Thứ Sáu, 27/06/2014, 12:03 (GMT+7)
.

Giám đốc Công tyTNHH Lương thực Thịnh Phát: Vụ hè thu nông dân đỡ lo

Bàn về tình hình kinh doanh lúa gạo, thu nhập của người nông dân, nhất là vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch vụ hè thu sớm, cũng như việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu theo chủ trương chung còn nhiều điều bất cập hiện nay, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định:

Những tháng gần đây xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi cho các nhà sản xuất lúa gạo. Thứ nhất, theo dự báo là xuất hiện hiện tượng El Nino dẫn đến khô hạn, giảm sản lượng, mất mùa nên đẩy nhu cầu về lúa gạo của thế giới tăng lên.

Theo như các nhà khoa học dự báo, hiện tượng El Nino ảnh hưởng nhiều nhất cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Indonesia, Malaysia, nên các nước này sẽ gặp khó khăn do hiện tượng thời tiết. Chu kỳ này lặp lại giống như năm 2008.

Thứ hai, gần đây sản lượng gạo tồn kho của Ấn Độ đã giảm, kèm theo thời tiết khó khăn, nếu có hiện tượng mất mùa thì Ấn Độ sẽ giảm lượng xuất khẩu, thậm chí là ngưng lại, làm cho nguồn cung giảm nên giá sẽ tăng.

Thứ ba, Trung Quốc hiện nay vẫn thiếu gạo trầm trọng. Về mặt chính ngạch, Trung Quốc vẫn mua hơn 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua, bên cạnh đó còn có lượng gạo xuất theo đường tiểu ngạch. Có người đánh giá là hơn 1 triệu tấn gạo của Việt Nam được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc từ đầu năm 2014 đến nay.

Thực tế là, nếu tính đến ngày 20-6, cả nước đã xuất khẩu 2,6 triệu tấn gạo nhưng sản lượng lúa hàng hóa của vụ đông xuân vừa qua là trên 3 triệu tấn, tồn kho của năm 2013 chuyển sang 800.000 tấn gạo, cộng với lượng thu hoạch vụ xuân hè đến thời điểm hiện nay cũng xấp xỉ 1 triệu tấn gạo.

Như vậy, tổng lượng gạo đã trên 4 triệu tấn, nhưng thực tế mới chỉ xuất trên 2,6 triệu tấn, còn khoảng 2 triệu tấn. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, trên thực tế cả nước cũng chỉ còn khoảng 1 triệu tấn gạo. Như vậy, rõ ràng phải có ít nhất 1 triệu tấn gạo đã được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, nhưng rất khó thống kê con số chính xác.

Nguyên nhân là Trung Quốc bao giờ cũng thiếu gạo, do dân số đông, diện tích làm lúa ngày càng giảm; một số vùng lại không trồng lúa được nên chủ yếu là mua gạo. Từ thực tế này, thời gian qua mặc dù Trung Quốc có ngưng nhập khẩu gạo Việt Nam một vài đợt nhưng chỉ mang tính nhất thời và đã quay lại mua gạo của Việt Nam.

Kinh doanh lúa gạo thuận lợi hơn

* Phóng viên (PV): Như vậy, tình hình kinh doanh lương thực đã có những điểm sáng hơn?

* Ông Lâm Anh Tuấn: Thuận lợi của kinh doanh gạo từ đầu năm đến nay là Việt Nam có hợp đồng cũ đối với Philippines của năm trước chuyển sang. Thứ hai, Việt Nam vừa trúng thầu gói 800.000 tấn gạo xuất sang Philippines, mặc dù giá bán không tốt, nhưng nhờ có nhu cầu nhập khẩu đã đẩy giá bán tăng lên chút ít. Kế đến là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch lại xuất hiện sớm và hầu như mang tính liên tục từ đầu năm đến nay, nên giá lúa gạo không sụt giảm nghiêm trọng.

Chẳng hạn như năm 2013, sau khi kết thúc mua tạm trữ, vào khoảng tháng 5, 6 giá lúa giảm sâu nhưng năm nay giá lúa gạo lại có xu hướng tăng. Nhờ vậy những trà lúa của vụ xuân hè năm nay mặc dù chất lượng kém, nhưng bà con vẫn bán được giá tốt.

Thông thường mọi năm giá lúa thời điểm này rơi xuống dưới 4.000 đồng/kg nhưng năm nay không giảm sâu như thế. Cụ thể, giá lúa khô hiện tại đều trên 5.000 đồng/kg, còn lúa tươi cũng trên 4.300 đồng/kg; giá gạo lức cũng đang ở mức 6.600 đồng/kg, tương đương với giá cao điểm của vụ đông xuân vừa rồi, mặc dù chất lượng gạo kém hơn.

* PV: Như vậy, việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu năm nay sẽ thuận lợi hơn?

* Ông Lâm Anh Tuấn: Với bức tranh chung như thế, vụ hè thu năm nay cũng sẽ thuận lợi hơn năm trước ở chỗ chất lượng gạo đầu vụ có kém nhưng vẫn tốt hơn vụ hè thu năm 2013 và thu hoạch trong thời điểm thế giới đang có nhu cầu tiêu thụ.

Do đó, giá lúa gạo sẽ không rớt xuống. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn một số hợp đồng tập trung chuẩn bị giao hàng, chưa kể những ngày gần đây các thị trường tiêu thụ khác lại đang có nhu cầu nhập gạo Việt Nam nên giá gạo bắt đầu lên, dẫn đến giá lúa sẽ không sụt nên người nông dân sẽ thuận lợi hơn trong tiêu thụ lúa gạo so với các năm trước.

Bức tranh chung của thị trường lúa gạo thế giới cũng có những điểm sáng. Đó là Thái Lan đang tạm ngưng xuất khẩu để kiểm kê lại các kho lúa gạo, nên các nhà nhập khẩu phải tìm nguồn khác để thay thế, trong đó gạo rẻ nhất thì chỉ có Việt Nam có lợi thế.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc còn đang là ẩn số và lượng mua gần đây đang tăng cao. Về giá xuất khẩu gần đây cũng đã tăng gần 20 USD/tấn so với tháng trước. Có lúc, Việt Nam chào giá 390 USD/tấn nhưng không bán được nhưng hiện nay có thể bán ở giá 410 USD/tấn. Còn giá gạo có thể tiếp tục tăng hay không còn tùy thuộc vào tình hình thu hoạch lúa tới đây của các nước, nhất là các nước có lượng xuất khẩu lớn.

Theo nhận định của các chuyên gia, Indonesia có khả năng nhập khẩu gạo trở lại, Malaysia mới trở lại mua của Việt Nam 200.000 tấn gạo sau thời gian mua gạo của các nước khác, còn Philippines có khả năng nhập tiếp gạo khi hợp đồng hiện tại với Việt Nam được thực hiện xong. Với tình hình như thế, nếu nguồn cung lúa gạo có khả năng giảm, giá bán có xu hướng sẽ tiếp tục tăng.

* PV: Theo như đánh giá, nhận định tình hình thị trường hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh lương thực sẽ khởi sắc trở lại?

* Ông Lâm Anh Tuấn: Cũng không hẳn thế. Đối với các doanh nghiệp (DN) nếu đánh giá không kỹ tình hình thị trường cũng sẽ bị lỗ. Ví dụ như vào thời điểm đầu năm, khi vào vụ đông xuân nhiều người nghĩ rằng giá lúa gạo sẽ sụt giảm, nên ký hợp đồng với giá bán rất thấp. Đơn cử có DN ký hợp đồng loại gạo 5% tấm chỉ dao động từ 7.600 - 7.700 đồng/kg, trong khi đó giá trên thị trường trong nước lại không dưới 7.800 đồng/kg, nên dẫn đến tình trạng lỗ vốn.

Cũng như kết thúc vụ đông xuân, chuẩn bị vào vụ hè thu một số đơn vị lại nhận định giá tiếp tục xuống nên ký hợp đồng cung ứng hoặc xuất khẩu trực tiếp theo giá thời điểm mà không lường được, gần đây lại xuất hiện một số nhu cầu nhập khẩu của các nước làm cho tình hình thị trường thay đổi nhanh. Tuy nhiên, qua thực tế vừa qua và tình hình hiện nay đã giúp phân loại DN một cách rất rõ ràng.

Những DN mà yếu về mặt tài chính do thua lỗ của những năm trước, với tình hình này nếu không có những biện pháp hữu hiệu thì không khéo lại tiếp tục lún sâu thêm. Bởi ngành gạo hiện cũng còn rất khó khăn, nên rất khó tìm kiếm được lợi nhuận cao.

Chuyển gạo xuống sà lan để xuất khẩu.
Chuyển gạo xuống sà lan để xuất khẩu.

Nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

* PV: Một trong những điểm mới liên quan đến sản xuất lúa gạo năm 2014 là quy định bắt buộc DN xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu của Bộ Công thương, ông đánh giá về chủ trương này như thế nào?

* Ông Lâm Anh Tuấn: Chuyện xây dựng vùng nguyên liệu chỉ mang yếu tố là định hướng của Nhà nước, còn tự DN sẽ tìm đến khi đó là một nhu cầu thực tế. Ví dụ một DN làm gạo thơm, hay một loại đặc sản nào đó thì bắt buộc DN đó phải đi tìm vùng nguyên liệu để mua đúng chủng loại mình cần. Do vậy, sự liên kết này là tất yếu.

Chẳng hạn như nuôi cá tra công nghiệp có một thời là mạnh ai nấy nuôi một cách nhỏ lẻ, nhà máy chế biến chỉ biết đi mua cá tra về chế biến. Nhưng đến giai đoạn nào đó, chẳng hạn như hiện nay thì bắt buộc nhà máy phải tự xây dựng vùng nguyên liệu nhằm hạ được giá thành sản xuất và kiểm soát được chất lượng nguyên liệu.

Như vậy, chẳng cần ai khuyến khích mà hầu hết DN chế biến xuất khẩu cũng đã tự xây dựng vùng nguyên liệu. Ở ngành hàng lúa gạo cũng thế, sẽ có một số DN rất thích xây dựng vùng nguyên liệu, chẳng hạn họ kinh doanh loại gạo Jasmine nên muốn có vùng nguyên liệu trồng thuần chủng loại lúa này. Còn đối với các DN làm các loại gạo thông dụng mà bắt xây dựng vùng nguyên liệu lúa là rất khó.

Thứ nhất, bản chất của vấn đề là phải tổ chức lại sản xuất, bởi thực tế hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm, các tổ hợp tác hầu như chỉ mang tính chất hình thức. Thứ nữa, Nhà nước định hướng xây dựng vùng nguyên liệu là chủ trương đúng, nhưng mối liên kết này phải dựa trên tinh thần tự giác và ai cũng cảm thấy cần với nhau thì mới gắn bó được với nhau, nếu không dễ xảy ra tình trạng “bẻ chỉa”.

* PV: Đó có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng vùng nguyên liệu theo chủ trương chung thời gian qua đạt thấp, thưa ông?

* Ông Lâm Anh Tuấn: Thực tế cho thấy việc liên kết mang tính chung chung với loại gạo đại trà rất khó làm. Lý do là nguồn lực đâu để DN hỗ trợ nông dân. Bởi DN hiện tại phải chấp nhận kinh doanh theo cơ chế thị trường. Nếu là gạo đặc sản, DN có thể có đường đi riêng và tạo ra lợi nhuận cao nên DN có thể làm liên kết được.

Đối với các loại gạo thông thường, mang tính đại trà thì DN phải chịu áp lực bán do còn cạnh tranh với các nước có loại gạo tương ứng. Lúc này gạo có giá rẻ nhất sẽ có lợi thế chứ không nhất thiết các nhà nhập khẩu phải mua gạo của Việt Nam.

Do chịu áp lực giá rẻ từ cạnh tranh của các nước như thế, nên rất khó để DN kinh doanh xuất khẩu gạo có nguồn lực hỗ trợ cho nông dân. Cái chính là nông dân phải được Nhà nước hỗ trợ, còn liên kết giữa DN với nông dân là xuất phát từ nhu cầu của thị trường.

* PV: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.