Thứ Hai, 08/04/2019, 22:03 (GMT+7)
.
Axit benzoic trong tương ớt:

Bộ Y tế lý giải tại sao Việt Nam vẫn dùng, trong khi Nhật cấm

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngày 8-4 đã chia sẻ với báo giới về việc tại sao Nhật Bản cấm axit benzoic trong tương ớt mà Việt Nam vẫn cho sử dụng.
 
a
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
- Phóng viên: Xin bà cho biết về phụ gia axit benzoic có được sử dụng trong tương ớt và các sản phẩm thực phẩm hay không?
 
+ Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Axit benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) trong danh mục cho phép sử dụng trong tương ớt tại Việt Nam. Chất này cũng được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác theo quy định của quốc tế. Hiện quy định của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của Codex và quy định mức tối đa là 1 gr/kg sản phẩm.
 
- Theo quy định sản phẩm tương ớt này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, vậy Bộ Y tế sẽ phối hợp như thế nào để xử lý thông tin này?
 
+ Trước tiên, Bộ Y tế là cơ quan thường trực của trung ương về an toàn thực phẩm thì chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xác minh chính thức nguồn thông tin này. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm Nhật Bản cũng như quốc tế. Tất nhiên bên cạnh đó chúng tôi cũng trao đổi với mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế NFOSAN để xem xét các thông tin có liên quan.
 
- Vậy chất axit benzoic có được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản hay không?
 
+ Theo thông tin chúng tôi có được thì tại phiên bản mới nhất về việc sử dụng phụ gia thực phẩm tại Nhật Bản thì quốc gia này cho phép sử dụng trong một số nhóm sản phẩm như nước tương, siro, bơ thực vật, trứng cá và một số đồ uống có cồn.
 
- Câu hỏi dư luận đặt ra những ngày qua là tại sao Nhật Bản không cho phép dùng axit benzoic mà nhiều quốc gia lại cho phép, thưa bà?
 
+ Nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm sẽ dựa trên một số nguyên tắc nhất định, trong đó có tính toán đến thói quen sử dụng thực phẩm mà mức độ sử dụng thực phẩm khác nhau, do đó họ sẽ có nghiên cứu riêng về mức độ sử dụng và quy định đối với phụ gia thực phẩm trong các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản.
 
- Người dân cho rằng tiêu chuẩn của Nhật Bản rất khắt khe, còn Việt Nam vẫn cho sử dụng là chưa quan tâm đến sức khoẻ người tiêu dùng?
 
+ Đầu tiên, người tiêu dùng cần hiểu rõ các quy định về thực phẩm ở Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của Codex. Hiện nay Codex có 186 quốc gia tham gia, trong đó có Mỹ, Úc, Cananda, Nhật Bản, Việt Nam… Theo quy định của thế giới, với một quy định về thực phẩm mà tuân thủ theo Codex thì không cần đưa ra bằng chứng khoa học, còn nếu có sự khác biệt với Codex quốc gia đó phải đưa ra bằng chứng khoa học. Trong cam kết thương mại, tiêu chuẩn về thực phẩm của Codex là tham chiếu khoa học trong các tranh chấp thương mại. 
 
Do đó, tôi xin khẳng định các tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam là phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế và khi các phụ gia thực phẩm có mặt trong bảng tiêu chuẩn Codex thì phải thông qua Uỷ ban về phụ gia thực phẩm của Codex sẽ trải qua các bước đánh giá an toàn và cách sử dụng một cách nghiêm ngặt. Thông thường, để đánh giá một phụ gia thực phẩm trước khi đưa vào danh mục của Codex phải mất 8 bước với thời gian lên tới 5-7 năm, thậm chí 10 năm.
 
- Bà có khuyến cáo gì đối với người dân trước thông tin về chất phụ gia axit benzoic?
 
+ Người dân cần hết sức bình tĩnh và lắng nghe các quy định của cơ quan nhà nước về hàm lượng sử dụng theo các tiêu chuẩn đã được quốc tế cho phép và đánh giá mức độ an toàn.
 
(Theo nld.vn)
.
.
.