Thứ Hai, 10/02/2020, 10:16 (GMT+7)
.
TỔNG GIÁM ĐỐC GODACO NGUYỄN VĂN ĐẠO:

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tăng cao

Dây chuyền sản xuất tại GODACO.
Dây chuyền sản xuất tại GODACO.

Thủy sản chế biến xuất khẩu cũng được xem là lĩnh vực chịu tác động do dịch bệnh nCoV. Trao đổi cụ thể về những tác động này, chiều 7-2, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) Nguyễn Văn Đạo  cho biết:

Sau Tết Nguyên đán 2020, tương tự các năm, doanh nghiệp, công nhân bắt đầu chu kỳ sản xuất mới với khí thế phấn khởi. Tuy nhiên, dịch bệnh nCoV xuất hiện ở một số vùng nên cũng ảnh hưởng một phần đến tốc độ xuất hàng của các doanh nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, trong đó có GODACO.

 

* Phóng viên (PV): Ông có thể đánh giá những tác động cụ thể?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Đến thời điểm hiện tại, giá một số ngành hàng nông sản có xu hướng giảm nhưng thông tin giảm giá đối với mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu là chưa có, hiện chỉ có thông tin là tốc độ xuất khẩu chậm lại.

Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp vận tải, sản xuất của thị trường Trung Quốc chưa bắt đầu làm việc trở lại nên tốc độ xuất khẩu thủy sản có thể chậm hơn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, với sự tập trung của Chính phủ và người dân Trung Quốc cũng như sự tập trung của các nước xung quanh để dập dịch, tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ sớm trở lại nhịp độ bình thường.

Các doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng sau đợt dịch kết thúc sẽ có bước phát triển cao hơn mức bình thường do nhu cầu của khách hàng hiện rất lớn và đang chờ đợi hàng thủy sản của Việt Nam.

* PV: Riêng đối với hoạt động của GODACO ra sao?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Cũng như các năm trước, mùng 6 tết GODACO bắt đầu hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ tết và tiến hành sản xuất bình thường, chỉ có điều sản phẩm sản xuất ra công ty phải chấp nhận trữ ở kho một thời gian và chờ đến khi có thông báo nhận hàng từ đối tác của Trung Quốc.

* PV: Như vậy, ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2020?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Tốc độ tăng trưởng quý 1 của ngành Thủy sản có thể bị ảnh hưởng, nhưng còn đến 3 quý còn lại với hy vọng tốc độ mua hàng tốt hơn sẽ bù lại được những phần tổn thất trong quý I-2020. Các doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu cũng rất kỳ vọng sẽ đạt được tất cả các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2020..

* PV: Đây cũng là dịp để nhìn nhận lại cơ cấu thị trường, không nên quá phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, thưa ông?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Hiện nay, hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phần lớn sang thị trường Trung Quốc do đây là thị trường lớn, sức tiêu thụ rất cao nhờ vào dân số đông và thuận tiện về mặt điều kiện địa lý với Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, nếu chỉ tập trung vào một vài thị trường tiêu thụ khi có sự cố xảy ra chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhất định, chẳng hạn như trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra như hiện nay.

Đây là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc tính toán cơ cấu thị trường tiêu thụ và hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, phân bổ thị trường một cách hợp lý hơn. Thật ra, đối với ngành thủy sản xuất khẩu, thị trường tiêu thụ cũng đã được các doanh nghiệp phân bổ một cách cơ bản.

Chẳng hạn đối với mặt hàng cá, các doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu được khoảng 250 quốc gia, riêng sản phẩm của GODACO cũng có mặt trên 70 thị trường khác nhau. Do vậy, trong thời điểm hiện nay chỉ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng do tác động dịch bệnh, còn các thị trường tiêu thụ khác vẫn được doanh nghiệp xuất khẩu bình thường…

* PV: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.