Thứ Sáu, 22/04/2016, 14:31 (GMT+7)
.

Giai đoạn phát triển lên tầm cao mới của TP. Mỹ Tho

Ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 242/QĐ-TTg về việc công nhận TP. Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang, đó là niềm vui, niềm phấn khởi của người dân TP. Mỹ Tho và của tỉnh Tiền Giang, đánh dấu một giai đoạn phát triển lên tầm cao mới của thành phố, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh.

Tuy vậy, phía trước vẫn còn nhiều việc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải nỗ lực xây dựng để hoàn thiện, nhất là tập trung thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt. Phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc phỏng vấn Bí thư Thành ủy Mỹ Tho Đặng Thanh Liêm chung quanh những nội dung vừa nêu trên.

*Phóng viên (PV): Ông có cảm nghĩ gì khi TP. Mỹ Tho vừa được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh?

* Ông Đặng Thanh Liêm: Không chỉ riêng tôi mà cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đều phấn khởi, vui mừng trước sự kiện này. Bởi lẽ, Đảng bộ thành phố luôn xác định việc xây dựng thành phố từ loại II lên loại I là việc làm tất yếu trước yêu cầu phát triển của thành phố và thực hiện đạt mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 22-11-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thành phố xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học -  kỹ thuật, hành chính, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ của tỉnh; có vai trò là một đô thị trung tâm khu vực Bắc sông Tiền, là cửa ngõ chính tiếp cận với thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hơn nữa, Mỹ Tho còn là đầu mối giao thông trong khu vực, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. TP. Mỹ Tho được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh khẳng định vị thế quan trọng của thành phố hôm nay, là cửa ngõ giao thương ra Biển Đông của các đô thị dọc sông Tiền và vùng sông Mêkông mở rộng.

* PV: Ông đánh giá như thế nào về quá trình xây dựng để thành phố được công nhận là đô thị loại I như hôm nay?

* Ông Đặng Thanh Liêm: Kết quả lớn nhất đạt được ngày hôm nay là được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 22-11-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển TP. Mỹ Tho đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2015 và định hướng đến năm 2020; sự phối hợp của các ngành hữu quan của tỉnh để thành phố không ngừng lớn mạnh và phát triển bền vững.

Kết quả cho thấy, năm 2015 tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; khu vực dịch vụ chiếm 38,2%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt 95 triệu đồng/người; thu ngân sách đạt kế hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên…

Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân luôn xác định vai trò của mình là một trong những chủ thể quan trọng thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc thực hiện các tiêu chí của đô thị loại I.

Hoạt động của hệ thống chính trị luôn được phát huy đúng mức; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên. Đặc biệt, công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng thành phố ngày càng hiệu quả hơn, tinh thần dân chủ được phát huy rộng rãi.

Đường và kè dọc sông Tiền. Ảnh: Lê Huỳnh
Đường và kè dọc sông Tiền. Ảnh: Lê Huỳnh

Công tác xây dựng Đảng gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” luôn được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo và thực hiện đạt được nhiều kết quả.

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh và TP. Mỹ Tho ngày càng phát huy hiệu quả tốt, nhất là trong quản lý xây dựng kết cấu hạ tầng, mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực, từ đó góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị và tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn, văn minh hơn.

* PV: Khi Mỹ Tho được công nhận là đô thị loại I, thành phố sẽ có được những lợi ích gì, giá đất và mức thuế có thay đổi không, thưa ông?

* Ông Đặng Thanh Liêm: Khi TP. Mỹ Tho được công nhận đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I, vị thế của thành phố được nâng cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về kinh tế: Tăng thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế về hạ tầng kỹ thuật, thương mại - dịch vụ, nhất là thu hút đầu tư ở các lĩnh vực xã hội hóa cũng như các dịch vụ kỹ thuật cao. Mặt khác, khi thành phố đạt chuẩn đô thị loại I thì nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh cho thành phố tăng lên theo cấp đô thị (theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2011 - Mức phân bổ chi sự nghiệp kinh tế: Đô thị loại I được Chính phủ phân bổ thêm 45 tỷ đồng; trong khi đô thị loại II chỉ có 15 tỷ đồng).

TP. Mỹ Tho là đô thị đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên trong số 32 đô thị loại III, loại II thuộc 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do đó TP. Mỹ Tho sẽ được Trung ương tập trung đầu tư phát triển đứng thứ 2 trong vùng sau TP. Cần Thơ (loại I trực thuộc Trung ương).

Bến đò du lịch Mỹ Tho. 					Ảnh: L.H
Bến đò du lịch Mỹ Tho. Ảnh: L.H

Về văn hóa - xã hội: Theo tiêu chí của đô thị loại I, các tiêu chí về văn hóa - xã hội đều cao hơn so với đô thị loại II, do vậy TP. Mỹ Tho có nhiều điều kiện để phát triển về văn hóa - xã hội.

Với tính chất đã được Chính phủ xác định là đô thị du lịch trọng điểm của Quốc gia; là trung tâm thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo cấp vùng; Trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án nâng cấp đô thị và đầu tư các công trình trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng TP. Mỹ Tho mà cả vùng tỉnh Tiền Giang.

Đồng thời, theo Chương trình phát triển đô thị TP. Mỹ Tho được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1228/QĐ-UBND ngày 15-5-2015, theo kế hoạch thì danh mục các dự án đầu tư phát triển đô thị của thành phố Mỹ Tho đến năm 2030 dự kiến sẽ được ngân sách hỗ trợ đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng.

 Đối với các loại thuế có liên quan đến nhà, đất: Mức thuế tính trên giá đất theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định hàng năm, không phải Nhà nước quy định giá đất theo cấp loại đô thị. Đối với các loại thuế khác, căn cứ theo quy định của các luật thuế và quy mô hoạt động kinh doanh của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, cũng không phải tăng theo cấp loại đô thị.

* PV: Để tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu chưa đạt, thành phố sẽ tập trung những giải pháp khắc phục như thế nào, thưa ông ?

* Ông Đặng Thanh Liêm: Còn 8 chỉ tiêu chưa đạt cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là: Quy mô dân số toàn thành, chỉ tiêu đất dân dụng, đất công cộng cấp đô thị, cơ sở giáo dục - đào tạo, mật độ đường chính, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý, nhà tang lễ và khu đô thị mới.

Đối với quy mô dân số, thành phố sẽ tích cực mời gọi đầu tư lĩnh vực dịch vụ, đầu tư các khu đô thị mới, tạo sức thu hút gia tăng dân số cơ học đến thành phố sinh sống, làm việc; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mở rộng khu đô thị trung tâm, hình thành các khu đô thị mới phía Đông Bắc gắn với trung tâm hành chính mới, khu đô thị thương mại - dịch vụ phía Tây Bắc, khu đô thị công nghiệp phía Tây; đồng thời khai thác tối đa quỹ đất phát triển du lịch sinh thái.

Với chỉ tiêu đất dân dụng, để đạt được tiêu chí, thành phố cần xây dựng tăng thêm 240 ha đất dân dụng, cụ thể triển khai các dự án hạ tầng xã hội, không gian công cộng; nâng cấp, cải tạo, mở rộng trung tâm hành chính các phường, xã.

Còn chỉ tiêu đất công cộng cấp đô thị, thành phố cần tăng thêm 6 ha, cụ thể: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình khối thể dục - thể thao, nghệ thuật, trung tâm sinh hoạt thiếu nhi; nâng cấp, mở rộng Khu thể thao phía Đông thành phố; xây dựng Khu thể thao phía Tây và Thư viện thành phố.

Để đạt chỉ tiêu về cơ sở giáo dục, thành phố tích cực mời gọi đầu tư vào các cơ sở giáo dục, dạy nghề theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đến năm 2020, triển khai xây dựng thêm 3 cơ sở giáo dục đào tạo cấp đô thị; đồng thời xây dựng thêm các trường trung học phổ thông, thành lập và xây dựng mới một số trường trung học cơ sở.

Về mật độ đường chính, thành phố cần đầu tư tăng thêm 60 km đường có mặt cắt trên 11,5 m; chẳng hạn như nâng cấp, mở rộng các trục chính của đô thị, xây dựng mới các tuyến vành đai, xây dựng và mở rộng các tuyến giao thông khu vực nội thành, mời gọi đầu tư xây dựng các khu đô thị mới…

Về tỷ lệ nước thải sinh hoạt qua xử lý, thành phố sẽ tập trung đầu tư hệ thống đường ống thu gom và các trạm trung chuyển nước thải sinh hoạt của các hộ dân, sau đó chuyển đến nhà máy xử lý tập trung; trước mắt, tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, công suất 40.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng (nguồn vốn ODA), giai đoạn I (2016 - 2020) là 260 tỷ đồng.

Đối với nhà tang lễ, thành phố sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà tang lễ thuộc dự án Hoa viên nghĩa trang xã Mỹ Phong và nhà tang lễ tại phường 5.

Sau cùng, với chỉ tiêu khu đô thị mới, thành phố hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu đô thị mới Sao Mai phường 10 (125 ha), khu dân cư dọc sông Tiền (24,5 ha); mời gọi đầu tư khu dân cư Trung An (21,5 ha) và các khu dân cư khác phù hợp theo quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt.

* PV: Xin cảm ơn ông!

LÊ HUỲNH (thực hiện)

.
.
.