Thứ Hai, 07/10/2013, 14:58 (GMT+7)
.
ÔNG NGUYỄN VĂN MẪN, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TÂN PHƯỚC:

Tập trung nguồn lực ứng phó thiên tai để giảm thiệt hại nhân dân

Tân Phước là huyện thuộc vùng “rốn lũ” của Đồng Tháp Mười. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh với cường suất 8-10cm/ngày. Trước tình hình lũ có khả năng diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước chia sẻ:

Ông Nguyễn Văn Mẫn thăm hỏi nhân dân trong vùng lũ.
Ông Nguyễn Văn Mẫn thăm hỏi nhân dân trong vùng lũ.

Năm nay, thời tiết diễn ra rất phức tạp, nhiệt độ cao, mùa mưa đến sớm hơn bình thường, lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm, lũ xuất hiện sớm hơn, lốc xoáy cũng xuất hiện nhiều. Một số ô đê bao mới hình thành chưa được đầu tư kéo đường điện 1 pha, 3 pha và cống hở, do đó việc bơm chống úng cho khóm gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số ô đê bao ở xã Thạnh Mỹ và xã Tân Hòa Đông mới hình thành, chưa có kinh nội đồng. Mặc dù huyện đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhưng người dân vẫn còn trồng khóm ngoài ô đê bao. Vì vậy, nếu lũ về sớm và lớn thì nguy cơ thiệt hại đối với diện tích khóm trồng ngoài ô đê bao là không thể tránh khỏi.

Để hạn chế thiệt hại cho các hộ trồng khóm ngoài ô đê bao, trong thời gian qua, huyện đã vận động nhân dân xây dựng ô đê bao lửng; đồng thời xử lý khóm để thu hoạch chạy lũ, tránh thiệt hại. Đối với những khu vực đã quy hoạch xây dựng ô đê bao thì huyện cũng đã triển khai thực hiện nhằm bảo vệ diện tích khóm cho nhân dân trong mùa lũ.

Phóng viên (PV): Các ô đê bao chống lũ có được kiểm tra, gia cố, nâng cấp để đảm bảo an toàn khi có lũ lớn?

Ông Nguyễn Văn Mẫn: Hiện nay, toàn huyện có 134 ô đê bao cho vùng khóm nguyên liệu, với diện tích 18.991 ha; tổng chiều dài 568 km, bảo vệ cho 14.718 ha khóm. Trong thời gian qua, để đảm bảo cho công tác phòng, chống lũ lụt, huyện đã triển khai tổ chức thi công gia cố, nâng cấp các tuyến đê bao chưa khép kín và chưa hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai tổ chức thi công những đoạn ô đê bao bị sạt lở ở các tuyến Bắc Trung An, Tây kinh Xáng Chìm và ô đê bao số 11 ở xã Thạnh Mỹ. Triển khai thi công, sửa chữa các cống, đập trên địa bàn toàn huyện. Xây dựng mới các đường điện 3 pha, 1 pha và hạ bình biến áp để phục vụ cho việc bơm ở 21 ô đê bao trên địa bàn xã Thạnh Mỹ, xã Tân Hòa Đông và xã Mỹ Phước.

Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai các xã cũng chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, cây, bao, đất để ứng cứu, gia cố các ô đê bao khi có lũ lớn xảy ra. Phát động nhân dân tham gia bảo vệ các công trình phòng, chống lũ lụt, nhất là các ô đê bao ngăn lũ. Công tác hộ đê trong mùa lũ phải thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”: “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ”.

PV: Bài học kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy, nếu mọi việc được chuẩn bị chu đáo thì thiệt hại trong mùa lũ sẽ giảm rất đáng kể. Ông chia sẻ về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Mẫn: Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa lũ, trong thời gian qua, huyện tiếp tục thi công nạo vét các công trình kinh nội đồng từ nguồn vốn sự nghiệp và thủy lợi phí để đảm bảo nguồn nước trong mùa khô và tiêu thoát nước trong mùa lũ. Phân công trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão 24/24 và nắm bắt thông tin diễn biến thời tiết, triều cường, tình hình thủy văn ở đầu nguồn.

Triển khai công tác phòng, chống lụt bão đến nhân dân, tổ chức họp dân vận động đóng tiền chi cho việc bơm thoát nước. UBND các xã và tổ bơm các ô đê bao vận động nhân dân đóng tiền, dọn cỏ, nạo vét kinh nội đồng để tiêu thoát nước. Đối với các ô đê bao không có trạm bơm điện, phải chuẩn bị máy dầu để bơm.

Bên cạnh đó, các trạm bơm điện cũng phải chuẩn bị máy dầu để phụ bơm, tránh gây ngập úng khóm ở những khu vực không thoát nước về trạm bơm điện kịp thời. Tiếp tục giải ngân và quyết toán kinh phí các công trình phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, thủy lợi phí. Lắp kín các cống, đập ở các ô đê bao khép kín. Sửa chữa và vận hành các trạm bơm điện.

PV: Huyện có kế hoạch gì để giúp cho các hộ sống trong vùng lũ nói riêng và nhân nhân nói chung được an toàn, nhất là đối với trẻ em?

Ông Nguyễn Văn Mẫn: Đối với những hộ sống trong vùng ngập lũ, UBND xã vận động nhân dân kê, chằng chống nhà cửa và thu dọn vệ sinh gọn gàng. Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về phòng, chống lụt bão, quan tâm trông nom trẻ em, sắp xếp thời gian đưa rước con em đi học, nhất là đối với học sinh ở bậc học mầm non và tiểu học, kiên quyết không để thiệt hại về người trong mùa lũ.

Thành lập các điểm giữ trẻ tập trung ở những nơi có điều kiện, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng trẻ em. Riêng về việc cho học sinh ở các trường bị ngập lũ nghỉ học, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão của huyện giao Phòng Giáo dục - Đào tạo được giải quyết trước và báo cáo sau.

Có kế hoạch bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, thủy sản để hạn chế đến mức thấp nhất khi có lũ lớn về. Kiểm tra, thống kê số hộ neo đơn, già yếu, nhà ở nơi đồng trống, hẻo lánh để lập phương án cụ thể di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.

Vận động nhân dân hạn chế ra đồng khi có mưa to, gió lớn. Tu sửa ghe xuồng, kê kích, bảo quản lương thực, giống. Tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm các công trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ.

Huyện cũng kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh trong mùa lũ. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, lực lượng y, bác sĩ để đáp ứng nhu cầu cứu thương, phòng ngừa dịch bệnh. Thành lập đội cấp cứu, đội chống dịch lưu động để kịp thời phòng trị ở những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Quản lý tốt các phương tiện, bến đò ngang trong mùa lũ để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, ban, ngành, đoàn thể kiểm tra, tu sửa lại xuồng máy đã cấp để đảm bảo cho công tác đi kiểm tra, ứng cứu khi cần thiết.

Mỗi ấp thành lập một tổ xung kích làm nhiệm vụ cứu hộ có qua tập huấn sơ, cấp cứu người chết đuối, rắn cắn… Mỗi ban, ngành huyện phải cử người túc trực để nhanh chóng đến địa bàn theo sự điều hành của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão của huyện khi có sự cố xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.