Thứ Hai, 27/03/2017, 20:26 (GMT+7)
.

Để cây ăn trái phát triển theo hướng bền vững.

Xung quanh việc phát triển ngành hàng cây ăn trái theo hướng bền vững, các nhà quản lý, nhà khoa học của huyện có ý kiến:

Mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn GAP.
Mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn GAP.

* Thạc sĩ NGUYỄN VIỆT HOA, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện:

Nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế vườn được nâng lên. Các loại  cây ăn trái (CAT) đặc sản, có lợi thế của huyện tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, gắn với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP và xây dựng thương hiệu. Hoạt động sơ chế, bảo quản sản phẩm được quan tâm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa sẽ quyết định đến khả năng cạnh tranh và nâng tầm trái cây Việt Nam trên thị trường nước ngoài, cụ thể như tận dụng lợi thế giống ngon có sẵn, sản xuất rải vụ gắn liền với liên kết lớn, bảo hộ giống và mô hình sản xuất mới… Trước xu thế sản xuất nông sản theo hướng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình canh tác an toàn, GAP cho nhà vườn. Kết quả đến nay, bước đầu nhà vườn đã chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Đối với công tác giống là tăng cường sản xuất, công tác quản lý chất lượng giống, chuyển giao quy trình canh tác tiến bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất. Qua đó, trái cây của địa phương nói riêng và của tỉnh nhà nói chung được nâng cao giá trị sản phẩm, mở ra cơ hội lớn cho việc xâm nhập vào thị trường trái cây thế giới.

* Ông NGUYỄN VĂN THANH, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện:

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã tập trung nhiều giải pháp để cải thiện năng suất, chất lượng nông sản trong lĩnh vực CAT, tập trung vào đầu tư, phát triển các loại CAT đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò thành ngành hàng mũi nhọn của tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị cao thông qua tăng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hình thành vùng chuyên canh gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân. Kế hoạch xây dựng chuỗi giá trị xoài cát Hòa Lộc đến năm 2020 (chương trình được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gồm các công đoạn:

1. Tổ chức sản xuất: Củng cố, thành lập mới tổ hợp tác, HTX; trồng mới mở rộng vùng nguyên liệu; nhân rộng mô hình sản xuất theo VietGAP (300 ha đến năm 2020).

2. Sơ chế, chế biến sản phẩm: hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế đóng gói; kêu gọi đầu tư chế biến sản phẩm từ xoài.

3. Tiêu thụ: Kết nối với doanh nghiệp (Cát Tường, Long Uyên, các DN trong huyện…); xây dựng và phát triển thương hiệu (thiết kế nhãn, bao bì, đăng ký bảo hộ; quảng bá, xúc tiến thương mại; đào tạo nguồn nhân lực; thương mại điện tử).

* Ông NGUYỄN QUỐC THANH, Chủ tịch UBND huyện:   

Sản xuất trái cây tới đây phải đảm bảo tính an toàn cao nhất, do đó việc áp dụng khoa học - công nghệ mang tính quyết định; đồng thời phải tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh đa dạng, bền vững, áp dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Làm được như vậy, nhất thiết phải tổ chức quan hệ sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết cùng phát triển. Theo đó, huyện Cái Bè quy hoạch phát triển quy mô vườn tăng lên 17.000 ha, trong đó diện tích vườn chuyên canh CAT đặc sản khoảng 7.500 ha (xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò và cây có múi khác), tập trung chính vào các loại cây thế mạnh như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam sành… Phối hợp với các sở, ngành tỉnh và các viện, trường đại học xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị sản phẩm xoài; đề xuất cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Cái Bè còn chú ý xây dựng các chợ trái cây đầu mối nhằm kích thích tiêu thụ sản phẩm và là nơi giao thương hàng hóa giữa các địa phương.

NGUYỄN HỮU (lược ghi)

.
.
.