Thứ Bảy, 05/05/2018, 17:52 (GMT+7)
.
Xung quanh việc ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài:

Kêu gọi ý thức chấp hành luật pháp của ngư dân

Tiền Giang có 1.300 tàu cá đánh bắt trên biển, trong đó có khoảng 300 tàu đánh bắt ở các vùng biển xa bờ và gần với vùng biển chồng lấn các nước trong khu vực. Số tàu này có khả năng vi phạm lãnh hải nước bạn hoặc đánh bắt trong vùng biển Việt Nam nhưng có khả năng bị lực lượng chấp pháp nước ngoài uy hiếp, bắt giữ. Trao đổi vấn đề này, Giám đốc Sở Ngoại vụ Lưu Văn Phi cho biết:

Ngư dân vào Cảng cá Vàm Láng sau chuyến đánh bắt thủy hải sản xa bờ.
Ngư dân vào Cảng cá Vàm Láng sau chuyến đánh bắt thủy hải sản xa bờ.

Từ năm 2012 đến nay, Tiền Giang có 22 tàu đánh bắt và dịch vụ nghề cá, với 225 ngư dân (trong đó có 162 ngư dân của tỉnh, 63 ngư dân ngoài tỉnh làm việc cho tàu cá trong tỉnh) bị phía nước ngoài bắt giữ.

* PV: Thưa đồng chí, như thế việc bảo hộ ngư dân của ta như thế nào trong thời gian qua, cũng như thời gian tới?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Liên quan đến vấn đề bảo hộ công dân của tỉnh, nhất là các trường hợp ngư dân bị phía nước ngoài bắt giữ, ngay sau khi nhận được thông tin từ các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc người dân (chủ tàu, ngư dân) về việc tàu cá, ngư dân của tỉnh bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ, Sở Ngoại vụ ngay lập tức có văn bản thông báo vụ việc đến Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài xác minh, làm rõ, cũng như kịp thời thực hiện công tác bảo hộ công dân như: Xác minh địa điểm tạm giữ, tiến hành thăm hỏi, đề nghị phía nước ngoài đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, khám, chữa bệnh nếu có vấn đề sức khỏe theo khả năng và quy định của nước sở tại; khôi phục lại các giấy tờ đã mất, thất lạc, hỗ trợ các thủ tục pháp lý liên quan…

Trên thực tế, chúng ta không thể yêu cầu phía nước ngoài có ngay thông tin; bởi Đại sứ quán nước ta ở nước ngoài phải làm việc qua kênh ngoại giao với các nước.

Cụ thể, khi nhận được thông báo từ các Sở Ngoại vụ địa phương trong nước, Đại sứ quán nước ta tại các nước thông qua kênh ngoại giao yêu cầu phía bạn xác minh, làm rõ việc tàu cá, ngư dân nước ta bị bắt và tình trạng ngư dân nước ta bị bắt hiện ra sao, bị giam giữ tại đâu để tiến hành thăm lãnh sự.

Sau khi có thông tin từ phía nước bạn, Đại sứ quán nước ta ở các nước sẽ tổ chức đi thăm lãnh sự đối với ngư dân. Trong quá trình thăm lãnh sự, các viên chức lãnh sự nước ta tại các nước sẽ gặp mặt thuyền trưởng, các ngư dân bị bắt để xác minh, làm rõ tính xác thực của vụ việc.

Khi đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn trong nước cũng như ngoài nước và xác định rõ tính chất của vụ việc, Đại sứ quán nước ta tại các nước mới có cơ sở đấu tranh với nước bạn ở các phiên tòa xét xử nhằm bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của ngư dân.

Liên quan đến vấn đề bảo hộ công dân của nước ta ở nước ngoài nói chung và tàu cá, ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ nói riêng, tháng 8 năm nay, Hội nghị toàn quốc về công tác đối ngoại do Bộ Ngoại giao tổ chức, chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này với các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, cũng như sẽ làm rõ vấn đề có hay không khi ngư dân nước ta ra tòa xét xử nhưng không có đại diện nhân viên lãnh sự nước ta tại các phiên tòa để xem xét, bảo hộ quyền và lợi ích công dân theo như thông tin phản ánh từ các chủ tàu ở tỉnh Kiên Giang đã cung cấp.

* PV: Tại sao lực lượng chấp pháp của các nước trong khu vực trong những năm gần đây lại xử lý nghiêm khắc đối với ngư dân của Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Hiện nay, các nước đều rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ ngư trường và vùng lãnh hải. Trong các nước giáp biên giới biển với Việt Nam vẫn còn một số khu vực chồng lấn và đang trong quá trình đàm phán để xác định mốc giới và đi đến phân định thống nhất, không loại trừ khả năng một số trường hợp tàu cá của nước ta hoạt động trong vùng chồng lấn bị lực lượng chấp pháp nước ngoài uy hiếp, bắt giữ.

Ngoài ra, một số tàu cá của nước ta do sức ép từ việc phải bù đắp chi phí khai thác, đã không tuân thủ theo quy định, hướng dẫn, đánh bắt quá mức theo kiểu tận diệt nên gây phản cảm đối với các nước. Chính vì vậy, các nước mới đưa ra biện pháp mạnh với ngư dân nước ta.

* PV: Sau khi ngư dân bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ thì vấn đề hoàn phí như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Từ năm 2015 đến nay, chúng ta còn nợ phí bảo hộ công dân trên 400 triệu đồng. Về nợ phí bảo hộ công dân của tỉnh, chủ yếu ở đây là phí do các cơ quan đại điện nước ta ở nước ngoài ứng tiền mua vé máy bay đưa ngư dân về nước.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với các địa phương có ngư dân bị bắt phải thu hồi các khoản chi phí này. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương có tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều cần lưu ý vấn đề này.

Thực tế, không loại trừ khả năng nếu nhiều tỉnh nợ dây dưa sẽ dẫn đến “cháy Quỹ Bảo hộ công dân”, khi đó chúng ta không còn đủ điều kiện để mua vé máy bay và chi trả các khoản chi phí liên quan để đưa công dân về nước. Bởi khi bị bắt, ta còn phải chi trả thêm các khoản như: Ăn uống, quần áo, phí làm thủ tục, đi lại tại nước sở tại… đến vé máy bay về nước, tất cả đều do Quỹ Bảo hộ công dân chi.

* PV: Việc ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ nhiều cho thấy, công tác tuyên truyền của chúng ta chưa đạt hiệu quả?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Về trách nhiệm, trong thời gian qua, Sở Ngoại vụ đã tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh tuyên truyền rất nhiều về vấn đề tránh đánh bắt vi phạm lãnh hải các nước đến các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân.

Trong những năm qua, thông qua Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ đã đăng ký và chuyển giao hàng ngàn Tờ rơi hướng dẫn đánh bắt xa bờ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác tuyên truyền trong các cơ quan, đơn vị, cũng như phổ biến cho các chủ tàu, ngư dân của tỉnh biết tránh đánh bắt vi phạm lãnh hải của các nước.

Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng thông tin kịp thời đến chủ tàu, ngư dân về các biện pháp xử lý của chính quyền các nước đối với tàu cá nước ngoài vi phạm lãnh hải để ngư dân biết, tránh tình trạng đánh bắt vi phạm lãnh hải các nước, bị bắt giữ người, phương tiện, bị phạt tiền, phạt tù, gây hại cho chính ngư dân ta.

Nhìn chung, công tác tuyên tuyền trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp quan tâm và thực hiện rất tốt. Nói thì nói hết rồi, họp thì họp nhiều lần rồi, chủ tàu và ngư dân cũng biết hết rồi nhưng ngư dân vẫn bị bắt giữ.

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thực hiện các biện pháp chế tài thật nặng ở mức cao nhất theo quy định. Biện pháp trước mắt là thông tin liên lạc (định vị) giữa tàu đánh bắt và lực lượng quản lý tại đất liền phải được hiện đại hóa. Đối với vấn đề này, chúng ta có thể tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương theo các đề án hỗ trợ ngư dân vươn ra khơi xa.

Trường hợp khó khăn hơn, chúng ta có thể tiến hành mời các chủ tàu và các ngân hàng ngồi lại với nhau để họ tự thỏa thuận khoản vay để đầu tư, mua sắm hệ thống thông tin liên lạc hiện đại phục vụ cho việc liên lạc định vị với đất liền và quản lý của ngành Nông nghiệp tỉnh…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
Liên kết hữu ích
.