Thứ Sáu, 13/04/2018, 15:02 (GMT+7)
.
THƯỢNG TÁ LÊ TẤN CƯỜNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CẢNH SÁT PCCC-CNCH:

Đa số chủ hộ chưa quan tâm công tác PCCC

 

Vụ cháy 8 căn nhà trên đường Nguyễn Tri Phương, phường 7, TP. Mỹ Tho, gây thiệt hại 1,6 tỷ đồng vào ngày 7-4 vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống cháy, nổ ở khu dân cư còn nhiều bất cập.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, Thượng tá Lê Tấn Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết:

Luật PCCC quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình. Vì vậy, đối với khu dân cư, nhà dân thì trách nhiệm PCCC thuộc về chính quyền địa phương và chủ hộ gia đình.

Tuy nhiên, đa số các chủ hộ chưa thật sự quan tâm đến công tác PCCC, còn chủ quan, thờ ơ, lơ là, mất cảnh giác. Họ xem trách nhiệm PCCC là của cơ quan chức năng chứ không phải của bản thân.

Chủ hộ gia đình chưa quan tâm tìm hiểu các kiến thức cơ bản về PCCC dẫn đến không biết cách đề phòng cháy, nổ xảy ra. Mặt khác, họ không có ý thức tự trang bị cho gia đình phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy, nên khi có cháy, nổ xảy ra không biết cách xử lý và xử lý không kịp thời dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

Chính quyền địa phương mặc dù có quan tâm đến công tác PCCC như thành lập các Đội dân phòng, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về PCCC, nhưng kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC còn hạn chế, do đó công tác PCCC ở các khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn.

* Phóng viên (PV): Công tác phòng, chống cháy, nổ ở khu dân cư hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền là chính. Từ vụ hỏa hoạn ở khu dân cư trên đường Nguyễn Tri Phương, phường 7, TP. Mỹ Tho vừa qua cho thấy, người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống cháy, nổ. Như vậy, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về phòng, chống cháy, nổ chưa đạt kết quả cao. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

* Thượng tá Lê Tấn Cường: Công tác PCCC lấy phương châm phòng ngừa là chính, vì vậy công tác phòng ngừa luôn được thực hiện thường xuyên bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền về PCCC, hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC. Trong đó, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, quan tâm tổ chức bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền lưu động; viết tin, bài đăng, phát trên báo, đài; băng rôn, khẩu hiệu… nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về công tác PCCC.

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 7-4 ở đường Nguyễn Tri Phương, phường 7, TP. Mỹ Tho.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 7-4 ở đường Nguyễn Tri Phương, phường 7, TP. Mỹ Tho.

Tuy nhiên, đối tượng được tuyên truyền, đặc biệt là các hộ gia đình, chưa quan tâm đến nội dung được tuyên truyền, còn thờ ơ với công tác PCCC. Họ xem công tác tuyên truyền là gây phiền hà, ảnh hưởng đến thời gian, cuộc sống của họ.

Một số hộ gia đình khi được mời tham dự các buổi tuyên truyền trực tiếp về PCCC thì vắng mặt hoặc cử người không có trách nhiệm tham dự. Từ đó cho thấy, họ không quan tâm đến công tác PCCC (Luật PCCC quy định trách nhiệm PCCC là của chủ cơ sở; vì vậy đối với hộ gia đình thì trách nhiệm PCCC là của chủ hộ).

Do đó, họ không nắm bắt được những kiến thức cơ bản của công tác PCCC, không biết cách phòng ngừa, không biết cách xử lý khi có cháy, từ đó dẫn đến chất lượng tuyên truyền không được cao.

* PV: Làm gì để công tác phòng, chống cháy, nổ ở các khu dân cư đạt hiệu quả cao hơn, tránh tình trạng cháy tương tự như ở phường 7, TP. Mỹ Tho vừa qua, thưa đồng chí?

* Thượng tá Lê Tấn Cường: Đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung đối tượng là chủ hộ gia đình, các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

Đơn vị tiếp tục phối hợp với Công an địa phương tổ chức kiểm tra chuyên đề an toàn PCCC ở các khu dân cư, hướng dẫn các giải pháp an toàn PCCC, qua đó khuyến cáo mỗi hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương củng cố, nâng chất hoạt động của các Đội dân phòng, đầu tư cho hoạt động PCCC và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho các đội viên Đội dân phòng trên địa bàn.

* PV: Hiện nay đang mùa khô, vậy công tác phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện như thế nào?

* Thượng tá Lê Tấn Cường: Vẫn với phương châm lấy công tác phòng ngừa là chính, do đó đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC, tập trung ở các cơ sở trọng điểm có nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ, các khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại.

Đơn vị thường xuyên mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho các Đội PCCC cơ sở, Đội dân phòng; tăng cường phối hợp với cơ sở tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm có nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ.

Đơn vị phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức tuyên truyền về PCCC cho các Ban Chỉ đạo PCCC rừng và người dân sống ven rừng ở các xã có rừng của các huyện Tân Phước, Gò Công Đông, Tân Phú Đông.

* PV: Cảm ơn Thượng tá!

VĂN THẢO (thực hiện)

.
.
.