Thứ Tư, 06/05/2020, 19:54 (GMT+7)
.
TRƯỞNG PHÒNG NGHIỆP VỤ VÀ TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN - CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH ĐINH NGỌC ON:

Những quy định mới, gỡ vướng cho công tác thi hành án dân sự

Từ ngày 1-5, Nghị định 33 ngày 17-3-2020 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 33) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015 (gọi tắt là Nghị định 62) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án (THA) dân sự sẽ có hiệu lực.

Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án - Cục THADS tỉnh Đinh Ngọc On một số vấn đề xung quanh nghị định này.

* PV: Thời gian qua, công tác THA dân sự trên địa bàn tỉnh có gặp khó khăn nào không thưa đồng chí?

 

* Đồng chí Đinh Ngọc On: Tiền Giang là 1 trong 10 đơn vị trong cả nước có lượng án phải thi hành cao. Thời gian qua, công tác THA dân sự trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp); việc thụ lý, ra quyết định THA đảm bảo đúng quy định của pháp luật; công tác phân loại án được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kết quả phân loại tương đối chính xác; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quán triệt và thực hiện nghiêm túc.

Tính từ tháng 10-2019 đến tháng 3-2020, lượng việc phải thi hành trên 17.000 việc, với tổng số tiền phải thi hành trên 1.811 tỷ đồng; tính bình quân hàng năm mỗi chấp hành viên phải tổ chức thi hành trên 350 việc, với số tiền trên 33 tỷ đồng. Do đó, chấp hành viên cần thường xuyên tiếp cận cơ sở mới hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, trong khi đó biên chế được giao có hạn và phải tinh giản theo chủ trương chung.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền ở địa phương; sự phối hợp hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, kết hợp với sự kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Cục THA dân sự tỉnh và sự nỗ lực của từng cán bộ, công chức, viên chức ngành nên công tác THA dân sự trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, hằng năm luôn hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

* PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc của ngành?

* Đồng chí Đinh Ngọc On: Cùng với những khó khăn chung của toàn ngành, công tác THA dân sự trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số khó khăn như: Tài sản kê biên có tranh chấp, tòa án thụ lý giải quyết với thời gian kéo dài chưa có kết quả giải quyết; quyền sử dụng đất (QSDĐ) đảm bảo THA có gắn mồ mả; đất trong vùng sâu, vùng xa không có lối đi hoặc phải đi qua nhiều hộ khác, dẫn đến không thể kê biên hoặc đã kê biên nhưng đấu giá nhiều lần không có người đăng ký tham gia trả giá....

Liên quan đến Nghị định 62, công tác THA dân sự trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn, vướng mắc cơ bản như: Chấp hành viên chưa mạnh dạn, chủ động xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung để kê biên, đặc biệt là QSDĐ cấp cho hộ gia đình do luật chưa quy định cụ thể về độ tuổi được sử dụng đất, thời điểm để xác định thành viên hộ gia đình, công sức đóng góp của từng thành viên và giá trị QSDĐ đất còn phụ thuộc nhiều yếu tố như vị trí, mục đích sử dụng..., trong khi đó chấp hành viên lại không có chuyên môn để xác định.

Bên cạnh đó, việc kê biên, xử lý tài sản chuyển dịch sau thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như trường hợp kê biên, xử lý QSDĐ đất gắn liền nhà ở do thời điểm hoàn thành việc chuyển dịch được xác định khác nhau giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai khiến chấp hành viên túng túng khi xác định thời điểm chuyển dịch để làm cơ sở tiến hành kê biên xử lý tài sản để THA.

* PV: Nghị định 33 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62 có hiệu lực thi hành sẽ tháo gỡ khó khăn như thế nào cho công tác THA dân sự, thưa đồng chí.

* Đồng chí Đinh Ngọc On: Nghị định 33 sửa đổi, bổ sung 18/85 điều của Nghị định 62 là văn bản quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục THA và tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, giúp khắc phục các bất cập hiện nay, như việc xác định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu THA đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước và việc chủ động ra quyết định THA đối với khoản tiền bồi thường cho cơ quan, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; hướng dẫn, quy định cụ thể việc lập sổ theo dõi riêng, thống kê riêng các trường hợp đương sự chưa có điều kiện thi hành, giúp cơ quan THA phân loại hồ sơ, tổ chức việc THA đạt hiệu quả...

Ngoài ra, Nghị định cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các thủ tục về THA theo hướng cụ thể hóa từng thủ tục, giúp các cơ quan THA dân sự và chấp hành viên áp dụng thống nhất.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

VĂN THẢO (thực hiện)

.
.
.