguy hiểm khi triều cường dâng cao gây sạt lở. Hơn nữa, do địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác không tập trung nên rất khó cho việc sơ tán dân ngoài đê, ven sông, ven biển khi có bão khẩn cấp.

Phóng viên: Với đặc điểm như vậy, huyện đã có những giải pháp nào để chủ động phòng, chống và đối phó khi có bão xảy ra, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Thơ: Hàng năm, UBND huyện, các ngành, các cấp luôn đặt công tác phòng, chống lụt bão-giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) là nhiệm vụ hàng đầu. Cụ thể là rà soát lại các điểm tránh bão để sơ tán dân, sức chứa, số dân sơ tán (đặc biệt là số hộ có người già, phụ nữ, trẻ em và người tàn tật), phương tiện vận chuyển, ụ né bão, hoàn chỉnh phương án và kế hoạch PCLB-GNTT năm 2013 đã được UBND huyện phê duyệt.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan rà soát sửa chữa và nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê bao, cống đập nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ nước ngọt đảm bảo cho việc sản xuất. Rà soát các loại trang thiết bị, phương tiện và hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống lụt bão đảm bảo phục vụ tốt công tác PCLB-GNTT.

Năm 2013, Ban chỉ huy PCLB-GNTT của huyện và các xã được củng cố và kiện toàn; đồng thời phân công trách nhiệm từng thành viên của ban chỉ huy và cử cán bộ tham dự các cuộc hội thảo, tập huấn về xây dựng, hợp tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai…

Ban chỉ huy PCLB-GNTT thường xuyên kiểm tra công tác nâng cấp, sửa chữa các đoạn đê xung yếu, các cống đập có nguy cơ bị tràn ngập, sạt lở. Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện đã triển khai 6 công trình thủy lợi chiều dài 9,6km và 1 công trình chống úng.

Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện và xã đảm bảo trực 24/24 và thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để thông báo cho các thành viên và nhân dân cảnh giác phòng tránh.

Phóng viên: Được biết, năm 2012 Tân Phú Đông đã thành công với phương châm “4 tại chỗ” cùng “3 sẵn sàng” trong công tác ứng phó với bão, ông có thể nói rõ hơn về cách làm này?

Ông Đoàn Văn Thơ: Năm 2012 đã có 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra, nhưng không gây ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn huyện Tân Phú Đông. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác phòng ngừa và ứng phó với cơn bão số 1 và 1 áp tháp nhiệt đới gần bờ, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT đã tổ chức sơ tán dân ngoài đê, ven sông, ven biển, hộ có nhà thô sơ gồm 1.863 hộ với 4.238 người đến 167 điểm an toàn; chằng chống 673 căn nhà và đã thông báo đến 45/48 tàu thuyền đánh bắt vào nơi neo đậu an toàn.

Mô hình tránh, trú bão có diện tích 5m2 (ngang 2m, dài 2,5m), được thiết kế xây dựng kiên cố, mái nhà đổ bằng bê tông cốt thép, tường gạch, cửa bằng khung thép mạ kẽm, nền lát gạch ceramic có khu vệ sinh tiêu chuẩn tự hoại. Mỗi mô hình có không gian thoáng, có thể chứa từ 4-6 người trú ẩn khi xảy ra bão.

Kinh phí cho mỗi mô hình trú bão này là 17 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ hơn 11 triệu đồng/mô hình từ kinh phí phòng, chống lụt bão tỉnh, còn lại nhân dân đối ứng gần 6 triệu đồng/mô hình.

Đối tượng được đầu tư xây dựng mô hình tránh, trú bão là các hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống trong các nhà thô sơ, tạm bợ thuộc các xã ven biển, ven sông có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai.

Do đặc điểm khó khăn của địa bàn huyện như đã đề cập, UBND huyện chủ động phát huy phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo công tác phòng, chống, ứng phó bão đạt hiệu quả.

Phương châm “4 tại chỗ” gồm: “chỉ huy tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ” cùng “3 sẵn sàng” gồm: “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.

Nhờ triển khai và thực hiện tốt phương châm này nên công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, triều cường được chính quyền địa phương và nhân dân chuẩn bị tốt.

Đặc biệt, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng 300 mô hình tránh, trú bão của UBND tỉnh, huyện Tân Phú Đông đã triển khai thực hiện cho 6 xã gồm Phú Tân (71 mô hình), Tân Thới (16 mô hình), Tân Thạnh (74 mô hình), Tân Phú (54 mô hình), Phú Đông (70 mô hình) và Phú Thạnh (15 mô hình). Các mô hình này sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc phòng, chống thiên tai cho người dân vùng ven biển.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong 6 tháng cuối năm 2013, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác đối với thiên tai; vận động nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà ở, chống tốc mái và bảo vệ con người; thông tin kịp thời diễn biến tình hình thời tiết và khí tượng, thủy văn để giúp nhân dân kịp thời nắm bắt và chủ động phòng, tránh  thảm họa do thiên tai gây ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

PHÙNG LONG (thực hiện)

.
.
.