Thứ Năm, 01/06/2017, 21:59 (GMT+7)
.
Ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tiền Giang:

Cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong cộng đồng dân cư

Chưa bao giờ không khí khởi nghiệp lan tỏa từ trung ương đến địa phương như hiện nay. Trở về từ Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vừa tổ chức ngày 17-5-2017, ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) Tiền Giang đã có cuộc trao đổi khá chân tình, thẳng thắn với góc nhìn của một doanh nhân và vai trò của lãnh đạo Hiệp hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chủ trì đối thoại với DN định kỳ hàng quý.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chủ trì đối thoại với DN định kỳ hằng quý.

* Phóng viên (PV): Tỉnh ủy Tiền Giang vừa ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về lãnh đạo việc hỗ trợ, phát triển DN đến năm 2020. Ông có suy nghĩ thế nào về Nghị quyết này?

* Ông Trần đỗ Liêm: Tôi rất phấn khởi đón nhận Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy. Tại sao ư? Vì trong cuộc đời gần 40 năm là doanh nhân, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN), lần đầu tiên tôi thấy có một Nghị quyết riêng của Đảng bộ Tiền Giang dành cho giới DN, doanh nhân.

Theo tôi biết, đến nay Tiền Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 35-NQ/ CP về phát triển DN đến năm 2020.

Như kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XII mới đây ở Hà Nội về kinh tế tư nhân, thì rõ ràng Tỉnh ủy Tiền Giang đã “đi trước một bước” trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng đội ngũ DN mà chủ yếu là DN tư nhân, thực hiện theo tinh thần đổi mới của Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh, khi trao đổi với tôi bên hành lang buổi triển khai Nghị quyết 06, thì “Vấn đề là làm sao để Nghị quyết nhanh chóng đi vào thực tế, biến thành động lực, tạo sức bật cho DN phát triển”.

* PV: Dưới góc độ là một doanh nhân, theo ông, những điểm nào trong Nghị quyết này làm ông tâm đắc?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Nghị quyết 06-NQ/TU ngắn gọn, rõ ràng và bắt mạch đúng thực tế và nhu cầu phát triển của DN, thể hiện trách nhiệm của Đảng, chính quyền, đáp ứng mong muốn của các DN, người định khởi nghiệp, lập nghiệp hiện nay. Trong đó, có mấy vấn đề tôi quan tâm đặc biệt:

Đó là tỉnh kêu gọi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, có trách nhiệm đối với phát triển DN. Xác định rõ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị trực tiếp lãnh đạo triển khai Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy. Lấy DN, người dân là đối tượng phục vụ với tinh thần nhà nước kiến tạo, tạo mọi thuận mọi thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh…

Qua giải quyết vướng mắc thực tế, đề xuất sửa đổi bổ sung xây dựng các cơ chế chính sách… cải cách hành chính, đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN…

Và đặc biệt là quán triệt sâu rộng, đào tạo, nâng cao chuyện môn phẩm chất cho cán bộ đảng viên, công chức… với tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ DN… Tăng cường kiểm tra, giám sát thanh tra công vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn xử lý cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ gây phiền hà cho DN…

Trong một năm qua, tôi có 3 lần được trực tiếp nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ tọa hội nghị gặp gỡ doanh nhân, tôi thấy nội dung chính của Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Tiền Giang rất trùng hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

* PV: UBND tỉnh Tiền Giang đã kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết này. Theo ông, kế hoạch hành động này có khác gì với những chương trình hành động trước đây?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Khác rất nhiều cả về cấu trúc và nội dung .

Trước hết là không nói chung chung, rất rõ ràng, cụ thể, giao việc cho từng sở, ngành, địa phương và tới tận cá nhân phụ trách ở các bộ phận chuyên môn. Cụ thể là 16 sở, 11 thành phố, thị xã, huyện, 2 cục, 4 ban ngành, 2 cơ quan, HHDN và Liên minh hợp tác xã tỉnh. Mỗi đơn vị nói trên làm mấy việc, những việc gì, chịu trách nhiệm với Đảng với dân, với DN tới đâu. Đặc biệt kế hoạch còn có mục số 30 dành cho các DN, với 3 yêu cầu cụ thể, đây là điều chưa từng có trong quá trình ban hành kế hoạch lãnh đạo của chính quyền đối với DN.

Thứ hai là kế hoạch hành động (KHHĐ) của UBND tỉnh đã giao việc trực tiếp cho Sở KH-ĐT Tiền Giang làm đầu mối chủ trì thực hiên, có tổng kết định kỳ 6 tháng, báo cáo UBND tỉnh.

Rõ ràng lần này từ lãnh đạo Đảng đến chính quyền tỉnh, không dừng ở chủ chương chính sách mà rất quyết tâm triển khai trong thưc tế. Không “đánh trống bỏ dùi” mà “quyết làm, làm thật, làm ra làm, phải làm đến nơi đến chốn” như lời Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng.

* PV: Ông đánh giá thế nào về những chủ trương, chính sách cũng như công tác điều hành, giải quyết những khó khăn, bức xúc của DN trong thời gian qua của tỉnh?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Trước khi có Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy thì Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã chủ động triển khai nhiều việc rất cụ thể, đồng bộ như tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nhân theo định kỳ hằng quý, tiếp xúc doanh nhân sáng thứ 7 tuần cuối tháng… Kết quả là có 62/68 kiến nghị đã được giải quyết, 2 kiến nghị về cơ chế chính sách đã kiến nghị lên Chính phủ, còn 2 kiến nghị đang giải quyết. Điều đáng ghi nhận là có những kiến nghị rất “hóc” liên quan đến đất đai của DN đã tồn tại từ nhiều năm trước, để giải quyết thì ngoài quyết tâm của chủ tịch còn cần có hợp tác của nhiều ngành và cả ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy…

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh còn quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động của HHND tỉnh, tạo điều kiện cho HHDN phát huy chức năng, nhiệm vụ của mình.

Tóm lại, dù chưa thỏa mãn mọi yêu cầu mong muốn của các DN và người dân, nhưng cũng thấy rằng, qua một năm việc đồng hành, hỗ trợ DN của lãnh đạo tỉnh đã có những kết quả thực tế; nó tạo những phấn chấn trong cộng đồng DN và làm “nóng” bầu không khí khởi nghiệp trong nhân dân.

Ông Trần Đỗ Liêm, trong một lần đi phát quà cho trẻ em nghèo.
Ông Trần Đỗ Liêm, trong một lần đi phát quà cho trẻ em nghèo.

* PV: Nhưng cái “nóng” này đã lan tỏa xuống cơ sở chưa, thưa ông?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Theo tôi biết, thì các huyện, thành, thị trong tỉnh đều có các cuộc tiếp xúc, các hội nghị đối thoại với hộ kinh doanh và DN theo định kỳ, ở đó cũng giải quyết chứ không phải giải thích, được phần lớn những bức xúc của DN, tạo sự thông cảm, tìm tiếng nói chung, để chính quyền hiểu và đồng hành cùng DN, hộ kinh doanh. Hiện TP. Mỹ Tho cũng đang triển khai thành lập Hội DN trên địa bàn.

* PV: Thế HHDN Tiền Giang đã có kế hoạch gì để hưởng ứng Nghị quyết 06-NQ/TU cũng như thực hiện nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã nêu trong chương trình hành động?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Thường trực HHDN đang hoàn thành các văn bản pháp lý để đưa hoạt động của HHND vào thực chất theo yêu cầu nhiệm vụ đã ghi trong nghị quyết, và kế hoạch hành động của UBND tỉnh, cũng như  triển khai nghị quyết Đại hội III của HHDN.

Cụ thể, chúng tôi đã và sẽ làm tốt vai trò “cầu nối” giữa DN và chính quyền, cùng lãnh đạo tỉnh tham gia họp giao ban tiếp xúc DN, góp ý kiến cho tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến DN, doanh nhân. Tham mưu những vấn đề liên quan trong các buổi đối thoại, góp phần tạo tự tin cho DN trước chính quyền, công luận.

Trong thời gian tới, HHDN sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền các cấp tham gia giải quyết những vấn đề liên quan tới DN, thuộc phạm vi quyền hạn của mình.

* PV: Theo ông, để Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, cần có những giải pháp nào? Ông có kiến nghị gì không?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Thực tế và mục tiêu phát triển đội ngũ DN của Tiền Giang có một khoảng cách. Rút ngắn khoảng cách này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và chính quyền giữ vai trò quan trọng; còn người dân, doanh nhân Tiền Giang chính là người giữ vai trò trung tâm.

Làm giàu cho bản thân và đất nước, ai cũng muốn; vấn đề là bây giờ Đảng, chính quyền làm sao tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho tất cả những  người có “nghiệp doanh nhân” phát huy được hết “sở trường”, "sở đoản" của mình, tạo ra và phát triển nhanh DN của mình…

Vừa qua, những chuyển động của chính quyền Tiền Giang, đã tạo ra độ “nóng” trong việc hỗ trợ phát triển DN. Nhưng tôi mong rằng độ “nóng” đó được tiếp thêm từ hội nghị “Diên Hồng” về DN của Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 17-5-2017 vừa qua, và sẽ lan tỏa xuống các cấp chính quyền, tới tận từng cán bộ, công chức từ tỉnh đến xã... duy trì liên tục thời gian dài, cho đến khi nó tạo thành nền nếp trong suy nghĩ đến việc làm thường ngày; từ đó kích hoạt tinh thần tự lực, tự cường, ham làm giàu dám mạo hiểm của người dân, doanh nhân trong tỉnh tạo ra khí thế khởi nghiêp, lập nghiêp, phát triển DN; sao cho đến năm 2020 Tiền Giang có đội ngũ 5.000 “đội quân xung kích thời bình” hoạt động có hiệu quả kinh tế cao.

* PV: Xin cảm ơn ông!

SƠN PHẠM (thực hiện)

.
.
.