Thứ Sáu, 05/07/2019, 15:53 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ ĐẬM:

Thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tín dụng đen

Đề cập đến các chính sách tín dụng ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng tín dụng đen trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết:

Đồng chí Nguyễn Thị Đậm (đứng bên trái) chứng kiến Lễ ký kết giao ước thi đua năm 2019 của các ngân hàng  thương mại trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Đậm ( áo đen bên trái) chứng kiến Lễ ký kết giao ước thi đua năm 2019 của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở các giải pháp cụ thể của NHNN Việt Nam, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để giảm thiểu tín dụng đen như sau: NHNN Chi nhánh Tiền Giang tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 116/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015 và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen vào ngày 27-2-2019.

NHNN Chi nhánh Tiền Giang cũng thường xuyên nắm bắt các thông tin có liên quan đến tín dụng đen, từ đó chủ động phối hợp với Công an tỉnh đấu tranh, ngăn chặn tín dụng đen và tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, qua đó nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi của tổ chức, cá nhân cấu kết, tiếp tay với các đối tượng cho vay nặng lãi.

Đồng thời, NHNN Chi nhánh Tiền Giang tiếp tục giám sát chặt chẽ việc các tổ chức tín dụng tổ chức, thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ.

NHNN Chi nhánh Tiền Giang cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp không chỉ nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách trong hoạt động cho vay, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho khách hàng vay vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát huy thế mạnh của địa phương; đồng thời, góp phần hạn chế tín dụng đen theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 chi nhánh ngân hàng cấp 1 (1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 28 ngân hàng thương mại), 11 chi nhánh loại 2, 86 Phòng giao dịch trực thuộc, 16 Quỹ tín dụng nhân dân, 2 chi nhánh tổ chức tài chinh vi mô (Quỹ CEP) và có 1 ô tô chuyên dùng giao dịch lưu động thuộc Agribank Tiền Giang. Mạng lưới trên phủ khắp các huyện, thị, thành trong tỉnh đảm bảo nguồn vốn và cung ứng kịp thời các dịch vụ ngân hàng đến người dân.

Đến ngày 31-5-2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 64.373 tỷ đồng, tăng 4.029 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 6,7%; tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 50.936 tỷ đồng, tăng 2.491 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 5,1% (trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 26.500 tỷ đồng, chiếm 51,56% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh); nợ xấu chiếm tỷ trọng 0,6% trên tổng dư nợ, tăng 0,065% so với đầu năm.
 

Ngoài ra, NHNN Chi nhánh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động thành tổ chức tài chính vi mô nhằm tạo điều kiện cho đơn vị tiếp cận được nhiều nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, từ đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu tín dụng tiêu dùng vi mô ngày càng tăng của khách hàng.

Cùng với đó là thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm Chi nhánh Mỹ Tho và Chi nhánh Châu Thành để thông qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 đơn vị đúng tôn chỉ, mục đích.

Tại Hội nghị triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 116/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015 và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen vào ngày 27-2-2019, Agribank Tiền Giang đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Agribank Tiền Giang tiếp tục phát huy, đảm bảo tuyệt đối an toàn hoạt động mô hình ngân hàng lưu động tại một số xã của huyện Tân Phước.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Tiền Giang xem xét và thực hiện nâng mức cho vay vốn đối với hộ nghèo lên đến 100 triệu đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á triển khai gói cho vay tiêu dùng tín chấp 100 tỷ đồng cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.  

* Phóng viên (PV): Một số kết quả đạt được sau khi triển khai các gói chính sách tín dụng vừa qua, thuận lợi và khó khăn, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm:  Thông qua việc thực hiện gói cho vay 5.000 tỷ đồng của hệ thống Agribank Việt Nam (Công văn 287 hướng dẫn cho vay gói 5.000 tỷ đồng của Agribank Việt Nam), hiện tại Agribank Tiền Giang đã giải ngân cho vay đối với hơn 711 khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh số cho vay đạt hơn 19 tỷ đồng; hiện còn dư nợ hơn 14 tỷ đồng.

Công tác tuyên truyền về vấn nạn tín dụng đen được các cấp, ngành có liên quan phổ biến sâu rộng đến tầng lớp nhân dân, qua đó người dân dần dần đã nhận thức được hậu quả, hệ lụy xảy ra cho bản thân và gia đình khi vay tín dụng đen; sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, nhất là ngành Công an. Do đó, tình hình tín dụng đen phần nào đã hạn chế.

Việc triển khai thực hiện các gói tín dụng có nhiều thuận lợi nhưng cũng có một số khó khăn: Nhu cầu vay tiêu dùng (gói 5.000 tỷ đồng của Agribank Việt Nam) phải thỏa điều kiện theo Công văn 287 của Agribank Việt Nam (mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, nhu cầu không quá 30 triệu đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn, chứng minh được nguồn trả nợ) nên khi triển khai gặp phải một số khó khăn như đối tượng vay là người nghèo và cận nghèo đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.

Còn đối tượng vay không phải người nghèo và cận nghèo thì khi có thu nhập họ thường tích lũy một khoản tiền để sử dụng cho mục đích tiêu dùng trong tương lai, nên khi phát sinh nhu cầu cấp thiết không dự định được cho bản thân và gia đình, họ đã có sẵn khoản tiền tích lũy đó để xoay xở. Còn đối với mục đích tiêu dùng có dự định được thì thường là những mục đích không cấp thiết hoặc có nhu cầu cao và thời gian sử dụng vốn dài.

Ngoài ra, người có nhu cầu vay vốn cấp bách, đột xuất thường không chứng minh được mục đích vay và nguồn trả nợ hợp pháp.

Chưa kể, người vay đã được vay vốn không có bảo đảm bằng tài sản theo Nghị định 55/2015, Nghị định 116/2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; người vay là cá nhân hoặc hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ đã được cấp hạn mức tín dụng, trong đó bao gồm có cả dư nợ cho vay tiêu dùng; người vay đã được vay hạn mức thấu chi đã được nới rộng (đến 100 triệu đồng) nên ít phát sinh nhu cầu vay dưới 30 triệu đồng.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong quá trình xác minh nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân để cho vay và đảm bảo an toàn vốn.  

* PV: Đâu là giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh việc thực hiện các gói tín dụng góp phần giảm thiểu tín dụng đen trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Ngành Ngân hàng sẽ thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai mạnh mẽ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015, Nghị định 116/2018 và hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 10/2015 và Thông tư 25/2018 để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi mới được sửa đổi, bổ sung năm 2018; tiếp tục triển khai các gói tín dụng tín chấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng cấp bách của người dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay khi có nhu cầu.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình xác minh nhu cầu vay vốn chính đáng, cấp bách của người dân, cũng như tiếp tục tổ chức Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, nhằm hạn chế việc người dân và doanh nghiệp tìm đến các nguồn vốn không chính thức; tiếp tục hỗ trợ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động thành tổ chức tài chính vi mô theo quy định của NHNN.

NHNN Chi nhánh Tiền Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thường xuyên nhắc nhở, quản lý cán bộ, nhân viên giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, nêu cao tinh thần kỷ luật, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, không tham gia, cấu kết, thông đồng với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tín dụng đen…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ANH PHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.