Thứ Tư, 21/08/2013, 10:16 (GMT+7)
.
Nhà sử học NGUYỄN KHẮC THUẦN:

Tuổi trẻ phải khắc ghi bài học từ AHDT Trương Định

Nhân Lễ giỗ 149 năm Ngày Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864 -
20-8-2013), phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần xoay quanh những bài học mà AHDT Trương Định đã để lại.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần (bên trái) bên quyển sách gỗ độc bản.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần (bên trái) bên quyển sách gỗ độc bản.

Mở đầu, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho rằng, có nhiều yếu tố rất đặc biệt xoay quanh AHDT Trương Định. Trước hết, phải nhận thấy được rằng, Gò Công là quê của ông Phạm Đăng Hưng, thân sinh của bà Phạm Thị Hằng, tức Từ Dụ Thái Hậu (thân mẫu của vua Tự Đức). Lúc bấy giờ, nói yêu nước phải gắn với tôn kính vua Tự Đức.

Tuy nhiên, câu hỏi đang đặt ra là làm sao vừa đánh Pháp vừa triệt tiêu tư tưởng bạc nhược của Tự Đức. Đó là điều rất khó, nhưng Trương Định đã làm được. Bởi vì Trương Định đã theo lòng dân. Nguyễn Đình Chiểu đã viết rất hay: Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền/ Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại.

Giữa dân và nước, Trương Định đã chọn dân. Đất nước lâm nguy, chọn dân tức là chọn đối tượng quyết định vận mệnh của dân tộc, từ bỏ ảnh hưởng của hoàng đế để đi theo lòng dân. Đó là sự chọn lựa rất sáng suốt, rất đúng đắn và lịch sử đời đời trân trọng.

Phóng viên: Xoay quanh việc công nhận Bằng Tôn vinh giá trị kỷ lục Việt Nam, đặc biệt là quyển sách gỗ độc bản có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định, ý kiến của ông như thế nào?

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Đây chỉ là công trình nghệ thuật thể hiện lý lịch về cuộc đời của Trương Định bằng 3 thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh). Đó là một cố gắng rất đáng được trân trọng và ghi nhận. Đó không phải là một sáng tác và cũng không phải là một công trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, điều này rất quan trọng. Nói tới tâm linh là nói đến sự hài hòa giữa nội dung thực của lời lẽ, chữ nghĩa với phương tiện và phương pháp thể hiện. Quyển sách gỗ độc bản về lý lịch của Trương Định là một cố gắng cá nhân rất đáng để trân trọng, phản ánh được quyết tâm làm cho mọi người hiểu được Trương Định. Một hình thức nhỏ nhưng có tác dụng lớn.

Phóng viên: Tuổi trẻ Tiền Giang nói chung và Gò Công nói riêng cần học những bài học nào mà AHDT Trương Định đã để lại, thưa ông?

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Đối với người Tiền Giang nói chung và Gò Công nói riêng, đặc biệt là tuổi trẻ cần phải lưu ý mấy vấn đề. Nói đến Trương Định là nói đến một người có năng lực, có ý chí và có nghệ thuật tổ chức khẩn hoang. Tên tuổi của Quản cơ Trương Định đã gắn liền với sự nghiệp tổ chức khẩn hoang của ông.

Ngày xưa chỉ có khẩn hoang, ngày nay tuổi trẻ có quá nhiều công việc để làm. Làm việc gì cũng được, miễn là việc đó ích nước lợi nhà. Bài học đầu tiên của Trương Cầm (thân sinh của Trương Định) và của Trương Định bắt đầu từ đó. Hơn nữa, những người đi theo Trương Định cũng là những người thể hiện được điều đó.

Bài học thứ hai là: Khi vận nước lâm nguy thì thái độ trang nghiêm nhất, đúng đắn nhất là cầm lấy vũ khí để cứu nước. Lúc bấy giờ giữa anh hùng và phản bội, giữa cao thượng và thấp hèn thể hiện một cách rất rõ ở chỗ ai dám hoặc không dám chống kẻ thù của dân tộc.

Trương Định là người nêu cao nghĩa khí, cầm vũ khí để chống lại quân xâm lăng. Bài học đó đối với chúng ta là không thể tách biệt ra khỏi vận mệnh của dân tộc, phải có trách nhiệm với dân tộc, thực hiện trách nhiệm bằng tất cả khả năng và điều kiện riêng của mình. Nay kẻ thù xâm lăng không còn nữa nhưng sự đói nghèo thực sự là kẻ thù.

Có một thời như thời Trương Định ai không thấy mất nước là một nỗi nhục, kẻ đó không đáng sống. Có một thời như thời hôm nay, ai không thấy đói nghèo là một nỗi nhục, kẻ đó cũng không đáng sống. Tuổi trẻ luôn phải làm giàu cho quê hương, làm giàu cho đất nước. Nhưng làm giàu không phải với bất cứ giá nào, mà phải làm giàu một cách chính đáng. Làm giàu không chỉ đem lại giá trị kinh tế, mà còn đem lại những giá trị về tri thức và văn hóa cho đời sau. Đó là bài học cốt lõi từ Trương Định mà chúng ta rút ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH - PHƯƠNG MAI

.
.
.