Thứ Hai, 07/09/2020, 10:03 (GMT+7)
.

Triển khai các giải pháp tạo đột phá cho huyện Gò Công Tây

Những năm qua, Gò Công Tây là một trong những huyện được tỉnh đánh giá cao trong phát triển kinh tế - xã hội. Song, lãnh đạo huyện không hài lòng với kết quả ấy và quyết tâm tạo đột phá cho địa phương trong thời gian tới. Nói về kết quả chỉ đạo, điều hành của UBND huyện trong thời gian qua, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình cho biết:

Có thể nói, kết quả nổi bật của huyện trước hết là đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” gắn với xây dựng nông thôn mới và Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Gò Công Tây hằng năm”.

Từ 2 đề án này, huyện đã hình thành 2 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp: Bắc Quốc lộ 50 đã chuyển đổi nhanh và thành công cây thanh long, luân canh cây màu dưới chân ruộng; phía Nam Quốc lộ 50 sản xuất lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao, một số xã đã tập trung vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang dừa cao sản, dừa Xiêm, bưởi da xanh, mãng cầu Xiêm, thanh long… và một số xã chuyển sang cây màu chuyên canh.

Kết quả lũy kế đến cuối năm 2020, huyện chuyển đổi cây lúa sang cây lâu năm, màu chuyên canh và màu luân canh trên 8.300 ha; tập trung trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao. Qua đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đó.

Dấu ấn nổi bật nữa là huyện đã thực hiện và đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm như: Thi công hoàn thành đường tỉnh 872B, đường Nguyễn Thị Bảy, đường huyện 16, đường Lộ Đình (xã Thạnh Trị - Thành Công), đường huyện 13 và cầu Bình Tân trên đường tỉnh 877, đoạn thuộc xã Bình Tân...

Về xây dựng cơ bản giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã đầu tư 458 công trình, với tổng kinh phí trên 660,65 tỷ đồng. Đồng thời, từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, huyện, xã và nguồn vận động đóng góp từ cộng đồng dân cư, trên địa bàn huyện đã nâng cấp, mở rộng 199 công trình đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 197 km, với tổng kinh phí trên 238,7 tỷ đồng; xây dựng mới 22 cầu giao thông nông thôn, với kinh phí thực hiện 14,45 tỷ đồng; duy tu các công trình đường huyện đã xuống cấp với tổng kinh phí 28,3 tỷ đồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Đến cuối năm 2020, toàn huyện đã có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng gấp 2 lần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 là 1,99%; thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 55 triệu đồng/năm, tăng 2,19 lần so với năm 2015.

* Phóng viên (PV): Một số ý kiến cho rằng, nhiều năm qua, kinh tế, đời sống người dân của huyện có nâng lên, nhưng bộ mặt đô thị vẫn chưa có nhiều đổi mới. Đồng chí nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

* Đồng chí Huỳnh Thanh Bình: Huyện Gò Công Tây có 13 đơn vị hành chính (12 xã và 1 thị trấn), trong đó thị trấn Vĩnh Bình là đô thị trung tâm, là đầu tàu để tạo động lực phát triển kinh tế của huyện. Thời gian qua, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật để tạo động lực phát triển kinh tế của huyện nói chung và đô thị Vĩnh Bình nói riêng như: Đường Nguyễn Thị Bảy, đường Nguyễn Hữu Trí, đường số 2 (đường Khối vận), các tuyến giao thông đầu nối các khu phố trong đô thị Vĩnh Bình và các công trình phục vụ cho nhân dân như: Bệnh viện, trường học và các cơ quan hành chính… Đồng thời, nâng cấp công viên Nguyễn Văn Côn, vỉa hè, đèn chiếu sáng đường Nguyễn Văn Côn, đầu tư các đèn trang trí trên các tuyến đường trong khu vực nội ô thị trấn, nâng cấp bờ kè sông Vàm Giồng…

Một dây chuyền may ba lô, túi xách tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại GLOVIS (xã Bình Nhì).
Một dây chuyền may ba lô, túi xách tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại GLOVIS (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây).

Dù vậy, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển độ thị của huyện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính như: Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch và quản lý kiến trúc đô thị Vĩnh Bình chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng xây dựng không xin phép, xây dựng không đúng quy hoạch vẫn còn diễn ra; thiếu nguồn kinh phí để xây dựng các dự án hạ tầng mang tính đột phá và tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế địa phương...

Vấn đề này lãnh đạo huyện cũng đã nắm và đang triển khai các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm kiến tạo cho thị trấn Vĩnh Bình nói riêng và huyện Gò Công Tây nói chung một diện mạo mới, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

* PV: Xin đồng chí cho biết những giải pháp cụ thể hóa các gợi ý của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhằm tạo đột phá cho huyện trong thời gian tới?

* Đồng chí Huỳnh Thanh Bình: Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ngành tỉnh đã đến làm việc với lãnh đạo huyện và đã gợi mở cho lãnh đạo huyện nhiều ý tưởng cũng như giải pháp để tạo đột phá trong thời gian tới. Cụ thể hóa các gợi ý, định hướng trên, lãnh đạo huyện đã đưa các ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh vào Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã và đang tập trung toàn diện các giải pháp để thực hiện hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, huyện tập trung quy hoạch từng khu vực sản xuất, sử dụng các giống lúa có chất lượng cao, giống đặc sản gắn với nhãn hiệu gạo Gò Công và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị hạt gạo; tiếp tục vận động nhân dân đưa cây màu xuống chân ruộng theo hình thức luân canh hoặc xen canh; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn trên nền đất lúa sản xuất kém hiệu quả.

Cùng với đó là ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho từng mặt hàng nông sản. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có điều kiện sản xuất chuyển sang mô hình kinh tế trang trại.

Bên cạnh đó là làm tốt công tác xúc tiến, tiếp thị, quảng bá hình ảnh, thế mạnh của địa phương để mời gọi đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Long Bình; tiếp tục mời gọi xây dựng nhà máy may tại xã Thạnh Nhựt, xã Thạnh Trị..., các khu sản xuất, kinh doanh theo tuyến giao thông chính được quy hoạch; lập quy hoạch chi tiết 1/500 Cụm công nghiệp Đồng Sơn, Vĩnh Hựu; chủ động liên kết với các doanh nghiệp, chuỗi liên kết ở các thành phố lớn để đẩy mạnh việc thu mua hàng hóa nông, thủy sản cho người sản xuất...

Một trong những lưu ý của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đối với huyện Gò Công Tây là cần tập trung phát triển hệ thống giao thông, đấu nối từ các huyện, thị lân cận với thị trấn Vĩnh Bình tạo lực thu hút đầu tư phục vụ phát triển công nghiệp - nông nghiệp chế biến.

Trước mắt, huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với một số công trình trọng điểm, nhất là các trục kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 50, đường tỉnh 872B, đường tỉnh  877 - Trục ven sông Cửa Tiểu (trong tương lai), đường tỉnh 873..., đặc biệt là hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt; nâng cao chất lượng quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trên nguyên tắc phải đầu tư đồng bộ, tránh dàn trải, kết hợp vừa đầu tư mới, vừa chỉnh trang, duy tu để sử dụng có hiệu quả hạ tầng kỹ thuật hiện có.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀI THU (thực hiện)

.
.
.