Thứ Sáu, 10/02/2017, 21:34 (GMT+7)
.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng

Phong trào thi đua yêu nước luôn có những tác động tích cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an ninh - quốc phòng và việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi về một số kết quả nổi bật của phong trào Thi đua khen thưởng  trong 2 năm qua (2015 - 2016), ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban, Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) tỉnh cho biết:

Hai năm qua dưới sự lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự quyết tâm phấn đấu thi đua của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao, đảm bảo tốc độ tăng trưởng, ổn định cuộc sống của người dân. Năn 2016 cũng là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020). UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 4-1-2016 về việc phát động phong trào thi đua trong 5 năm 2016 - 2020 đạt được kết quả thắng lợi, đó là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và sự nhiệt tình hưởng ứng của quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, Ban TĐ-KT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh phát động nhiều phong trào thi đua như: “Phòng, chống dịch bệnh trên người”; “Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi”; “Đảm bảo an toàn giao thông”; “Phòng, chống tội phạm”… Nhiều phong trào thi đua đã đi vào cuộc sống như: Phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” được Tỉnh ủy và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo với sự tham gia nhiệt tình của nhiều tầng lớp nhân dân, bước đầu đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 139/139 xã được phê duyệt đồ án và đề án. Tính đến hết năm 2016 đã có 24 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng” đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, thiết thực, có sức lôi cuốn và cổ vũ mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên, nông dân được duy trì tốt, đã thu hút động viên, khuyến khích đông đảo hội viên nông dân tham gia, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng NTM. Hằng năm, UBND tỉnh xét tặng Cờ thi đua cho nhiều tập thể và tặng Bằng khen cho từ 200 - 300 hộ nông dân vượt khó tiêu biểu xuất sắc. 2 năm qua có 6 cá nhân được tặng Huân chương Lao động và 41 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích nông dân SXKD giỏi...

* Phóng viên (PV): Yêu cầu của công tác TĐ-KT là phải đảm bảo tính chính xác, công khai, dân chủ, công bằng và kịp thời. Ông đánh giá việc thực hiện nguyên tắc này ở các cấp, các ngành như thế nào, thưa ông?

* Ông Huỳnh Anh Tuấn: Nguyên tắc đảm bảo tính chính xác, công khai, dân chủ, công bằng và kịp thời là một yêu cầu không thể thiếu trong thực thi Luật TĐ-KT và thời gian qua nguyên tắc này cơ bản đã được thực hiện tốt ở hầu hết các ngành, các cấp và chất lượng thực hiện ngày càng nâng lên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị trình UBND tỉnh (thông qua Ban TĐ-KT tỉnh) chưa đảm bảo về thời gian theo quy định, thành phần hồ sơ chưa đầy đủ như: Biên bản họp xét, tờ trình, báo cáo thành tích hoặc hồ sơ không đúng mẫu quy định. Do đó, Ban TĐ-KT tỉnh đã hướng dẫn các ngành, các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ để trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng kịp thời, nhất là khen thưởng các trường hợp đột xuất theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm 2016  của UBND tỉnh cho đại diện các tập thể ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Hội nghị triển khai công tác VH-TT&DL năm 2017.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm 2016 của UBND tỉnh cho đại diện các tập thể ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Hội nghị triển khai công tác VH-TT&DL năm 2017.

* PV: Xin ông cho biết những đổi mới trong công tác TĐ-KT trong những năm gần đây cũng như Ban TĐ-KT tỉnh đề ra biện pháp gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TĐ-KT của tỉnh năm 2017?

* Ông Huỳnh Anh Tuấn: Thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác TĐ-KT, Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 19-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành và đổi mới công tác TĐKT, qua đó công tác TĐKT ở tỉnh ta có bước đổi mới căn bản, cụ thể là:

Về phong trào thi đua yêu nước đã đổi mới theo hướng: Phong trào thi đua đã gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, chú trọng thi đua thực hiện các công trình, đề án trọng điểm, những việc cấp bách, bức xúc, các công việc khó. Phương pháp tổ chức đã có bước đổi mới đó là phong trào thi đua có tên gọi cụ thể, có chủ đề, mục tiêu, nội dung thi đua thiết thực cụ thể hơn, tiêu chuẩn, tiêu chí khá rõ ràng, qua đó đối tượng thi đua hiểu rõ hơn về nội dung tiêu chí thi đua để đăng ký, khi bình xét cũng biết rõ hơn mình đạt mức nào. Những năm gần đây các ngành, các cấp đã chú trọng tổ chức các phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt đúng với thẩm quyền được giao. Về công tác khen thưởng có bước đổi mới đi vào thực chất hơn, đúng đối tượng và thành tích đạt được, qua đó chất lượng khen thưởng nhìn chung có nâng lên. Nhiều nơi đã chú trọng khen người trực tiếp lao động, công tác; khen thưởng đột xuất.

Năm 2017, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác TĐ-KT; bám sát chủ đề của phong trào thi đua cả nước “Đoàn kết, năng động, sáng tạo thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2016 - 2020”; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong công tác TĐ-KT theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, chống mọi biểu hiện hình thức, bệnh thành tích. TĐ-KT cần mang tính nêu gương, tính giáo dục, thực sự phải là động lực to lớn và là biện pháp quan trọng xây dựng con người mới. Trọng tâm là chuyển TĐ-KT về cơ sở và người lao động, người sản xuất trực tiếp, có thành tích sáng tạo trong công tác, lao động, sản xuất và bảo vệ Tổ quốc, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

* PV: Xin cảm ơn ông!

HOÀI THU (thực hiện)

.
.
.