Thứ Sáu, 22/05/2015, 09:35 (GMT+7)
.
ÔNG VƯƠNG NGỌC LONG, TRƯỞNG BAN PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU - CÔNG TY CỔ PHẦN SỮA VIỆT NAM:

Hộ nuôi bò đáp ứng các yêu cầu công ty sẽ thu mua sữa

Mô hình chăn nuôi bò sữa ở Tiền Giang nói chung, huyện Gò Công Tây nói riêng đã và đang phát triển, nhiều hộ dân làm giàu từ việc chăn nuôi bò. Tuy nhiên, theo nhiều hộ nuôi bò sữa tại huyện Gò Công Tây, thời gian gần đây bà con gặp nhiều khó khăn do Vinamilk - doanh nghiệp thu mua sữa bò chưa thành lập trạm thu mua sữa tại huyện, cùng với một số chính sách mới của công ty khiến người nuôi bò lo lắng không ký được hợp đồng tiêu thụ sữa.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

* PV: Xin ông cho biết, thời gian qua Vinamilk có những chương trình gì hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa? Ông đánh giá thế nào về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu sữa bò của nông dân tỉnh Tiền Giang?

* Ông Vương Ngọc Long: Trong các năm qua, Vinamilk thường xuyên có những chính sách và biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa khắp cả nước như:

Cung cấp tín dụng mua bò giống, tín dụng xây dựng, cải tạo chuồng trại, mua thiết bị; tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật miễn phí như gieo tinh, gọt móng... Mục đích của các chương trình này là giúp người chăn nuôi phát triển chăn nuôi bò sữa đúng kỹ thuật, hiệu quả và bền vững.

Số lượng hộ nông dân Chăn nuôi bò sữa thuộc tỉnh Tiền Giang hiện nay là 235 hộ, tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ Gạo, TP. Mỹ Tho, Châu Thành và khu vực Gò Công Đông, Gò Công Tây. Lượng sữa thu mua cả khu vực là 13,1 tấn/ngày do 2 trạm thu mua trung chuyển sữa đặt tại huyện Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho. Chất lượng sữa của đàn bò giữa các địa phương không có gì khác biệt nếu được nuôi đúng kỹ thuật.

* PV: Nhiều hộ dân nuôi bò sữa ở huyện Gò Công Tây cho biết, thời gian gần đây công ty buộc người nuôi phải trực tiếp đi giao và uống sữa cảm quan (không được gửi), bà con phải đi đoạn đường từ 20 - 25km đến trạm thu mua sữa đặt tại huyện Chợ Gạo tốn nhiều thời gian, chi phí, không còn lãi bao nhiêu, đời sống khó khăn. Ông có thể cho biết vì sao công ty lại yêu cầu như thế?

* Ông Vương Ngọc Long: Mục tiêu của Vinamilk là ngày càng nâng cao chất lượng sữa bò tươi nguyên liệu, tăng năng suất khai thác sữa để nông dân cùng Vinamilk phát triển ngành chăn nuôi bò sữa bền vững, an toàn thực phẩm và chuyên nghiệp, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm sữa được kiểm soát nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm từ nông trại chăn nuôi bò sữa đến bàn ăn.

Vì vậy, các hộ chăn nuôi bò sữa là người cung cấp nguyên liệu sữa, phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm chất lượng sữa tươi nguyên liệu, trong đó có yêu cầu người nuôi bò phải trực tiếp đem sữa đi giao, phải đích thân nếm cảm quan sữa để bảo đảm tính an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng sữa giao cho nhà máy nhằm bảo vệ người tiêu dùng sữa và cũng chính là bảo vệ thương hiệu Vinamilk, bảo vệ sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam.

Điều này quy định rõ ràng trong hợp đồng của Công ty Vinamilk ký kết với các hộ chăn nuôi. Người nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa tại các vùng mới phải chấp nhận các khó khăn ban đầu hoặc các cơ quan Nhà nước quy hoạch và khuyến cáo người dân chỉ phát triển chăn nuôi bò sữa tại các khu vực thích hợp, gần trạm thu mua sữa để thuận lợi cho người dân trong việc giao sữa.

* PV: Như vậy, để thành lập trạm thu mua sữa bò cần những điều kiện gì, thưa ông?

* Ông Vương Ngọc Long: Điều kiện để thiết lập trạm trung chuyển sữa tại một khu vực thì sản lượng sữa tại khu vực phải đạt mức 5 tấn/ngày và thuận tiện cho giao thông vận chuyển. Nếu đầu tư trạm trung chuyển sữa dưới sản lượng thu mua này thì thu nhập sẽ không bù đắp đủ cho chi phí; tình trạng thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu mua sữa và sự phát triển ổn định, bền vững chăn nuôi bò sữa tại khu vực.

Việc đầu tư trạm trung chuyển sữa ngoài yếu tố vốn, chi phí còn đòi hỏi người đầu tư có kinh nghiệm quản lý, tư cách cá nhân tốt... Hiện nay, khu vực Gò Công Tây chỉ có sản lượng xấp xỉ 2 tấn sữa nên chưa đủ điều kiện cho việc thành lập trạm. Khi điều kiện địa phương đáp ứng đủ cho việc thiết lập trạm, Vinamilk sẽ xem xét đầu tư phù hợp.

Mô hình chăn nuôi bò sữa phát triển khá nhanh tại huyện Gò Công Tây.
Mô hình chăn nuôi bò sữa phát triển khá nhanh tại huyện Gò Công Tây.

* PV: Cuối năm 2014, công ty ra quyết định ngừng ký thêm hợp đồng thu mua sữa nguyên liệu đối với những hộ nuôi bò sữa mới phát sinh, trong khi nhiều hộ dân ở Gò Công Tây (khoảng 30 hộ) đã mua bò trước khi công ty ra quyết định này và hiện đàn bò chuẩn bị cho sữa nên nhiều người dân rất lo lắng. Xin ông cho biết công ty có giải pháp gì hỗ trợ người dân trong thời gian tới không?

* Ông Vương Ngọc Long: Như đã nêu, Vinamilk thực hiện chủ trương bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ nông trại/trang trại nên người chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu như:

Đủ điều kiện sức khỏe (phải được khám sức khỏe định kỳ hàng năm và có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế); đàn bò phải được kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng (đàn bò phải có phiếu theo dõi sức khỏe cá thể và giấy chứng nhận tiêm phòng dịch bệnh định kỳ hàng năm còn hiệu lực theo mẫu và quy định của các cơ quan thú y hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan, không mắc các bệnh truyền nhiễm...); chuồng trại sạch sẽ, khô ráo.

Hố phân và nước thải được bố trí một điểm riêng, không gây ô nhiễm cho các khu vực xung quanh…Khi người chăn nuôi ký hợp đồng, nhân viên của Vinamilk sẽ kiểm tra thực tế các điều kiện này để quyết định ký hợp đồng thu mua sữa.

Người chăn nuôi mới phát triển chăn nuôi cần phải đăng ký trước với Vinamilk thông qua các nhân viên của Vinamilk tại trạm trung chuyển để được tư vấn thực hiện các điều kiện nói trên.

Các hộ chăn nuôi bò sữa tự phát, không được hướng dẫn kỹ thuật, không đáp ứng các điều kiện trên sẽ không được ký hợp đồng. Bởi để đáp ứng cho việc tiếp nhận lượng sữa tăng lên tại các khu vực, Vinamilk phải có kế hoạch thu mua sữa và cụ thể là bố trí các trạm trung chuyển sữa với các thiết bị tiếp nhận sữa, làm lạnh, phân tích nhanh và con người để có thể tiếp nhận sữa nguyên liệu từ các hộ chăn nuôi.

Do đó, nếu tiếp nhận lượng sữa tươi nguyên liệu ngoài kế hoạch, không nằm trong khả năng tiếp nhận sữa của các thiết bị làm lạnh của các trạm trung chuyển sữa sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa thu mua.

Tuy nhiên, hiện nay Vinamilk vẫn đang xem xét các hộ mới phát triển chăn nuôi mong muốn ký hợp đồng với công ty. Nếu các hộ này đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nêu trên và trước đây chưa bán sữa cho công ty khác thì Vinamilk tạo điều kiện để các hộ mới nuôi bò được ký hợp đồng với công ty. Vinamilk chỉ không chấp nhận ký hợp đồng với các hộ dân nuôi bò trước đây bán cho các công ty khác và không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

* PV: Xin cảm ơn ông!

HOÀI THU

.
.
.