Thứ Hai, 14/10/2013, 20:41 (GMT+7)
.

NSNA Duy Anh: Những bức ảnh đời thường của Đại tướng-kỷ vật quý báu

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật cũng như làm báo, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Duy Anh (nguyên phóng viên Báo Ấp Bắc) may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 lần. Trong những ngày này, cả nước bùi ngùi, thương tiếc tiễn đưa người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về với các bậc hiền nhân. Cũng như mọi người dân Việt Nam, khi hay tin Đại tướng qua đời, NSNA Duy Anh đã bùi ngùi, thương tiếc. Trong tình cảm yêu quý và kính trọng Đại tướng, NSNA Duy Anh chia sẻ:

Tháng 12-1992, tôi ra Hà Nội nhận giải ảnh báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam. Trong chuyến đi này, tôi may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hầu như ai cũng ào đến để xin được nắm tay ông, máy ảnh thời đó còn hiếm hoi nên tôi được mọi người nhờ chụp giúp. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã ghi lại một số hình ảnh về Đại tướng. Và những bức ảnh ấy được tôi cất kỹ, xem nó như một kỷ vật quý giá.

Tháng 11-1993, tôi có chuyến công tác dài ngày ở Hà Nội với nhiệm vụ duy nhất: chụp ảnh “Ngày thường của một đại tướng” mà Báo Tuổi Trẻ giao (giai đoạn này NSNA Duy Anh công tác ở Báo Tuổi Trẻ - PV). Sau nhiều lần tìm cách tiếp cận để chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, song vẫn không thành. Tôi không nản chí mà quyết chờ. Thật may, Trung tá Lê Đức Sảo (lúc đó đang là phóng viên của báo Quân đội nhân dân, cộng tác mật thiết với Báo Tuổi Trẻ) đã đưa chúng tôi qua ba vòng gác để gặp được Đại tướng.

Chúng tôi ngồi chờ trong phòng khách với tâm trạng hồi hộp. Rồi Đại tướng xuất hiện, rất nghiêm túc với bộ quân phục cùng quân hàm, quân hiệu trên vai… Tôi xin phép được chụp Đại tướng trong trang phục thường nhật. Ông không trả lời mà chỉ cười… Vị Đại tá thư ký của ông nói thầm vào tai tôi: “Đại tướng không thích mặc thường phục chụp ảnh…”.

Nghe Đại tá nói mà lòng tôi như chùng xuống bởi được vào đây thật không dễ chút nào. Không thể bỏ lỡ dịp này, tôi ra sức thuyết phục vị Đại tá.

Cháu Võ Thành Trung hồn nhiên hôn lên má ông nội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh Duy Anh)
Cháu Võ Thành Trung hồn nhiên hôn lên má ông nội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh Duy Anh)

Thấy tôi năn nỉ quá, vị Đại tá thư ký xiêu lòng và bảo tôi phải tìm cách… chụp lén từ xa, hy vọng… sắp đến giờ Đại tướng xuống đọc sách dưới sân vườn nhà. Tôi xuống vườn cây, lắp ống kính tele và vào vị trí ngồi chờ theo lời chỉ dẫn của vị Đại tá thư ký nhiệt tình ấy.

Hồi hộp chờ, rồi hơn 20 phút sau, Đại tướng không xuống vườn mà ra đứng ở ban công trong chiếc áo len ngắn tay. Hướng ống kính chen qua một rèm lá cây, tôi ghi lại được khoảnh khắc suy tư của ông trong một phút xuất thần.

Bỗng dưng Đại tướng cười. Mừng quá, tôi định bước ra thì chợt thấy một bé trai chừng bốn tuổi chạy chiếc xe đạp  con tới. Thì ra ông cười với cháu, chứ không phải với tôi,  rồi ông cầm cuốn sách và xuống vườn nhà. May mắn đã đến với tôi khi ông cười thật hồn nhiên vui đùa với đứa cháu trai. Một khoảnh khắc có lẽ khó có thể tìm lại được.

Tôi quyết định bước ra vì biết ông đang vui và chắc chắn một vị tướng cao minh như ông không bao giờ chấp nhất, để ý chuyện này. Và tôi đã tìm được cơ hội có một không hai để tiếp tục ghi lại những khoảnh khắc thường ngày của một vị danh tướng.

* PV: Và những bức ảnh này đã vượt ra khỏi ranh giới của đất nước để từ đó bạn bè thế giới hiểu hơn về vị Đại tướng lỗi lạc, nhưng có cuộc sống đời thường rất giản dị?

* NSNA Duy Anh: Năm 2000, một nhà báo của Newyork Times đã tìm đến tôi thông qua Báo Tuổi Trẻ. Bà đã phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội và đi tìm ảnh ngày thường của ông để minh họa cho bài viết. Bà đã tìm khắp các báo ở Hà Nội và cuối cùng đã tìm tới Báo Tuổi Trẻ. Do không thể tìm phim phóng ảnh ngay nên sẵn ảnh cũ chưa sử dụng còn sót lại (6 ảnh nhỏ khổ 10 x 15 cm), tôi đành đưa cho bà chọn. Tôi nhớ mãi nét mặt mừng rỡ khi bà nhìn thấy ảnh Đại tướng do tôi chụp đúng với ý đồ “đời thường”.

Sau khi đi, 3 phút sau bà đã quay lại xin đổi ảnh, cứ sắp 6 ảnh cạnh nhau rồi so qua đổi lại. Qua cách tác nghiệp của nhà báo nước ngoài với trách nhiệm không tiếc công sức để tìm cho bằng được tôi, còn phải đắn đo tìm ảnh phù hợp với đề tài bài viết, khiến tôi cảm thông. Cầm lòng không được, tôi biếu bà luôn 3 ảnh còn lại.

Tôi thầm nghĩ hình ảnh Đại tướng cười hiền hậu bên đứa cháu, hay thanh thản ngồi đọc sách bên vườn cây được phổ biến ra thế giới là điều tốt đẹp cho đất nước yêu hòa bình của tôi. Bà cứ cầm lấy tay tôi cảm ơn rối rít. Có lẽ đây cũng là nhuận ảnh lớn nhất nghề báo của tôi, nhưng quan trọng hơn cả là tôi đã ghi lại được những khoảnh khắc đời thường một cách thật nhất của một vị tướng tài ba của thời đại.

* PV: Không phải nhà báo hay NSNA nào của Việt Nam có được may mắn ghi lại những khoảnh khắc đời thường của Đại tướng, anh chia sẻ về vấn đề này như thế nào?

* NSNA Duy Anh: 20 năm qua, tôi gìn giữ những bức ảnh này như một kỷ vật nghề báo và cứ tiếc mãi sao hôm đó không chụp nhiều nữa. Có lẽ sự vĩ đại của một danh tướng huyền thoại, cùng sự ngưỡng mộ của  mọi người (trong đó có tôi) đã làm cho tôi hồi hộp, chưa tận dụng hết thời cơ để có nhiều ảnh đời thường hơn về Đại tướng.

Và cảm động hơn nữa khi trong những ngày này, người cháu nội (Võ Thành Trung) của Đại tướng đã nhắn tin cho tôi khi nhìn lại bức ảnh của tôi chụp em hồn nhiên hôn lên má ông nội: “Đã bao lần nhìn lại bức ảnh là bấy nhiêu lần cháu lại cảm nhận được cái ấm áp dưới nắng mùa đông với ông năm ấy. Thật sự không thể cầm được nước mắt…”.

Xin nói thêm, tháng 5-1994, tôi gặp Đại tướng tại một căn cứ Hải quân ở cảng Ba Son, nhưng ngồi phỏng vấn trong nhà ánh sáng quá yếu, lại chỉ có phim ISO 100 nên ảnh không có thần khi chụp flash. Tuy nhiên, dù sao đó cũng là những kỷ niệm quý giá nhất trong trong đời làm báo của tôi.

* PV: Xin cảm ơn anh!
 

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.