Thứ Hai, 12/06/2017, 10:51 (GMT+7)
.

Tập trung nâng chất lượng, mở rộng thị trường nông sản

Thời gian qua, cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, nhiều nông sản gặp khó khăn về đầu ra. Để tìm đầu ra cho nông sản, công tác xúc tiến thương mại là một khâu rất quan trọng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của tỉnh đến trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp vẫn còn những rào cản nhất định. Trước thực trạng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch về công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp ở tỉnh.

* Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp đã mang lại những kết quả gì?

* Ông Đoàn Văn Phương: Hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp dựa theo quy chế phối hợp giữa 3 đơn vị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch (gọi tắt là Trung tâm). Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tập trung nguồn lực, tài chính để công tác xúc tiến thương mại phát huy hiệu quả, không bị chồng lấn giữa các đơn vị. Về phía Trung tâm, các ấn phẩm về các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh đã xuất bản bằng nhiều thứ tiếng và được phổ biến rộng rãi. Trong đó, chúng tôi tập trung “đánh” mạnh vào thị trường ngoài nước. Trong năm, chúng tôi đã tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Đối với công tác xúc tiến thương mại trong nước, chúng tôi tham gia Hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao, Hội nghị Kết nối cung cầu ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội...; tổ chức các đoàn doanh nghiệp của tỉnh đi kết nối cung cầu với các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung, Hà Nội. Qua đây, một số doanh nghiệp đã bán được sản phẩm rất tốt. Cụ thể, Hợp tác xã (HTX) Mỹ Lương có cửa hàng cung cấp bưởi tại Hà Nội. Trung tâm còn tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các hội chợ triển lãm. Trong đó, Trung tâm ưu tiên miễn phí các gian hàng nông nghiệp để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có điều kiện quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch để xây dựng các cửa hàng sản phẩm nông sản “sạch” kết nối với vùng trồng. Qua đó, nông sản sẽ được kiểm soát về chất lượng cũng như giảm được chi phí ở các khâu trung gian. Trong thời gian tới, Trung tâm có kế hoạch phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng chợ nông sản “sạch” ở tỉnh.

Đối với công tác xúc tiến thương mại ngoài nước, Trung tâm đang tham gia Đề án Nâng cao năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương). Thực hiện đề án này, Trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp là Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Long Uyên, HTX Hòa Tịnh và Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường về xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ chuyên ngành về trái cây. Để công tác xúc tiến thương mại ở nước ngoài đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ tập trung tham mưu, hỗ trợ xây dựng thương hiệu những mặt hàng nông sản lợi thế của tỉnh. Song song với đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo về marketing, chăm sóc khách hàng, quản trị doanh nghiệp…

* PV: Hiện nay, đâu là khó khăn trong công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp của tỉnh?

* Ông Đoàn Văn Phương: Hiện nay, có khoảng 85 - 90% nông sản được bán sang thị trường Trung Quốc. Chúng tôi luôn tìm cách để nông sản không phụ thuộc vào 1 thị trường qua việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường. Để nông sản vào được những thị trường “khó tính” đòi hỏi phải vượt qua hàng rào kỹ thuật rất cao. Về khâu tiêu thụ, ở tỉnh chưa có những doanh nghiệp lớn đủ để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, chúng ta còn thiếu doanh nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng còn nhiều hạn chế.

Các loại trái cây của tỉnh tham gia Hội nghị Kết nối cung cầu tại TP. Đà Nẵng.
Các loại trái cây của tỉnh tham gia Hội nghị Kết nối cung cầu tại TP. Đà Nẵng.

* PV: Ông có nhận định gì về vai trò của việc dự báo thị trường?

* Ông Đoàn Văn Phương: Hiện nay, khả năng dự báo thị trường còn khá hạn chế. Trung tâm hiện có bản tin cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, các dự báo này cũng theo xu hướng chung, mức độ chính xác chưa cao. Theo tôi, việc khảo sát, nghiên cứu mùa vụ là rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp để giúp nông sản sản xuất ra tránh khỏi tình trạng ùn ứ, mất cân bằng cung cầu.

* PV: Theo ông, để việc xúc tiến thương mại đạt hiệu quả, đi vào chiều sâu thì cần “chất xúc tác” gì?

* Ông Đoàn Văn Phương: Xúc tiến thương mại phải gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, công tác quảng bá sản phẩm phải được thực hiện thường xuyên. 2 yếu tố này cần được thực hiện một cách đồng bộ. Nền nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, để sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng tốt cần có sự tác động, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Qua đó, từng bước hướng nông dân đến sản xuất lớn, “sạch”, an toàn và thân thiện với môi trường. Các Bộ, ngành Trung ương cần tăng cường công tác ngoại giao, thỏa thuận hợp tác để nông sản có thể vào được thị trường các nước. Và quan trọng để hoạt động xúc tiến đạt hiệu quả, cần có sự cộng tác của doanh nghiệp; các doanh nghiệp cần có sự đồng hành cùng các ngành chức năng trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ.

* PV: Xin cảm ơn ông!

MINH THÀNH (thực hiện)

.
.
.