Chủ Nhật, 25/11/2018, 06:40 (GMT+7)
.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang Phạm Văn Trọng

Tăng cường trách nhiệm trong quản lý đất công

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Trọng cho biết, Tiền Giang hiện có 251.061 ha đất tự nhiên, trong đó có trên 8.369 ha đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (gọi tắt là đất công), với  5.970 thửa đất (chưa bao gồm đất có mặt nước ven sông, ven biển).

Đất đã được Nhà nước giao hoặc cho thuê 4.518 thửa, với diện tích trên 7.550 ha; đất chưa giao 987 thửa, với khoảng 766 ha; đất bị lấn, chiếm 465 thửa, với 51,53 ha.

* PV: Thời gian qua, công tác quản lý đất công trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Những năm qua, công tác quản lý đất công luôn được sự quan tâm nên quỹ đất công dần đi vào nền nếp, khai thác, sử dụng đất có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về rà soát, thống kê đưa vào hồ sơ địa chính để quản lý quỹ đất công theo quy định.

Đồng thời, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành về đất đai để kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, lập lại trật tự, kỷ cương, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; đưa việc quản lý, sử dụng đất công vào nền nếp, đúng pháp luật.

* PV: Việc lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất công đạt được nhiều kết quả nhưng không phải không có những khó khăn nhất định. Xin đồng chí cho biết những khó khăn đang gặp phải?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Một số nơi chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác quản lý đất công. Vì vậy, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có đất công còn thiếu chặt chẽ, có lúc còn buông lỏng.

Tình trạng để đất công bị lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích vẫn còn xảy ra... Những bất cập và yếu kém trên đã khiến cho việc phát huy tiềm năng đất đai bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đất công được Nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng nhưng lại bố trí cho cán bộ, công nhân viên xây dựng nhà ở, cho thuê kinh doanh sai mục đích, trái quy định.

Công tác giao đất, cho thuê đất thời gian qua còn nhiều bất cập. Việc giao đất không đúng thẩm quyền, cho thuê đất không thông qua đấu giá còn xảy ra ở nhiều nơi.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, việc cho thuê đất công chưa thông qua đấu thầu, đấu giá theo quy định.

Nhiều thửa đất công có trong danh sách quản lý đất công của xã nhưng thực tế hộ dân đang sử dụng, nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân tạm mượn, tạm khai thác sử dụng trong thời gian dài nay đã hết thời gian nhưng không xử lý.

Công tác thống kê, quản lý quỹ đất công, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất chưa sử dụng chưa được quan tâm.

Ngoài ra, một số nơi còn để xảy ra việc giao đất, cho thuê đất, cho mượn đất không đúng thẩm quyền, đất công bị lấn chiếm xây nhà hoặc dùng vào mục đích khác nhưng chưa giải quyết hoặc có giải quyết nhưng không dứt điểm dẫn đến việc khắc phục hạn chế, thiếu sót còn chậm.

Nhiều thửa đất công do UBND cấp xã quản lý (kể cả các thửa đất Nhà nước đã thu hồi đất của dân để xây dựng các dự án, công trình còn dôi dư một số thửa đất có diện tích nhỏ, lẻ không phù hợp để xây dựng công trình, các thửa đất này thường nằm liền kề nhà của các hộ dân) do quản lý không tốt dẫn đến các hộ có đất liền kề lấn, chiếm sử dụng nhưng chậm xử lý.

Công tác quản lý sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền, cho thuê đất trả tiền hằng năm trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn lỏng lẻo, dẫn đến việc sử dụng đất của một số tổ chức chưa đúng theo quy định của pháp luật như các đơn vị còn cho thuê lại, còn liên doanh, liên kết không đúng quy định, đất công còn bỏ trống, bị lấn chiếm...

Đất nằm trong hành lang giao thông, hệ thống công trình thủy lợi, hành lang cầu, cống, vỉa hè… còn để hộ dân lấn chiếm sử dụng nhưng chậm giải quyết hoặc không giải quyết dẫn đến việc lấn chiếm kéo dài nhiều năm.

* PV: Để đưa công tác quản lý quỹ đất công được chặt chẽ nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới ngành chuyên môn cần có những giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Ngành chuyên môn sẽ tổ chức khảo sát, đo đạc, cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc và lập hồ sơ địa chính tất cả các thửa đất công đang quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các thửa đất trên; tập trung giải quyết các trường hợp đất công bị lấn, chiếm theo quy định.

Đồng thời với đó là kiên quyết thu hồi đất của các tổ chức vi phạm đúng theo quy định của pháp luật; nâng cao trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định việc giao đất cho các dự án, nhu cầu sử dụng đất của các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa; phải công khai minh bạch việc đấu thầu, đấu giá đối với đất công; kiên quyết xử lý các tổ chức sử dụng đất, người đứng đầu các tổ chức sử dụng đất khi có vi phạm.

Cùng với đó là tập trung tổ chức thực hiện Đề án Quản lý, sử dụng đất công đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng quỹ đất công, trong đó có quỹ đất công chưa sử dụng...

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.