Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:50 (GMT+7)
.
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang:

Còn nhiều việc phải làm để mở rộng mô hình Cánh đồng lớn

Vụ đông xuân 2014 - 2015, Công ty Lương thực Tiền Giang triển khai mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) với gần 2.000 ha trên địa bàn toàn tỉnh. Trong nhiều năm nay, đơn vị này đã triển khai mô hình CĐL rộng khắp, lớn nhất và đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, để mô hình này ngày càng lớn thì còn nhiều việc phải làm.

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, diện tích ký hợp đồng liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm của công ty là 1.946 ha, sản lượng dự kiến 15.000 tấn, trải dài từ TX. Gò Công đến huyện Cái Bè.  Vì vậy, ngay từ đầu tháng 2-2015, Công ty đã tổ chức thu mua rất sớm để theo kịp tiến độ thu hoạch.

* Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết, Công ty Lương thực Tiền Giang đã triển khai thu mua lúa gạo cho nông dân như thế nào?

* Ông Lê Thanh Khiêm: Công ty mua theo giá thị trường. Chúng tôi thông báo giá mua cho nông dân từ 2 đến 3 ngày trước khi thu hoạch và sẽ điều chỉnh kịp thời khi giá thị trường biến động. Để bảo đảm tiến độ thu mua lúa cho nông dân, Công ty khai thác năng lực sấy hiện có của công ty (năng lực sấy tối đa khoảng 620 tấn/ngày đêm); trường hợp khẩn cấp sẽ áp dụng quy trình sấy 2 giai đoạn (sấy tạm xuống độ ẩm 19 - 20, sau đó khi hết vụ tiến hành sấy lại xuống độ ẩm bảo quản). Điều này sẽ phát sinh thêm chi phí nhưng sẽ xử lý được hết lượng lúa hàng hóa thu hoạch kịp thời.

Sân phơi tại các kho của Công ty đảm nhận được 350 tấn/mẻ (Phú Cường 200 tấn, Mỹ Lợi B 50 tấn, Mỹ Phước 100 tấn). Ngoài ra, Công ty còn liên kết thuê sân phơi khi cần thiết.

Công ty cũng đã công bố và điều chỉnh giá mua lúa khô thích hợp, theo hướng khuyến khích, có lợi hơn cho nông dân khi bán lúa khô tại kho của công ty nhằm giảm áp lực bán lúa tươi tại những thời điểm cần thiết.

* PV: Sau thời gian DN xây dựng mô hình CĐL, ông đánh giá như thế nào về mô hình này? Theo ông, để mô hình CĐL ngày càng lớn thì Nhà nước cần phải làm gì, nông dân thực hiện ra sao và DN thực hiện như thế nào?

* Ông Lê Thanh Khiêm: Mô hình CĐL vừa qua là chủ trương đúng đắn và là hướng đi phù hợp, mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn và quy mô còn hạn chế. Đối với bà con nông dân thì đã có những hiệu quả bước đầu và thấy rõ là: Khi tham gia mô hình được công ty đầu tư ứng trước không tính lãi trong 4 tháng, được hướng dẫn quy trình canh tác đạt năng suất cao, giá thành giảm; được bao tiêu toàn bộ lúa hàng hóa theo giá thị trường (kèm theo chính sách giá bảo hiểm) không sợ bị thương lái “ép giá” ngay cả khi giá thị trường xuống thấp… Tuy nhiên, với DN thì hiệu quả thực sự mang lại chưa rõ nét vì trước mắt phát sinh rất nhiều chi phí chưa thể bù đắp được lợi ích do mô hình mang lại.

Nhập gạo vào kho sau khi mua tạm trữ từ mô hình CĐL.
Nhập gạo vào kho sau khi mua tạm trữ từ mô hình CĐL.

Để có thể mở rộng được quy mô và hiệu quả mang lại, cần có một quá trình thích hợp với sự nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía như: Đối với Nhà nước, chính quyền địa phương nên định hướng, tổ chức sản xuất lớn theo các quy trình đạt chuẩn. Phải quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa đủ lớn để dễ dàng tiếp cận thị trường và bảo đảm đầu ra, tránh tình trạng mang hình thức là CĐL nhưng sản xuất thì “nhỏ”, phân tán, tự phát, manh mún như hiện nay. Trong mô hình, phải khuyến cáo chỉ sử dụng từ 1 - 2 loại giống cấp xác nhận phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thực tế cho thấy, sự quan tâm lãnh đạo của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã là hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, quản lý địa bàn chặt chẽ; xác định giá lúa theo thị trường, hỗ trợ xử lý các khó khăn tranh chấp phát sinh… Cần củng cố, xây dựng các HTX, tổ sản xuất bảo đảm năng lực điều hành, thật sự là cầu nối có hiệu quả giữa nông dân và DN; tránh tình trạng nhiều nơi HTX chỉ mang tính hình thức, chỉ là nơi tập hợp các hộ sản xuất riêng lẻ, mạnh ai nấy làm.

Trước mắt, tập trung phát triển mô hình CĐL gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã kiểu mới; tổ chức hình thành những dịch vụ thu hoạch, thu gom lúa, bốc xếp, vận chuyển, phơi sấy, bảo quản lúa... hỗ trợ hiệu quả cho DN lúc thu mua cao điểm. Nâng cấp và sửa chữa hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng phục vụ cho khâu thu mua như cầu đường, nạo vét kinh rạch bảo đảm cho phương tiện vận chuyển từ 30 - 50 tấn vào đến nơi nhận lúa…

Đối với nông dân, HTX, tổ hợp tác: Nông dân cần thấy được lợi ích lâu dài, làm quen tập quán sản xuất lớn, sản xuất theo thị trường và đề cao tính trách nhiệm khi thực hiện liên kết sản xuất thông qua hợp đồng với DN. Từng bước chuyển đổi tư duy trong sản xuất lúa gạo theo hướng sản xuất lớn, khi thu hoạch hạn chế bán lúa tươi tại ruộng, mà chuyển sang các hình thức khác như bán lúa tươi tại kho, bán lúa khô tại sân, lúa khô tại kho, ký gửi lúa khô tại kho chờ giá tốt, hoặc tạm trữ ngắn hạn tại nhà… Đây là những hình thức góp phần giải quyết khó khăn trong thu mua cho DN, vừa mang lại lợi ích trực tiếp cho bà con nông dân vì giá bán lúa có lợi hơn. 

Đối với DN: Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, chủ động phát triển được thị trường trên những nền tảng liên kết, xây dựng được vùng nguyên liệu; chuyển hướng theo hướng kinh doanh từ nguyên liệu lúa. Chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng và nguồn lực phục vụ cho khâu thu mua lúa như: Kho tàng trữ, sân phơi, sấy lúa, đội ngũ thu mua chuyên nghiệp; tranh thủ những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Có thể nói hiện nay, đây là nguyên nhân chính làm hạn chế quy mô mở rộng CĐL vì các DN đều chưa có hạ tầng thu mua lúa đủ mạnh. Doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ chế biến; xây dựng thương hiệu gạo phù hợp cho từng phân khúc thị trường.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.