Thứ Tư, 15/12/2021, 14:37 (GMT+7)
.
LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH TIỀN GIANG:

Quy tụ, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ

Nhiệm kỳ qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Liên hiệp Hội) đã thực hiện tốt vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ (KH-CN) của tỉnh; tăng cường mối quan hệ giữa trí thức với Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh. Nhân Đại hội đại biểu Liên hiệp Hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên hiệp Hội.

* Phóng viên (PV): Tiến sĩ đánh giá khái quát về việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Liên hiệp Hội nhiệm kỳ III (2016 - 2021)?

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang: Nhiệm kỳ qua, Liên hiệp Hội đã tập trung củng cố và phát triển về tổ chức. Đến nay, hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội gồm có 28 Hội thành viên và 17 thành viên liên kết với hơn 460 ngàn hội viên. Trong số các Hội thành viên, nhiều Hội có hệ thống hoạt động từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị trường học như: Hội Khuyến học, Hội Luật gia, Hội Làm vườn, Hội Đông y, Hội Sinh vật cảnh, Hội Châm cứu, Hội Cựu giáo chức.

Đồng thời, Liên hiệp Hội tiến hành sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Đề án 02 của Tỉnh ủy. Theo đó, đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là đã quy tụ đội ngũ trí thức, đóng góp, hiến kế trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh thông qua tổ chức các cuộc hội thảo khoa học...

Liên hiệp Hội nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước (ảnh chụp năm 2018.)
Liên hiệp Hội nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước (ảnh chụp năm 2018).

Ngoài ra, Liên hiệp Hội đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức vinh danh 2 phó giáo sư, 28 tiến sĩ và tôn vinh 16 trí thức KH-CN tiêu biểu (riêng năm 2020 và 2021 không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19)... tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy vai trò của mình, đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của tỉnh nhà.

* PV: Đâu là nét nổi bật trong kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ vừa qua, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang: Có thể nói nhiệm kỳ qua, việc tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức KH-CN là nhiệm vụ bao trùm của Liên hiệp Hội thông qua các hình thức: Tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức KH-CN, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật... Các hoạt động này được duy trì thường xuyên, liên tục.

Nét nổi bật tiếp theo của Liên hiệp Hội là đã quy tụ đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành ở trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp, hiến kế trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh thông qua tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, phổ biến kiến thức KH-CN trên quyển thông tin Khoa học - Kỹ thuật và trang tin điện tử, thành lập Hội đồng phản biện độc lập đối với các chương trình, dự án lớn của tỉnh.

Cụ thể, Liên hiệp Hội phối hợp các sở, ngành, các Hội thành viên tổ chức 17 cuộc hội thảo khoa học; trong đó, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Chuyển dịch năng lượng công bằng, từ nghiên cứu đến thực tiễn” với sự tham dự của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật 8 tỉnh, thành khu vực phía Nam cùng các chuyên gia, diễn giả đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, Nam Phi, Trường Đại học Cần Thơ… Qua đó, đề xuất nhiều giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn tại địa phương, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh đánh giá cao.

Liên hiệp Hội đã xuất bản quyển Thông tin Khoa học - Kỹ thuật, với trên 11.000 quyển, được phát hành đến lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành; các cơ quan, ban, ngành tỉnh, huyện và 172 Trung tâm học tập cộng đồng trong toàn tỉnh. Nội dung và hình thức không ngừng được cải tiến, thường xuyên cập nhật kiến thức mới về lĩnh vực KH-CN, thông tin về hoạt động của Liên hiệp Hội và các đơn vị thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội.

Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội còn phối hợp với Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và  Truyền hình tỉnh cùng chính quyền địa phương tổ chức trình diễn, giới thiệu các giải pháp, sản phẩm đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, các gương điển hình sáng tạo với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng chế hữu ích cũng như có công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường.

Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội cũng đã tổ chức 3 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thu hút 440 giải pháp sáng tạo đăng ký dự thi và có 129 giải pháp được trao giải cấp tỉnh, 5 giải pháp đoạt giải Khuyến khích toàn quốc; 5 lần tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng thu hút 771 mô hình, sản phẩm dự thi, với 217 sản phẩm đoạt giải cấp tỉnh và 10 sản phẩm đạt giải toàn quốc (3 giải Ba và 7 giải Khuyến khích); chủ trì xét chọn 40 công trình tham gia Giải thưởng Sáng tạo KH-CN Việt Nam (có 5 công trình được trao giải: 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích...). Qua các hội thi, cuộc thi, nhiều công trình đoạt giải đã được ứng dụng và nhân rộng vào thực tế sản xuất, đời sống.

* PV: Qua một nhiệm kỳ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Tiến sĩ rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Liên hiệp Hội trong thời gian tới?

* Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang: Liên hiệp Hội đã tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, những khó khăn, vướng mắc của Liên hiệp Hội được hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển tổ chức Liên hiệp Hội ngày càng vững mạnh, từng thành viên của Liên hiệp Hội phải vững mạnh. Do đó, Liên hiệp Hội phải không ngừng quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cùng với đó, cần phát huy tốt hơn nữa chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức KH-CN trong và ngoài tỉnh, nhất là các chuyên gia đầu ngành đóng góp tài năng, trí tuệ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, tư vấn, phản biện, giám định xã hội các đề án, dự án lớn của tỉnh.

Đồng thời, cần thực hiện tốt chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút trí thức có trình độ cao, trí thức trẻ tham gia hiến kế, đóng góp tài năng, trí tuệ vào quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Ngoài ra, Liên hiệp Hội cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ngành liên quan, nhất là các đơn vị đã ký kết chương trình phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm được giao.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

TUẤN LÂM - HOÀI THU (thực hiện)

 

.
.
.