Thứ Sáu, 02/09/2022, 10:19 (GMT+7)
.

Phó Giám đốc Công an Tiền Giang Nguyễn Văn Lộc: Người dân cảnh giác "tín dụng đen - cho vay lãi nặng"

“Tín dụng đen” là hình thức cho vay trái pháp luật ngoài hệ thống tín dụng, ngân hàng. Hình thức hoạt động này là giao dịch ngầm, giao nhận tài sản và tiền lãi ẩn giấu qua nhiều thủ đoạn, sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ không được chứng thực, cho vay với lãi suất rất cao. Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã có những chia sẻ về hành vi, thủ đoạn và cách phòng tránh đối với loại tội phạm trên với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc.

* PV:   Đại tá đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh?  

* Đại tá Nguyễn Văn Lộc: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có dấu hiệu “khép kín”, hoạt động rất tinh vi, biến tướng, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Bảng dán “hỗ trợ tài chính” kèm số điện thoại dán rải rác khắp nơi.
Bảng dán “hỗ trợ tài chính” kèm số điện thoại dán rải rác khắp nơi.

Đặc biệt, “tín dụng đen” kéo theo hệ quả là sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan, như: Cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, tàng trữ vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các hành vi đe dọa, khủng bố.

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường có tiền án, tiền sự, hình thành các băng nhóm tội phạm, hoạt động phạm tội liên quan đến cờ bạc, cho vay lãi nặng với nhiều hình thức khác nhau; khi các con nợ chưa trả tiền đúng hẹn hoặc không có khả năng chi trả, bọn chúng sẵn sàng sử dụng bạo lực để đe dọa, khủng bố tinh thần, đánh người, xiết nợ và thực hiện các hành vi phạm tội khác.

Tuy nhiên, việc xử lý tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” cũng gặp khó khăn, do số đối tượng dùng các thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự và hình sự; nếu không thận trọng, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự. Bên cạnh đó, chế tài xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quá nhẹ (hình phạt cao nhất là 3 năm tù) chưa đủ sức răn đe.

Dự báo tình hình hoạt động “tín dụng đen” có khả năng chuyển biến phức tạp, gia tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới khó phát hiện, gây khó khăn trong thu thập chứng cứ, tài liệu phục vụ đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm. Sau khi nhiều đối tượng bị khởi tố, điều tra theo Điều 201 Bộ luật Hình sự, các đối tượng sẽ có nhiều thủ đoạn hoạt động mới nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của pháp luật.

* PV:  Đại tá có thể cho biết một số phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này?

* Đại tá Nguyễn Văn Lộc: Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa phát hiện tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia nhưng đã phát hiện một số đối tượng ngoài tỉnh cấu kết với các đối tượng trong tỉnh hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn như: Rải tờ rơi, đặt biển quảng cáo, gửi quảng cáo qua tin nhắn, mạng xã hội về việc cho vay tiền thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, nhưng lãi suất cao, thậm chí rất cao... Phạm vi hoạt động rộng không chỉ ở thành thị, mà còn len lỏi đến các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cụ thể, một số đối tượng thành lập các tổ chức kinh doanh (công ty tài chính, cầm đồ, mua bán xe…) hoạt động cho vay tín dụng núp bóng dưới hình thức làm hợp đồng mua bán xe, cho thuê lại xe và mua bán đất đai nhằm hợp thức hóa hồ sơ, tài liệu gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc chứng minh hoạt động cho vay lãi nặng.

Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều ứng dụng cho vay nhanh trực tuyến, không cần thế chấp, do người Việt Nam hoặc người nước ngoài sử dụng các website, ứng dụng điện thoại di động để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục vay đơn giản, người vay tiền cung cấp ảnh, Chứng minh nhân dân hoặc Giấy phép lái xe và Sổ hộ khẩu cùng số tài khoản ngân hàng.

Công an Tiền Giang đã triệt xóa 5 tổ chức kinh doanh với 9 đối tượng (8 đối tượng ngoài tỉnh) là nhân viên tại các tổ chức kinh doanh này có biểu hiện hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, lực lượng Công an áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, triệt xóa được 204 đối tượng, xử lý 56 đối tượng liên quan “tín dụng đen”; trong đó 1 đối tượng truy nã về tội Cố ý gây thương tích, 9 đối tượng bị khởi tố.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an phối hợp với các ngành, đoàn thể thành lập các đoàn công tác, kiểm tra được 449 cơ sở kinh doanh với 731 lượt kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 cơ sở vi phạm (huyện Cai Lậy) và 3 cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính (TP. Mỹ Tho). Đồng thời, tổ chức ra quân tháo gỡ 1.775 tờ pa nô, áp phích quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen”.

Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của người vay. Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ (tiền lãi suất và phí cao vượt nhiều so với lãi suất pháp luật quy định).

Khi người vay không có khả năng chi trả sẽ bị các đối tượng đe dọa đòi nợ, gọi điện thoại cho bạn bè, người thân của người vay, hoặc có thể bị làm nhục, bịa đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thông qua việc ghép ảnh nhạy cảm và tung lên mạng xã hội… nhằm khủng bố tinh thần người vay để đòi nợ, dẫn đến người vay suy nghĩ tiêu cực (tự tử, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như cướp tài sản, trộm cắp tài sản… để lấy tiền trả nợ).

Tình trạng các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và lòng tham của một bộ phận người dân để huy động vốn với lãi suất cao nhằm mục đích lừa đảo với số tiền rất lớn dưới các hình thức như: Huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, kinh doanh tiền ảo, tham gia họ, hụi…
còn diễn ra.

* PV: Nguyên nhân vì sao người dân lại tìm đến “tín dụng đen”, thưa Đại tá?

* Đại tá Nguyễn Văn Lộc: Thực tế cho thấy, người dân “dính bẫy” do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu vay vốn trong nhân dân rất lớn. Người dân cần vay vốn để sản xuất, kinh doanh, giải quyết công việc đột xuất, trả nợ vay nóng, một số đối tượng dùng để đánh bạc...

Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp và người dân nào cũng dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp; trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn “tín dụng đen” ngoài xã hội quá dễ dàng, thủ tục vay đơn giản; người có nhu cầu vay chỉ cần Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, thẻ ATM… đã có thể vay tiền nhanh chóng, mặc dù biết rõ mức lãi suất cao nhưng do túng quẫn nên họ chấp nhận vay.

* PV: Thực tế “tín dụng đen” gây mất an ninh trật tự kéo dài nhiều năm nay, lực lượng Công an Tiền Giang đã làm gì và giải pháp để trấn áp, thưa Đại tá?

* Đại tá Nguyễn Văn Lộc: Trước tình hình trên, Công an Tiền Giang chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, tổ chức các biện pháp trấn áp mạnh mẽ tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”; đặc biệt, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra, xác minh, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành có liên quan thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, toàn dân trong giải quyết các loại tội phạm này.

Các ngành, các cấp, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen” nhằm nâng cao ý thức của người dân về “tín dụng đen”, bẫy “tín dụng đen”, nhất là hệ lụy của nó gây ra.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh sẽ đề xuất Bộ Công an kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay theo hướng chặt chẽ hơn; quy định chế tài xử lý hình sự, hành chính nghiêm khắc hơn để tạo sức răn đe.

Qua đây, đơn vị cũng đề nghị các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Công an tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp bóng vỏ bọc “công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính”; đẩy mạnh các giải pháp phối hợp trong thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”.

Ngân hàng, tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay một cách thuận lợi hơn, cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều hình thức cho vay nhỏ, ngắn hạn, thực hiện tín dụng chính sách gắn với chương trình xóa khó, giảm nghèo...

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

HOÀNG LONG

.
.
Liên kết hữu ích
.