Thứ Sáu, 25/12/2015, 13:53 (GMT+7)
.

Bức xúc việc khai thác cát trái phép

Khai thác cát trái phép đang trở thành câu chuyện bức xúc cho người dân và ngành chức năng. Thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với 2 đơn vị có liên quan đến việc quản lý chuyện khai thác cát trái phép trên sông Tiền (đoạn từ Mỹ Thuận đến Mỹ Tho) là Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68).

Một ghe khai thác cát trái phép trên sông Tiền.
Một ghe khai thác cát trái phép trên sông Tiền.

BÀ NGUYỄN HỒNG THỦY, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN&MT: Ngành TN&MT rất trăn trở với khai thác cát trái phép

Theo báo cáo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông ở tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được thông qua thì trữ lượng và tài nguyên cát lòng sông của tỉnh là 96,241 triệu m3. Qua thống kê, sản lượng cát đã khai thác được từ năm 2014 đến nay là 36.954 m3.

Bà Nguyễn Hồng Thủy cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 35 khu vực mỏ thăm dò, khai thác cát sông đã cấp cho 23 tổ chức, doanh nghiệp.

Từ tháng 8-2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 2 đơn vị đang hoạt động khai thác cát sông do giấy phép khai thác còn thời hạn như: Công ty TNHH Hiệp Phú đang khai thác cát tại mỏ An Nhơn, xã Tân Thanh và xã An Hữu, huyện Cái Bè (hết hạn ngày 31-5-2016); Công ty TNHH SXTM DVXD XNK Đức Phú Thịnh đang khai thác tại mỏ Ngũ Hiệp - 1, xã Ngũ Hiệp (hết hạn ngày 21-6-2016).

* Phóng viên (PV): Thưa bà, từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã phát hiện và xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm?

* Bà Nguyễn Hồng Thủy: Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy và các ngành chức năng có liên quan tổ chức 31/26 cuộc kiểm tra khoáng sản so với kế hoạch (trong đó, 5 cuộc kiểm tra đột xuất về khoáng sản theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương).

Qua kiểm tra đã phát hiện được 34 trường hợp vi phạm và đã ban hành quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển UBND tỉnh ban hành quyết định xử lý theo quy định, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 740 triệu đồng. Đến thời điểm hiện nay, tổ công tác liên ngành của UBND cấp huyện cũng đã tổ chức 74 cuộc thanh tra, kiểm tra về tài nguyên khoáng sản. Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện 25 trường hợp vi phạm và xử lý theo quy định, nộp ngân sách Nhà nước trên 304 triệu đồng.

* PV: Người dân đang bức xúc tình hình khai thác cát trái phép trên sông Tiền, đoạn từ Mỹ Thuận đến Mỹ Tho. Thưa bà, việc khai thác cát trái phép như người dân bức xúc có hay không?

* Bà Nguyễn Hồng Thủy: Thực tế, tình hình khai thác cát trái phép vẫn còn. Các đối tượng này vẫn lén lút khai thác cát trái phép vào ban đêm hoặc tại các khu vực giáp ranh 2 tỉnh nên rất nguy hiểm đối với lực lượng thanh tra chuyên ngành và khó khăn trong công tác kiểm tra; đồng thời khó phát hiện và xử lý dứt điểm các đối tượng này. Vì vậy, không những người dân chưa hài lòng, thậm chí là bức xúc mà ngành TN&MT cũng rất trăn trở.

* PV: Có thông tin cho rằng: Sở TN&MT “bảo kê” cho hoạt động khai thác cát trái phép hoặc doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát đã hết hạn nhưng vẫn lén lút khai thác cát. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

* Bà Nguyễn Hồng Thủy: Sở TN&MT Tiền Giang không bao che, “bảo kê” cho tổ chức, cá nhân nào hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Nếu có vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý và tham mưu xử lý đúng quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn 2 khu vực mỏ còn đang hoạt động khai thác cát trong thời hạn cho phép của giấy phép. Qua kiểm tra, từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT chưa phát hiện các khu vực mỏ đã hết hạn giấy phép nhưng doanh nghiệp được cấp phép vẫn tiếp tục hoạt động.

* PV: Xin cám ơn bà! 

THƯỢNG TÁ NGUYỄN THÀNH LIÊM, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CẢNH SÁT ĐƯỜNG THỦY (PC 68):
Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm

UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên đường thủy tỉnh Tiền Giang do ngành TN&MT là cơ quan chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan thực hiện quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, vận chuyển, bảo vệ khoáng sản, cát, sỏi lòng sông.

Dưới góc độ là đơn vị phối hợp xử lý, Thượng tá Nguyễn Thành Liêm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an Tiền Giang cho biết, trách nhiệm, chức năng của lực lượng Công an trong việc xử lý khai thác cát, sỏi lòng sông là phối hợp ngành TN&MT và các ngành, lực lượng có liên quan thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản trong phạm vi quyền hạn được giao.

Chức năng của lực lượng Cảnh sát đường thủy chỉ xử phạt các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường thủy trong hoạt động khai thác cát lòng sông theo Nghị định 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, lực lượng Cảnh sát đường thủy tổ chức tuần tra kiểm soát, kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và chuyển giao Thanh tra chuyên ngành TN&MT lập biên bản, xử phạt theo thẩm quyền.

* PV: Với chức năng và nhiệm vụ của mình, ông hãy cho biết về tình hình, kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

* Thượng tá Nguyễn Thành Liêm: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và các kế hoạch chuyên đề về tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trên đường thủy của Cục Cảnh sát giao thông và Công an tỉnh.

Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát đường thủy đã xây dựng các kế hoạch cao điểm về tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trên đường thủy; tăng cường bố trí lực lượng, phương tiện đơn phương và phối hợp với Thanh tra chuyên ngành TN&MT tổ chức tuần tra kiểm soát 92 cuộc, với 349 lượt đồng chí.

Từ tháng 10-2013 đến nay, chúng tôi đã phát hiện và xử lý 77 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản.

* PV: Việc phát hiện, kiểm tra, xử lý có gì khó khăn đối với Phòng Cảnh sát đường thủy không, thưa ông?

* Thượng tá Nguyễn Thành Liêm: Mặc dù lực lượng Cảnh sát đường thủy đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập trung đẩy mạnh xử lý nghiêm vi phạm về khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tình hình khai thác cát trên tuyến sông Tiền có lúc, có nơi còn xảy ra.

Hoạt động khai thác cát không giấy phép chủ yếu tập trung trên tuyến sông Tiền (kéo dài từ khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Tháp đến khu vực huyện Gò Công Tây). Do đó, việc bố trí lực lượng, phương tiện, nhiên liệu để tổ chức công tác tuần tra kiểm soát liên tục và khép kín địa bàn gặp khó khăn; trong khi các đối tượng với nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng như:

Tổ chức người cảnh giới, khai thác địa bàn giáp ranh khi có hoạt động kiểm tra khai thác ở địa phương này thì di chuyển sang địa phương khác; khai thác vào ban đêm, xuất phiếu hợp thức hóa khối lượng khai thác cát không giấy phép…

Việc tạm giữ phương tiện vi phạm để đảm bảo công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường thủy nói chung và trong xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực khoáng sản trên đường thủy nói riêng còn khó khăn, chưa đáp ứng.

* PV: Thời gian tới, Phòng Cảnh sát đường thủy có kế hoạch kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép như thế nào?

* Thượng tá Nguyễn Thành Liêm: Theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát đường thủy tăng cường phối hợp chính quyền địa phương trên tuyến sông Tiền có hoạt động khai thác cát, sỏi; các địa phương có nhiều phương tiện, nhiều người hành nghề bơm, hút cát, các doanh nghiệp, HTX khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát lòng sông tuyên truyền trực tiếp cho các đối tượng hành nghề khai thác cát, vận chuyển, kinh doanh cát lòng sông.

Phát động quần chúng nhân dân tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát lòng sông; thông báo công khai, rộng rãi số điện thoại của đơn vị để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin do nhân dân cung cấp.

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về nội dung, đối tượng kiểm tra, các lỗi vi phạm, biện pháp xử lý để mọi đối tượng tham gia hoạt động khoáng sản, tham gia giao thông đường thủy, nhân dân sống dọc theo tuyến đường thủy biết, chấp hành và ủng hộ việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng.

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, thời gian phù hợp, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản trên đường thủy theo quy định của pháp luật và theo chức năng, thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát đường thủy; đồng thời chủ động phối hợp và tham gia tích cực Tổ liên ngành của UBND tỉnh để kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép hoặc không giấy phép.

* PV: Xin cảm ơn Thượng tá!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.