Thứ Sáu, 08/12/2017, 17:56 (GMT+7)
.

"Dư địa" phát triển trái cây còn rất lớn

Một trong những điểm sáng quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2017 được mang đến từ xuất khẩu (XK) rau, quả; đặc biệt là XK trái cây. Chia sẻ tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất, XK trái cây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức ngày 6-12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh:

Trong những năm vừa qua, ngành hàng trái cây của Việt Nam có sự phát triển rất nhanh, bền vững và trở thành nông sản XK chủ lực, đứng đầu là các nông sản thuộc lĩnh vực trồng trọt. Chỉ tính riêng 11 tháng của năm 2017, XK rau, quả, chủ yếu là quả của Việt Nam đã đạt 3,16 tỷ USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ của năm 2016. Theo dự kiến của Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2017, XK rau, quả có thể đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD. Đây là con số rất ấn tượng. Dựa trên tình hình thực tế và dự báo, trong thời gian tới tiềm năng phát triển trái cây còn rất nhiều “dư địa”, cả về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm canh tác của nông dân đã được nâng lên, đặc biệt là thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới. Nếu nhìn vào giao dịch thương mại trên thế giới, vào năm 2004 tổng giá trị thương mại trái cây của thế giới chỉ vào khoảng 111 tỷ USD, đến năm 2015 đã đạt trên 230 tỷ USD. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam. Ngay cả thị trường trong nước, với gần 100 triệu dân và với xu thế người dân ngày càng sử dụng nhiều rau, quả hơn, giảm lượng tinh bột cũng sẽ là cơ hội tốt để ngành hàng trái cây phát triển.

* Phóng viên (PV): Cần phải làm gì để phát triển ngành hàng trái cây một cách bền vững, thưa Thứ trưởng?

* Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Để tiếp tục phát triển ngành hàng trái cây Việt Nam nhanh, hiệu quả và bền vững hơn, trong thời gian tới Bộ NN-PTNT, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp cần tập trung làm tốt một số vấn đề như rà soát lại về quy mô, diện tích, sản lượng của từng loại trái cây đối với từng vùng, miền, địa phương để làm sao khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng cũng như nhu cầu của thị trường. Việc rà soát phải dựa trên căn cứ điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, kể cả kinh nghiệm canh tác của người dân đối với từng loại cây ăn trái. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng cần tính toán nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới và trong nước để tránh tình trạng cung không gặp cầu. Bước đầu, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung cho khoảng 15 loại trái cây chủ lực, có nhiều tiềm năng để phát triển. Bộ NN-PTNT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thích ứng được với điều kiện của biến đổi khí hậu; đồng thời đưa vào ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất, gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm cho từng loại trái cây. Thực tế hiện nay cho thấy, quy mô sản xuất trái cây của Việt Nam nói chung còn rất manh mún, nhỏ lẻ vì thế phải tổ chức lại sản xuất từ cơ sở; khuyến khích, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất mang tính bền chặt hơn, qua đó sẽ nâng cao được hiệu quả và giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trái cây. Vấn đề quan trọng nữa là tiếp tục nghiên cứu, mở cửa thị trường, đặc biệt là tập trung vào thị trường quan tâm đến trái cây nhiệt đới. Đây là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài thị trường XK cũng cần quan tâm đến thị trường tiêu thụ trong nước theo hướng bài bản, căn cơ hơn.

Tiềm năng phát triển trái cây còn rất lớn.
Tiềm năng phát triển trái cây còn rất lớn.

* PV: Như vậy, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra đối với trái cây của Việt Nam?

* Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Rất mừng trong thời gian vừa qua, ngoài thị trường tiêu thụ truyền thống đã mở rộng được rất nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Úc…, với một số loại trái cây như thanh long, xoài và tới đây là vú sữa. Dự kiến vào ngày 26-12, tại Tiền Giang sẽ tổ chức buổi lễ xuất lô hàng vú sữa đầu tiên. Tin mới nhất là Mỹ cũng đã đồng ý cuối năm 2017 sẽ cho phép xoài tươi của Việt Nam XK vào thị trường này. Bên cạnh đó, các ngành có liên quan cũng sẽ tiếp tục đàm phán để mở rộng thêm các thị trường tiêu thụ trái cây của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có nhu cầu lớn về trái cây nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh.

* PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tìm giải pháp phát triển cây ăn trái

Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất, XK trái cây do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức ngày 6-12, nhằm mục tiêu đánh giá đúng thực trạng và bám các giải pháp phát triển trái cây trong thời gian tới. Đại biểu tham dự hội nghị được nghe thông tin về: Công nghiệp chế biến, thị trường XK và giải pháp nâng cao giá trị XK trái cây; kết quả công tác bảo vệ thực vật, mở cửa thị trường cây ăn trái và giải pháp phát triển sản xuất; hiện trạng và giải pháp phát triển cây ăn trái; ý kiến của các doanh nghiệp chế biến XK trái cây và nhà vườn tiêu biểu…

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, diện tích trồng cây ăn quả cả nước và các vùng, miền nhìn chung có xu hướng tăng liên tục, với tổng diện tích hiện đạt hơn 857.000 ha. Hiện có 15 loại quả có diện tích hơn 10.000 ha/loại, chiếm hơn 86% tổng diện tích. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng diện tích trồng cây ăn trái, đạt đến 38%. Tuy nhiên, trên thực tế trái cây đưa vào chế biến còn hạn chế cả về chủng loại và sản lượng. Trái cây Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi. Điểm nhấn quan trọng là kim ngạch XK rau, quả Việt Nam liên tục tăng trưởng, chỉ tính đến tháng 11 năm 2017 đã đạt 3,16 tỷ USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2016.

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

.
.
.