Thứ Sáu, 27/06/2014, 11:57 (GMT+7)
.

Cuộc vận động đã tạo hiệu ứng tích cực trong sử dụng hàng Việt

Qua gần 5 năm (năm 2009 - 2014) triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) đã mang lại hiệu ứng tích cực. Nhiều thương hiệu hàng Việt đã chiếm thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống và ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Riêng về phía người tiêu dùng thì cũng đã ủng hộ hàng Việt ngày càng nhiều hơn. Ông Huỳnh Văn Phương (H.V.P), Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết:

Trong 5 năm qua, Cuộc vận động đã được Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện với sự phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức thành viên và các ngành có liên quan. Trong đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh được tổ chức kiện toàn thường xuyên. Để lãnh đạo tốt Cuộc vận động, Tỉnh ủy cũng thống nhất cho cấp huyện và cơ sở thành lập Ban vận động để triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Ngoài ra, trong quản lý, điều hành UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án và chỉ đạo xử lý, tác động mạnh mẽ đến việc triển khai thực hiện Cuộc vận động.

* Phóng viên (P.V): Trong 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

* Ông H.V.P: Cuộc vận động được triển khai thực hiện sâu rộng đến tận cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức. Kết quả, đã tổ chức 125 cuộc vận động trong cán bộ, đảng viên với 10.625 người tham dự; tập huấn 69 cuộc, có 51.024 lượt người dự; tuyên truyền trong nhân dân 99.810 cuộc, với 3.677.854 lượt người dự.

Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh diễn ra 10 Hội chợ phát triển kinh tế thương mại - nông nghiệp, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và 134 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp, với 2.989 lượt doanh nghiệp tham gia. Qua đó, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất trong tỉnh đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng; đồng thời thấy được tiềm năng của thị trường nội địa.

Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới, chất lượng ngày càng cao, giá cả cạnh tranh và mở rộng thị trường. Từ đó từng bước tạo được lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trong những năm qua đã mang lại hiệu ứng tích cực cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Từng bước tạo sự chuyển biến trong thói quen, hành vi mua sắm, kinh doanh và ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Kết quả, trên địa bàn tỉnh, có 85% sản phẩm, hàng hóa Việt Nam được bày bán tại các chợ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, siêu thị…

* P.V: Theo ông, trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động ở tỉnh Tiền Giang đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì?

* Ông H.V.P: Mặc dù Cuộc vận động đã đạt được những kết quả và chuyển biến khả quan nhưng vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể nhiều nơi, nhất là ở cơ sở, chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động ở địa phương; không ít nơi còn tỏ ra lúng túng hoặc có lúc buông lỏng. Việc triển khai Cuộc vận động có nơi còn nặng về hình thức, do chưa nhận thức đầy đủ mục đích, nội dung của Cuộc vận động.

Công tác tuyên truyền, vận động trong doanh nghiệp chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, do điều kiện khó khăn trong kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến Cuộc vận động. Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ doanh nghiệp được các ngành chức năng cố gắng thực hiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Một số cơ quan, đơn vị chưa có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Việc tổ chức hoạt động của Ban Vận động huyện và cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có chủ trương, kinh phí...

* P.V: Theo ông, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang cần phải tập trung những giải pháp nào để Cuộc vận động tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả?

* Ông H.V.P: Để Cuộc vận động tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân trong việc hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động. Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh; đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trương thành lập Ban vận động huyện và cơ sở; đồng thời cần phải có cơ chế, chính sách, kinh phí thực hiện Cuộc vận động tại huyện, xã.

Sản phẩm của công ty may Tây Đô tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao Tiền Giang năm 2013. Ảnh: Vân Anh
Sản phẩm của công ty may Tây Đô tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao Tiền Giang năm 2013. Ảnh: Vân Anh

Quán triệt sâu rộng hơn nữa mục đích, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động theo Thông báo 264-TB/TW Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trên cơ sở sơ kết đánh giá qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động, các cấp, ngành, đoàn thể cần phải đối chiếu, nhìn lại những việc đã làm được và chưa được để đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Cuộc vận động nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan đến Cuộc vận động nhằm tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị mới, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa, để ngày càng tạo được niềm tin, ưu tiên mua sắm, sử dụng đối với người tiêu dùng.

Riêng đối với mỗi người tiêu dùng cần phải thấy và hiểu rằng dùng hàng Việt là yêu nước. Từ đó biến việc thực hiện Cuộc vận động thành sự tự giác, niềm tự hào của mỗi người dân, mỗi gia đình Việt Nam khi lựa chọn mua sắm, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

HỮU NGHỊ (thực hiện)

Tự hào hàng Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối lên 80%.

Trong giai đoạn 2014 - 2020 sẽ thực hiện 4 Chương trình: Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt trên cả nước; xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; xây dựng kho phân phối hàng Việt Nam tại địa bàn nông thôn; tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.

 

.
.
.