Thứ Sáu, 16/08/2013, 11:04 (GMT+7)
.

PGĐ Võ Văn Thông: Đề phòng các cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng đến Nam bộ

Gần 1 tháng qua, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp với 4 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông. Từ nay đến cuối năm, thời tiết sẽ diễn biến thế nào? Phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang về vấn đề trên. Ông Thông cho biết:

Thời gian qua, tình hình mưa, bão diễn biến rất phức tạp và bất thường. Chỉ từ ngày 17-7 đến nay, có 4 cơn bão và 1 ATNĐ hoạt động trên biển Đông. Đặc biệt, chỉ trong vòng 2 tuần vừa qua trên biển Đông đã xuất hiện 3 cơn bão và 1 ATNĐ. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Hiện tượng này cũng cho chúng ta thấy rõ dấu hiệu của biến đổi khí hậu.

Phóng viên (PV): Còn thời tiết tại Tiền Giang thì sao, thưa ông?

Ông Võ Văn Thông: Những ngày qua do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 7 làm cho gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên gây mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Mưa thường xảy ra vào buổi trưa, chiều và đêm. Cụ thể, tại Trạm Hậu Mỹ Bắc (Cái Bè) có ngày lượng mưa đo được đạt 45,8mm, khu vực Gò Công 42,8 mm, Châu Thành 69,6 mm và TP. Mỹ Tho 39,2 mm. Có thể nói, ảnh hưởng của những cơn bão, ATNĐ liên tiếp xảy ra trong tháng qua đã làm cho lượng mưa tăng cao so với từ đầu mùa mưa đến nay.

Dự báo sau bão số 7, gió mùa Tây Nam sẽ hoạt động giảm dần về cường độ làm cho lượng mưa cũng giảm theo nhưng mưa rải rác vẫn diễn ra.

PV: Ông dự báo thế nào về tình hình thời tiết trong khu vực nói chung và bão, ATNĐ nói riêng từ nay đến cuối năm?

Ông Võ Văn Thông: Theo dự báo nền kết hợp với nhận định bổ sung, tổng lượng mưa mùa năm nay đạt xấp xỉ và trên trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa ở khu vực Tiền Giang xấp xỉ trung bình nhiều năm, các tháng còn lại thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa có khả năng kết thúc vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.

Đối với bão và ATNĐ, dự báo từ nay đến cuối năm còn từ 5 - 6 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông, trong đó có từ 2 - 3 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến nước ta (trong đó có 1 cơn ảnh hưởng đến khu vực từ Nam Trung bộ đến Nam bộ).

PV: Lũ chính vụ sắp đến, ông có nhận định gì về lũ năm nay?

Ông Võ Văn Thông: Do ảnh hưởng của bão số 5 và bão số 6 đi vào khu vực phía Bắc trong những ngày đầu tháng 8 đã gây ra mưa nhiều ở khu vực thượng Lào, đẩy mực nước ở Tân Châu tăng nhẹ. Mực nước cao nhất đo được vào thời điểm trên ở trạm này là 2,88 m. Thời gian tới, bão, ATNĐ thường có xu hướng đi về  phía từ Trung bộ đến Bắc Trung bộ nên sẽ tiếp tục gây mưa nhiều ở thượng và hạ Lào.

Từ đó, mực nước tại Tân Châu sẽ tăng lên và đạt mực nước cao nhất của năm dao động từ báo động 1 đến báo động 2 (từ 3,5 m - 4 m, mực nước xấp xỉ và thấp trung bình nhiều năm) xuất hiện vào khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

Tại khu vực nội đồng Tây Bắc của tỉnh, thời điểm bắt đầu chịu ảnh hưởng lũ vào tuần giữa tháng 9 và kết hợp với kỳ triều cường rằm tháng 8 âl làm cho mực nước tăng lên nhanh và đạt đỉnh ở mức 1,8 - 2 m vào khoảng cuối tháng 10. Còn vùng hạ lưu sông Tiền tại Mỹ Tho, mực nước cao nhất trong năm khả năng xuất hiện vào thời kỳ nửa cuối tháng 10 ở mức 1,7 - 1,8 m, đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2012.

PV: Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ông có khuyến cáo gì không?

Ông Võ Văn Thông: Những năm gần đây thời tiết diễn biến rất bất thường, đặc biệt là bão. Bão hình thành ở phía Đông Philippine cũng có; hình thành trên biển Đông cũng có; có những cơn bão không đi theo quy luật và diễn biến rất phức tạp.

Nhiều năm quan sát cho thấy, thời gian đầu mùa mưa, bão, ATNĐ có xu hướng đi về phía Bắc và thường hướng vào khu vực từ Trung bộ đến Bắc bộ, nhưng càng về cuối mùa, bão, ATNĐ lại có xu hướng đi về phía khu vực từ Nam Trung bộ đến Nam bộ. Vì thế, bà con cần đề phòng các cơn bão, ATNĐ cuối mùa (tháng 11, 12) ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ. Trong mưa có thể kèm theo giông, gió giật, bà con cần chủ động phòng, tránh để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!

N.VĂN (thực hiện)

.
.
.