Thứ Sáu, 26/02/2021, 11:00 (GMT+7)
.

Ngành Y tế Tiền Giang tự hào về những đóng góp cho xã hội

Sở Y tế Tiền Giang đã phát thông báo dừng các hoạt động chúc mừng nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 để tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Đây là năm thứ hai liên tiếp y, bác sĩ và nhân viên y tế tại Tiền Giang hoãn hoạt động tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam để tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Dịp này, Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế đã có trao đổi với Báo Ấp Bắc về sự phát triển và nỗ lực của ngành trong năm qua.

* Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết, nguồn nhân lực của ngành Y tế tỉnh nhà được nâng cao chất lượng như thế nào để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân?

* BSCKII Trần Thanh Thảo: Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nguồn nhân lực của ngành Y tế tỉnh nhà đáp ứng việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật y tế  vào phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật hiện đại phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng dân số trong cộng đồng.

Đến nay, toàn ngành Y tế Tiền Giang có 5.542 cán bộ y tế, trong đó có 8 tiến sĩ, 71 thạc sĩ, 85 BSCKII, 443 bác sĩ chuyên khoa I, 762 bác sĩ, 278 dược sĩ; đạt 7 bác sĩ/vạn dân, 1,4 dược sĩ/vạn dân, tỷ lệ bác sĩ điều dưỡng đạt 1,25; 100% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Với nguồn nhân lực tuy còn khiêm tốn (đứng hàng thứ 3 trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đứng mức trung bình so với mặt bằng cả nước) nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hợp tác y tế trong và ngoài nước, xã hội hóa công tác y tế, ngành Y tế Tiền Giang đã không ngừng nâng cao chất lượng, triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Ngành Y tế Tiền Giang đã có những đóng góp cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. (ảnh: Triển khai can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang lần đầu tiên trong năm 2020).
Ngành Y tế Tiền Giang đã có những đóng góp cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. (ảnh: Triển khai can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang lần đầu tiên trong năm 2020).

* PV: Năm 2020 là năm diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, ngành Y tế tỉnh nhà đã nỗ lực như thế nào để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, thưa bác sĩ?

* BSCKII Trần Thanh Thảo: Năm 2020 là năm mà các “chiến sĩ áo trắng”, nhất là những người trực tiếp phòng, chống đại dịch Covid-19 đã phải nỗ lực, dấn thân rất nhiều cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Năm qua, với tinh thần làm việc không mệt mỏi, không ngừng nỗ lực, cống hiến, đội ngũ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở cách ly y tế, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh đã tận tâm hết mình vì một Việt Nam an toàn trước đại dịch.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 đều là người nhập cảnh và đã được điều trị khỏi bệnh. Tỉnh đã tổ chức 13 đợt cách ly tập trung với gần 3.100 công dân về từ nước ngoài; theo dõi cách ly tại nhà 1.775 người. Đồng thời, ngành đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh Tiền Giang, tổ chức tập huấn công tác điều trị, chăm sóc và kiểm soát nhiễm khuẩn cho toàn bộ cán bộ y tế trong ngành; kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống Covid-19 tại các đơn vị trực thuộc...

* PV: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, bác sĩ có nhắn gửi gì đối với tập thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế tỉnh nhà?

* BSCKII Trần Thanh Thảo: Mặc dù không tổ chức kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế vẫn rất tự hào về những đóng góp cho xã hội trong thời gian qua. Phát huy những kết quả đạt được, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Y tế Tiền Giang sẽ tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuy vất vả nhưng vô cùng vẻ vang cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Toàn ngành Y tế tỉnh nhà tiếp tục công tác phòng, chống dịch, nhất là dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Theo đó, các cơ sở y tế phải bảo đảm điều kiện, nguồn lực, năng lực, cố gắng hết mức để không xảy ra ca dương tính Covid-19 trong các cơ sở y tế và trong cộng đồng, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải chú ý đến phòng, chống các loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A H1N1, H5N1, Ebola, HIV/AIDS, lao, phong, sốt rét, tiêu chảy, viêm nhiễm đường hô hấp…, không để tình trạng dịch chồng dịch.

Nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Triển khai thêm các kỹ thuật mới, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật về y học để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị. Hoàn thành các chương trình mục tiêu y tế - dân số như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống các bệnh lao, phong, sốt rét; quản lý các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư…); chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, chương trình dân số...

Thời gian qua, ngành Y tế Tiền Giang đã cải thiện rất nhiều về y đức và thời gian tới vẫn phải quan tâm tiếp tục thực hiện 12 điều Y đức, 10 điều Dược đức; nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức y tế; thay đổi phong cách, thái độ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức y tế đối với người bệnh và thân nhân người bệnh.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.