Thứ Hai, 06/02/2017, 16:32 (GMT+7)
.
ÔNG ĐỖ THÀNH SƠN, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH MTV KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TIỀN GIANG:

Mực nước vùng ngọt hóa đang ở mức cao nhất so cùng kỳ

Thời điểm này của mùa khô 2016, mực nước nội đồng vùng Ngọt hóa Gò Công xuống rất thấp, nhiều diện tích lúa đông xuân phải bơm chuyền. Năm nay, mực nước nội đồng vẫn còn khá tốt. Dù vậy, theo ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn năm nay vẫn rất phức tạp. Cụ thể về tình hình nước sản xuất trong mùa khô đầu năm 2017, ông Sơn cho biết:

Qua số liệu quan trắc, mặn trên sông Tiền trong thời gian qua tăng tương đương cùng kỳ nhiều năm nhưng chậm hơn cùng kỳ năm rồi. Cùng thời điểm này năm rồi, độ mặn tại cống Vàm Giồng dao động ở mức 4 g/l, cống Xuân Hòa phải đóng ngăn mặn, nhưng năm nay mặn ở cống Vàm Giồng chưa vượt quá 1,5 g/l, cống Xuân Hòa vẫn lấy nước ổn định. Theo nhận định của công ty, khả năng đến giữa tháng 2, cống Xuân Hòa mới chịu ảnh hưởng của mặn.

* Phóng viên (PV): Vậy xâm nhập mặn thời gian qua đã ảnh hưởng ra sao đến nguồn nước sản xuất ở vùng ngọt hóa, thưa ông?

* Ông Đỗ Thành Sơn: Do năm 2016 mùa mưa kết thúc muộn, nắng không quá gay gắt, có nhiều cơn mưa trái mùa nên lượng nước trong vùng ngọt hóa hao hụt do bốc hơi thấp. Mặt khác, toàn vùng xuống giống vụ đông xuân 2016 - 2017 khoảng 28.000 ha, trong đó có 5.000 ha sản xuất 2 vụ xuống giống sớm đến nay đang vào giai đoạn trổ, chín cũng giúp giảm một phần nhu cầu sử dụng nước.

Trước dự báo của các nhà chuyên môn, ngay từ cuối tháng 12-2016, công ty đã cho tiến hành tích trữ nước cho vùng dự án. Do điều kiện nguồn nước và việc tích nước thuận lợi nên mực nước nội đồng luôn ở mức cao. Hiện nay, mực nước nội đồng ở mức 0,8 m, cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Với mực nước này, trong vùng có khoảng 7.000 ha sản xuất lúa không phải bơm tưới. Do cống Xuân Hòa lấy nước ổn định, lượng nước bổ cấp cho vùng dự án đến thời điểm này đảm bảo cho sản xuất. Theo tính toán, với lượng nước trữ trong vùng dự án hiện tại có thể sử dụng được nửa tháng nếu cống Xuân Hòa đóng ngăn mặn. Song, theo đánh giá, khả năng cống Xuân Hòa lấy nước ổn định đến giữa tháng 2 và từ giữa đến cuối tháng 2, cống lấy nước không ổn định.

* PV: Với diễn biến mặn và tình hình sản xuất lúa đông xuân 2016 - 2017, nước sản xuất ở vùng Ngọt hóa Gò Công trong mùa khô này sẽ khó khăn đến mức nào?

* Ông Đỗ Thành Sơn: Theo tình hình sản xuất, nhu cầu sử dụng nước trong vùng ngọt hóa năm nay kéo dài đến ngày 25-3, trong đó nhu cầu sử dụng nước cao khoảng từ đầu đến giữa tháng 3. Khi đó cống Xuân Hòa đã đóng ngăn mặn nên nước sản xuất sẽ gặp khó khăn. Mực nước nội đồng khi đó sẽ xuống thấp nhưng sẽ không quá thấp như năm rồi. Từ giữa đến cuối tháng 3, vùng ngọt hóa còn khoảng 7.000 ha sử dụng nước. Lúc đó, công ty sẽ tiến hành lấy gạn qua cống Xuân Hòa. Cũng theo tính toán của công ty, khả năng lấy gạn qua cống Xuân Hòa năm nay ổn định, cộng với đó diện tích sản xuất muộn còn lại không đại trà như năm rồi nên lưu lượng nước lấy gạn sẽ đảm bảo nhu cầu tưới nhưng không thuận lợi, phải có giải pháp chủ động bơm chuyền.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang kiểm tra tình hình nước sản xuất ở vùng Ngọt hóa Gò Công vào ngày 1-2 vừa qua.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang kiểm tra tình hình nước sản xuất ở vùng Ngọt hóa Gò Công vào ngày 1-2 vừa qua.

* PV: Liệu năm nay mặn có xâm nhập đến khu vực phía Tây và công ty có kế hoạch chủ động nào nếu mặn xâm nhập đến khu vực này?

* Ông Đỗ Thành Sơn: Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mặn có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Đồng Tâm với biên mặn khoảng 2 g/l. Với nhận định trên, mặn khó có thể xâm nhập vào khu vực phía Tây qua sông Tiền. Tuy nhiên, mặn có thể xâm nhập từ phía sông Cổ Chiên là rất khó lường. Do đó, công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát diễn biến mặn, thường xuyên tổ chức các điểm quan trắc mặn ở khu vực này. 

* PV: Là đơn vị vận hành các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, công ty có những giải pháp gì để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô này?

* Ông Đỗ Thành Sơn: Ngay từ đầu công ty nhận định diễn biến xâm nhập mặn năm nay rất phức tạp nên đã sớm xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó, bảo vệ sản xuất theo tình huống của năm 2016. Bên cạnh tích nước liên tục qua cống Xuân Hòa từ ngày 25-12-2016, công ty còn cho khai thác triệt để khả năng lấy nước của các cống cặp kinh Chợ Gạo; tiến hành đắp các cống không đảm bảo ngăn mặn để hạn chế tình trạng xổ xả do độ mặn tăng cao. Vì thế, đến sau Tết Nguyên đán, lượng nước cung trong vùng ngọt hóa dư cầu, cộng với những cơn mưa trái mùa nên sản xuất đông xuân đến thời điểm này tương đối thuận lợi.

Trên các tuyến kinh trục, công ty đã cho tiến hành trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy; khai thác tối đa khả năng lấy nước của cống Xuân Hòa; phối hợp với các địa phương tổ chức bơm tiêu chống úng. Dù rằng nước sản xuất vụ đông xuân năm nay không khó khăn như năm 2016, nhưng nhận định của công ty là xâm nhập mặn vẫn rất phức tạp. Hiện nay, công ty đang tiếp tục khai thác tối đa khả năng lấy nước có thể của cống Xuân Hòa. Khi cống Xuân Hòa đóng ngăn mặn, công ty sẽ tổ chức lấy gạn khi độ mặn cho phép; tiếp tục tranh thủ lấy nước qua các cống cặp kinh Chợ Gạo khi độ mặn trên kinh dưới 1,5 g/l.

Cùng với đó, công ty thường xuyên kiểm tra tình hình nước trong vùng ngọt hóa, quan trắc mặn trên sông. Ngoài ra, công ty đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng và tiến hành bơm chuyền, bơm trữ trước khi thiếu nước xảy ra; khuyến cáo bà con sử dụng nước tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, trục vớt lục bình…

Để đối phó khả năng mặn xâm nhập vào khu vực phía Tây qua sông Cổ Chiên, bên cạnh thường xuyên tổ chức các điểm quan trắc mặn, theo dõi sát diễn biến mặn ở khu vực này, công ty sẽ phối hợp với đơn vị chức năng của tỉnh Bến Tre cập nhật diễn biến mặn để cảnh báo sớm cho các địa phương trong tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGÔ VĂN (thực hiện)

.
.
.