Thứ Tư, 27/09/2017, 15:32 (GMT+7)
.

Cần có giải pháp để cây ăn trái thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 26 và 27-9, tại TP. Cần Thơ diễn ra “Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tại đó, các địa phương đề xuất các giải pháp quy hoạch, nghiên cứu giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng. Xung quanh vấn đề cây ăn trái trước thách thức biến đổi khí hậu, TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết:

Vườn ươm cây giống cung cấp cho người dân tại Viện Cây ăn quả miền Nam.
Vườn ươm cây giống cung cấp cho người dân tại Viện Cây ăn quả miền Nam.

ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, trong đó có cây ăn trái. Vì vậy, để cây ăn trái thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là một trong những vấn đề cần tính đến.

* PV: Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Nếu không có giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ, sinh kế của người dân ĐBSCL sẽ bị tác động mạnh. Ông nhận định gì về vấn đề này?

* TS. Nguyễn Văn Hòa: Đợt hạn hán và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL năm 2016 đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh như: Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng..., trong đó có hơn 9.400 ha diện tích trồng cây ăn trái tập trung bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Kết quả khảo sát của Viện Cây ăn quả miền Nam tại các vùng trồng cây ăn trái bị ảnh hưởng của hạn, mặn tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... cho thấy hạn, mặn đã ảnh hưởng đến nhiều loại cây ăn trái như: Sầu riêng, bưởi, chôm chôm, măng cụt...

Thanh long là một trong những cây ăn trái đặc sản ở Việt Nam.
Thanh long là một trong những cây ăn trái đặc sản ở Việt Nam.

Ảnh hưởng của mặn đối với cây ăn trái biểu hiện qua các triệu chứng cháy lá, vàng lá, rụng lá, rụng hoa và quả... làm giảm sinh trưởng và phát triển của cây, ảnh hưởng đến năng suất. Tùy theo giống cây ăn trái mà khả năng chống chịu mặn của cây khác nhau. Sầu riêng, chôm chôm thuộc nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn nhỏ hơn 1‰). Chính vì vậy, trong đợt hạn, mặn đầu năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề về năng suất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của nhóm cây trồng này. Kết quả ghi nhận là sầu riêng Monthong chịu mặn kém hơn sầu riêng Ri6. Chôm chôm Java, chôm chôm nhãn phần lớn lá bị cháy từ chóp lá và rụng lá. Tùy theo mức độ nhiễm mà cây bị ảnh hưởng nặng hay nhẹ như sau: Cây bị sốc mặn và rụng lá hàng loạt, cây không bị rụng lá hàng loạt nhưng lá cây sẽ bị cháy từ chóp lá vào và sau đó lá bị rụng, làm cây bị suy kiệt dẫn đến chết cây.

Qua khảo sát của Viện Cây ăn quả miền Nam, nguyên nhân chính dẫn đến các vườn sầu riêng bị thiệt hại là do phần lớn nông dân chưa bắt kịp tình hình nước mặn xâm nhập sớm và nồng độ mặn cao.

* PV: Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cần những giải pháp phát triển một số cây trồng cạn nhằm chuyển đổi trên đất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; quy hoạch cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; có những công trình nghiên cứu hạn, mặn và giải pháp ứng phó với hạn, mặn cho cây ăn trái; tiết kiệm nước và năng lượng… để ứng phó biến đổi khí hậu. Là cơ quan nghiên cứu cây trồng, chuyển giao khoa học…, Viện Cây ăn quả miền Nam đã và đang thực hiện những công việc gì đề giúp cho ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế cho người dân và phát triển bền vững?

* TS. Nguyễn Văn Hòa: Thực tế cho thấy có một số cây chống chịu hạn, mặn khá tốt như: Xoài và một số loại cây có múi. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng để làm cây thương phẩm hoặc làm gốc ghép. Việc khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với khả năng chống chịu hạn, mặn trên cây ăn trái cũng được xem là giải pháp để ứng phó với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Chúng ta có thể sử dụng các dòng/giống cây có múi địa phương nghiên cứu và đánh giá có khả năng chống chịu mặn tốt để làm gốc ghép cho bưởi da xanh, bưởi Năm Roi tại các vùng đất ở ĐBSCL bị ảnh hưởng của nước mặn. Một số dòng/giống xoài địa phương và nhập nội như: Xoài Canh Nông, xoài Châu Hạng Võ, xoài 13-1, xoài ghép xanh... cần được nghiên cứu, đánh giá khả năng chống chịu mặn tốt để làm gốc ghép cho các giống xoài thương phẩm tại các vùng đất ở ĐBSCL.

TS. Nguyễn Văn Hòa giới thiệu với bà Đồng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp  và Quản lý nguồn nước Úc về các giống cây ăn trái ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Hòa giới thiệu với bà Đồng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Quản lý nguồn nước Úc về các giống cây ăn trái ở Việt Nam.

Thời gian qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu gốc ghép chống chịu điều kiện biến đổi khí hậu đạt được nhiều kết quả. Trong đó, giống cây có múi chống chịu mặn như: Bưởi bồng, đường hồng, hồng đường, bưởi bung, sảnh, tắc, con lai tắc x LCC, tắc x BDX (chịu được nồng độ mặn 8‰). Giống cây có múi chống chịu hạn như: Cây trúc, bưởi chua, bưởi đỏ, bưởi Thanh Trà và carrizo. Giống cây có múi chống chịu phèn như: Chanh tàu, cam dây, cam mật, bưởi lông Cổ Cò và carrizo.

* PV: Lâu nay, vấn đề liên kiết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được bàn đến rất nhiều trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, khu vực. Nhưng “4 nhà” dường như chưa có sự gắn kết bền vững, chưa có quyết tâm “ngồi chung một thuyền”. Ông có nghĩ rằng để phát triển bền vững nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng thì cần giải quyết mối liên kết này ra sao?

* TS. Nguyễn Văn Hòa: Việc liên kết vùng cũng đã được đề cập khá nhiều. Nhưng liên kết “4 nhà” ở mức độ vùng vẫn chưa được triển khai vì chúng ta chưa có thống nhất “nhà” nào làm chủ xị - chủ trì. Vì vậy, chúng tôi nghĩ Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ là thích hợp nhất cho vị trí này. Thông qua đó, “3 nhà” còn lại sẽ liên kết với nhau và thực hiện nghiêm túc việc của mình thì sản phẩm đầu ra với số lượng lớn sẽ đồng nhất về chủng loại, chất lượng; đồng thời cũng thực hiện tốt các khâu trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng để người tiêu thụ an tâm hơn. Như vậy, việc sản xuất chắc chắn sẽ thuận lợi và bền vững hơn. Cụ thể, thông qua các liên kết trong các tổ hợp tác hay hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP rất có hiệu quả nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch hay định hướng lâu dài, bền vững. 

* PV: ĐBSCL có rất nhiều loại trái cây đặc sản, ngon không thua kém trái cây Thái Lan, nhưng ngay tại “thủ phủ” trái cây vùng, vẫn còn trái cây ngoại nhập tràn lan. Mấu chốt của vấn đề ở đâu, thưa ông?

* TS. Nguyễn Văn Hòa: Hiện nay, nước ta có một số loại trái cây xuất khẩu mạnh hơn Thái Lan. Trong đó, thanh long ở nước ta có thể điều tiết sản xuất rải vụ trong năm và những đặc sản chỉ ở nước ta mới có (xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu). Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một số sản phẩm chưa cạnh tranh lại Thái Lan như xoài ăn xanh, măng cụt, me ngọt. Nguyên nhân chủ yếu là đời sống của người dân Việt Nam hiện nay đã khá hơn rất nhiều nên ngoài việc ăn no còn chú ý đến việc ăn ngon, thưởng thức các loại trái lạ. Dĩ nhiên, các chủng loại cây ăn trái không thể trồng ở nước ta thì phải nhập để người dân sử dụng là cần thiết.

* PV: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.