Thứ Sáu, 08/05/2015, 09:55 (GMT+7)
.

Vì sao xuất khẩu thủy sản giảm mạnh?

Trên bình diện tổng thể, xuất khẩu (XK) thủy sản cả nước trong những tháng đầu năm 2015 chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất so với cùng kỳ trong vòng 5 năm qua, cả về số lượng và giá trị.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch XK trong 3 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo chu kỳ kinh doanh thường niên, nhu cầu của thị trường tiêu thụ ở các nước nhập khẩu thủy sản thường tăng mạnh vào quý cuối năm để phục vụ dịp Lễ Giáng sinh và năm mới, nên các doanh nghiệp (DN) thường tập trung các đơn hàng XK vào giai đoạn này. Do đó theo quy luật hàng năm, XK thủy sản trong quý I thường thấp hơn so với quý IV của năm trước đó và thấp nhất trong năm. Tuy nhiên, với mức sụt giảm 23% của XK thủy sản trong những tháng đầu năm vừa qua là điều đáng quan tâm.

Sản phẩm thủy sản XK của GODACO.
Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của GODACO.

Theo đánh giá của VASEP, hầu hết các thị trường XK thủy sản của Việt Nam thời gian qua ít nhiều có những biến động, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của các DN trong nước. Trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam, Mỹ luôn duy trì vị trí dẫn đầu, thường chiếm trên 18% trong tổng giá trị XK thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua tại thị trường này các DN XK thủy sản của Việt Nam đang phải chịu áp lực từ thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (POR8) đối với tôm và (POR10) đối với cá tra ở mức cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh và XK của mặt hàng tôm và cá tra.

Mặt khác, XK thủy sản cũng chịu ảnh hưởng bởi thời tiết giá lạnh của Mỹ trong những tháng đầu năm, do đó nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh. Điều này dẫn đến thực tế là trong những tháng đầu năm 2015 XK thủy sản sang Mỹ đã giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước.

Trên bình diện khác, tại thị trường châu Âu, Nhật do biến động tỷ giá đồng Euro, đồng Yên Nhật giảm mạnh khiến hàng hóa của Việt Nam XK sang thị trường này trở nên đắt đỏ hơn. Các nhà nhập khẩu đã hạn chế nhập khẩu hoặc giảm giá thu mua khiến giá cá tra và tôm giảm mạnh.

Điều này đã ảnh hưởng đến XK thủy sản sang thị trường này, XK thủy sản sang thị trường châu Âu đã giảm 10%, sang Nhật Bản giảm 14,5%. Thị trường châu Âu chiếm 18% XK thủy sản của Việt Nam, Nhật Bản chiếm 14%. Tại thị trường Nga cũng chịu những tác động lớn đã tác động mạnh đến sức tiêu thụ sản phẩm, trong đó có thủy sản…

Trên địa bàn tỉnh, kim ngạch XK thủy sản những tháng đầu năm không còn vị trí đứng đầu mà rơi xuống vị trí thứ 3 trong tổng kim ngạch XK của tỉnh, do giá giảm, thị trường XK vẫn còn gặp khó khăn, chưa thật sự khả quan nên cho dù sản lượng tăng khá nhưng giá trị kim ngạch tăng không cao.

Điều này kéo theo tỷ trọng kim ngạch của các mặt hàng chế biến giảm 7% so với hàng gia công. Tuy nhiên, nhìn chung XK thủy sản của các DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn duy trì ở mức khá, tính hết quý I các DN đã xuất được khoảng 40.000 tấn, trị giá 73,5 triệu USD.

Phân tích thêm về thực trạng XK thủy sản những tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO), một trong những DN có quy mô XK thủy sản lớn của tỉnh cho rằng: Toàn ngành Thủy sản cả nước tính đến thời điểm hiện nay của năm 2015 so với cùng kỳ năm trước giảm gần 30% cả về doanh thu cũng như sản lượng và báo hiệu tình hình XK thủy sản cho cả năm 2015 là không dễ dàng.

Riêng GODACO trong những tháng qua sản lượng các mặt hàng XK tăng khoảng 25% nhưng lợi nhuận không tăng.

* Phóng viên (PV): Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực tế này, thưa ông?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Trước hết là đối với tình hình trong nước xuất hiện một số dấu hiệu lạc quan như lãi suất ngân hàng giảm, ít có những biến động xấu như những năm trước, nhưng thực sự sự hấp thụ đồng vốn của DN chưa lớn, nhịp độ nền kinh tế chuyển sang trạng thái “lạnh” cũng tương đối nhiều; mức độ đầu tư, nhiệt huyết của DN cũng có phần giảm.

Đối với thị trường nước ngoài ảnh hưởng nặng nhất là vấn đề tỷ giá. Sự mất giá đồng Euro so với đồng USD đã tác động không nhỏ. Châu Âu lại là một trong những thị trường chính của thủy sản Việt Nam. Các thị trường còn lại cứ nhìn vào sự khó khăn của châu Âu để tiếp tục chèn giá bán của thủy sản Việt Nam, dù đây là quy luật chung của kinh tế thị trường.

Việc đồng Euro tuột giá khoảng 20 - 25% trong 3 tháng vừa qua, nếu như hàng thủy sản Việt Nam giữ nguyên giá bán thì coi như cao hơn trước đây cũng từ 20 - 25%. Chính thực tế này, giá bán của thủy sản Việt Nam sang thị trường châu Âu buộc lòng phải giảm từ 10 - 15% từ đầu năm 2015 đến nay. Thực tế là, bản thân giá bán mặt hàng cá tra, một trong những loại thủy sản có kim ngạch XK lớn nhất, gần như chạm đáy, nay lại tiếp tục giảm giá.

Trong khi đó, dưới nhiều sức ép, nhất là chi phí lãi suất vay, buộc lòng DN chế biến thủy sản XK phải bán hàng ra. Các nhà máy đua nhau bán hàng dẫn đến việc hình thành nên một mặt bằng giá bán mới và chắc chắn là theo hướng giảm. Chính vì vậy, hiệu quả thực tế của các DN XK thủy sản bị tuột giảm đi rất nhiều.

Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của GODACO.
Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của GODACO.

* PV: Tình hình XK thủy sản tới đây được dự báo như thế nào?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Theo dự đoán, khó khăn của đồng tiền châu Âu năm 2015 chưa hứa hẹn được nhiều cải thiện đáng kể. Do vậy, tình hình XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường này nhìn chung cũng chưa có nhiều hứa hẹn khả quan hơn so với năm 2014. Có chăng vào quý IV của năm 2015, tình hình XK thủy sản mới có hy vọng nhờ vào lễ  Noel và Tết Dương lịch nhu cầu tiêu thụ mới có khả năng tăng hơn.

Trên thực tế nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn còn tương đối lớn, nhưng khi đồng Euro bị mất giá nên người tiêu dùng chuyển sang mặt hàng khác có giá tốt hơn. Thêm vào đó, năm nay nhờ giá dầu thô giảm, việc khai thác tự nhiên được các nước khuyến khích, với sản lượng lớn. Các loại cá biển thường tốt cho sức khỏe hơn cá nuôi nhưng giá lại rẻ nên rất cạnh tranh so với cá tra của Việt Nam. Đây cũng là một thách thức cho thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

* PV: Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

.
.
.