Thứ Tư, 12/02/2020, 10:39 (GMT+7)
.

Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp: Cố gắng không để thiếu nước sản xuất

Hạn, mặn năm nay được dự báo rất gay gắt và có nhiều điểm bất thường. Để tìm hiểu thêm về những tác động và công tác phòng chống, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc phỏng vấn nhanh Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nguyễn Thiện Pháp trong chuyến kiểm tra thực tế tại xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) vào ngày 10-2. Đánh giá tình hình hạn, mặn hiện nay, đồng chí Nguyễn Thiện Pháp cho biết:

Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp kiểm tra tình hình hạn, mặn tại xã Thạnh Trị (huyện Gò Công Tây) vào chiều 10-2.
Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp kiểm tra tình hình hạn, mặn tại xã Thạnh Trị (huyện Gò Công Tây) vào chiều 10-2.

Trong thời điểm hiện nay, nguồn nước ở sông Tiền có độ mặn rất cao nên khả năng lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất hạn chế. Vì thế, cống Xuân Hòa hiện tại chỉ lấy nước khoảng 2 - 2,5 giờ mỗi ngày nhưng lượng nước cần phục vụ cho khu vực phía Đông của tỉnh rất lớn.

Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị trước nên trong vùng Ngọt hóa Gò Công, thông qua việc xây dựng các trạm bơm dã chiến cung ứng cho các vùng ven xa, đê biển, đê sông, nguồn nước vẫn đảm bảo cho cây lúa phát triển.

Đặc biệt, hiện tại trong khu vực Ngọt hóa Gò Công có khoảng 5.000 ha lúa đang trong giai đoạn trổ đều, còn lại khoảng 17.000 ha đang ngậm đòng, chuẩn bị trổ nên dễ mẫn cảm với chất lượng nước. Hiện nay, lượng nước trữ trong vùng nội đồng rất ít nên các ngành đang tính toán lấy nước có độ mặn từ 2 g/l trở lại (trước đây là 1,5 g/l) nhằm đảm bảo đủ lượng nước phục vụ sản xuất.

* Phóng viên (PV): Như vậy, giải pháp nào cho vùng Ngọt hóa Gò Công?

* Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp: Theo dự báo của các cơ quan Trung ương, từ ngày 8-2 đến cuối tháng 2, nguồn nước ngọt rất khan hiếm nên hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân nhắc việc lấy gạn nước của cống Xuân Hòa với độ mặn dưới 2 g/l nhằm đảm bảo lượng nước sản xuất cho khu vực phía Đông. Hiện nay, qua đánh giá chung có khó khăn về bơm nước để trữ chứ chưa có tình trạng thiếu nước sản xuất.

Tuy nhiên, theo dự báo tình hình hạn, mặn năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành cũng đang tính toán cân đối nguồn nước. Thứ nhất là nâng thời gian lấy gạn nước qua cống Xuân Hòa. Thứ hai là thực hiện bơm luân phiên tại các trạm bơm trong vùng dự án, nơi nào đủ nước sẽ tạm ngưng bơm nhằm đảm bảo lượng nước đủ cho sản xuất của cả khu vực.

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, đến cuối tháng 2 có thể cắt nước cho 21.000 ha lúa, chỉ còn lại khoảng 5.000 ha nên lượng nước còn lại có thể đủ cung ứng. Chúng tôi cũng hy vọng rằng sẽ không thiếu nước phục vụ sản xuất lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công.

* PV: Còn đối với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp: Công tác phòng, chống hạn, mặn được chia làm 3 khu vực. Khu vực thứ nhất nằm trong vùng Ngọt hóa Gò Công như đã trình bày. Khu vực thứ hai nằm trong Dự án Bảo Định, hiện đảm bảo ngăn mặn và nguồn nước sản xuất cũng rất tốt.

Tuy nhiên, tình hình hạn, mặn trong vùng kiểm soát lũ sẽ sử dụng các ô đê bao ngăn lũ, triều cường để làm công tác ngăn mặn và trữ ngọt; mặn đến đâu sẽ được quan trắc từ xa và sẽ khuyến cáo với người dân kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt và chủ động trong việc sử dụng nước.

Trên thực tế, vùng phía Tây của tỉnh năm nay bất lợi hơn so với đợt hạn, mặn năm 2016 rất nhiều do nước mặn từ sông Hàm Luông đẩy sang sớm và độ mặn hiện rất cao. Chẳng hạn, tại vàm Ba Rài hiện độ mặn ở mức trên 2 g/l; tại Phú Phong, Kim Sơn trên 3 g/l. Với độ mặn như thế, lúa hay cây ăn trái bị nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn. Điều đáng chú ý là nước mặn đã bao phủ gần hết tuyến sông Tiền, chỉ có thể trừ điểm tại Mỹ Thuận.

Với tình hình như thế, tỉnh đã triển khai đắp các đập; các địa phương cũng chủ động đắp các đập, ô đê bao ngăn lũ, triều cường nhằm trữ nước. Điều quan trọng là khuyến cáo người dân nên thử nước trước khi tưới cho cây trồng. Bởi trên thực tế khi nước triều kém hoặc có thời điểm trong ngày nước có thể ngọt nên người dân tranh thủ lấy vào phục vụ sản xuất.

* PV: Dự báo bao giờ cao điểm mặn sẽ kết thúc?

* Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp: Theo các cơ quan dự báo, cao điểm mặn sẽ diễn ra từ nay đến cuối tháng 2-2020 và những ngày đầu tháng 3, sau đó độ mặn sẽ được cải thiện dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao nên cũng có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy, trong công tác phòng, chống hạn, mặn năm nay chúng tôi phải đảm bảo cho đến khi nước mặn rút khỏi TP. Mỹ Tho và cống Xuân Hòa (khi độ mặn dưới 1g/l) mới kết thúc mùa mặn. Theo tính toán, mùa hạn, mặn năm nay sẽ kết thúc vào cuối tháng 4.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH (thực hiện)

.
.
.