Thứ Tư, 11/01/2023, 17:34 (GMT+7)
.

Tháo gỡ nhiều khó khăn cho lĩnh vực y tế

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nhiều nội dung thuộc lĩnh vực y tế như đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30 ngày 28-7-2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 30); đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30; thảo luận dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Xoay quanh các nội dung này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Y tế, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang.

* PV: Đại biểu đánh giá việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 30 trong thời gian qua như thế nào?

* Đại biểu Nguyễn Văn Dương: Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay đã phát sinh một số nội dung chưa phù hợp cần xem xét sửa đổi.

Cụ thể, mục 3 Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2022, trong khi một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán.

Theo Tờ trình 494 của Chính phủ, 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc chi trả kinh phí cho một số hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang triển khai, chưa hoàn thành như: Chi chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch Covid-19 là 116 tỷ đồng, kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 1.926 tỷ đồng; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 khoảng 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc thanh toán bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 cũng chưa hoàn thành. Đối với người bệnh Covid-19, nhiều trường hợp không bóc tách được chi phí điều trị Covid-19 và các bệnh khác do người bệnh cũng đồng thời mắc một số bệnh khác hoặc việc mắc Covid-19 làm phát sinh hoặc tăng nặng tình trạng của các bệnh khác… Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện một số chính sách của Nghị quyết 30 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 là cần thiết để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc trong thực tiễn phòng, chống dịch của đơn vị, địa phương.

* PV: Tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội cũng thảo luận việc cho phép tiếp tục sử dụng Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, đại biểu có ý kiến gì về vấn đề này?

* Đại biểu Nguyễn Văn Dương: Luật Dược 2016 quy định Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp; khi hết hạn, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện việc gia hạn Giấy phép đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài nên việc chuẩn bị hồ sơ của DN bị kéo dài; nhiều giấy tờ pháp lý phải nộp như Giấy chứng nhận GMP, GDP…, Giấy phép sản xuất kinh doanh của DN chưa được cấp mới, cấp lại do cơ quan quản lý tại các nước trên thế giới cũng như Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không kịp thời tổ chức kiểm tra, đánh giá.

Điều này dẫn tới tình trạng gián đoạn sản xuất, lưu hành và cung ứng thuốc do thuốc hết hạn Giấy đăng ký lưu hành mà chưa được cấp lại hoặc gia hạn Giấy đăng ký lưu hành vì DN phải chờ hoàn thiện các hồ sơ tài liệu này.

Dự kiến đến ngày 31-12-2023, Bộ Y tế sẽ xem xét gia hạn được khoảng 5.000 hồ sơ trên tổng số 10.304 thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cho phép tiếp tục sử dụng Giấy đăng ký lưu hành theo Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15.

Như vậy, sẽ có trên 5.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong số 10.304 thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cho phép tiếp tục sử dụng Giấy đăng ký lưu hành sẽ hết hiệu lực Giấy đăng ký lưu hành đồng thời cùng một thời điểm ngày 1-1-2023 (chiếm gần 25% tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực trên thị trường hiện nay).

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, thiếu thuốc cục bộ đối với một số thuốc chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược 2016. Ngoài ra, Bộ Y tế phải tiếp tục thực hiện gia hạn cho khoảng 3.800 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ hết hiệu lực Giấy đăng ký lưu hành trong năm 2023 và khoảng 3.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ hết hiệu lực Giấy đăng ký lưu hành trong năm 2024.

Với nguồn nhân lực hiện có, Bộ Y tế có thể giải quyết tối đa được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn/năm theo quy định tại Luật Dược 2016, như vậy để giải quyết toàn bộ các hồ sơ gia hạn theo quy định tại Luật Dược 2016 gặp khó khăn. Do đó việc xem xét để cho gia hạn đăng ký lưu hành đối với những thuốc không có sự thay đổi và không có vi phạm chất lượng trong thời gian lưu hành trước đây là cần thiết. Bên cạnh đó, cần sửa Luật Dược 2016 để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho quản lý nhà nước về dược cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh dược bảo đảm cung ứng đủ thuốc chất lượng cho người bệnh.

Đồng thời, sửa đổi các quy định liên quan đến đăng ký thuốc: Đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc, giảm bớt các khâu trung gian. Bổ sung các quy định về điều kiện đăng ký lưu hành thuốc trong trường hợp cấp bách làm cơ sở để thực hiện trong trường hợp cần thiết để đáp ứng tính kịp thời nếu như có dịch xảy ra tương tự…

* PV: ĐBQH vừa thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với tỷ lệ đại biểu đồng tình cao, theo đại biểu, dự án luật sửa đổi lần này có ý nghĩa như thế nào và tháo gỡ được những khó khăn căn cơ gì?

* Đại biểu Nguyễn Văn Dương: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua lần này là có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của nhân dân, sự ổn định, phát triển của đất nước. Điều này thể hiện ở sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng từ quá trình soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, thẩm tra, thảo luận qua 3 kỳ họp Quốc hội, cùng với sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Tôi quan tâm đến 2 vấn đề là Giấy phép hành nghề và giá khám, chữa bệnh (KCB). Vấn đề này ngành Y tế các địa phương và cử tri rất quan tâm qua mỗi lần ĐBQH tiếp xúc. Đối với Giấy phép hành nghề, theo quy định tại Điều 27 mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 Giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc; Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.

Để được cấp Giấy phép hành nghề, người hành nghề KCB (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng) phải đạt trong kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề (Điều 24) do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì tổ chức kiểm tra (Điều 25) và có đủ sức khỏe để hành nghề.

Dự kiến sẽ thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực với chức danh bác sĩ từ năm 2029 và đối với các chức danh khác từ năm 2032. Điều này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Y, đảm bảo lực lượng này liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng hành nghề, hạn chế sai sót xảy ra, giúp đội ngũ cán bộ y tế nâng cao trình độ, tiệm cận các tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Đối với giá KCB, đây là vấn đề khó và nhạy cảm ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh và cơ sở KCB. Hiện tại nhiều cơ sở KCB thực hiện tự chủ về tài chính nên luật cần quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ để cơ sở KCB có thể tồn tại, nâng cao đời sống của nhân viên y tế, đầu tư phát triển nhưng không làm tăng chi phí cho người dân.

Điều 110 quy định giá thành toàn bộ của dịch vụ KCB bao gồm: Chi phí nhân công, bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định; chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác...

Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 1-1-2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở KCB của Nhà nước như thể hiện tại khoản 9 Điều 120 của dự thảo Luật. Mong rằng khi Luật có hiệu lực sẽ tháo gỡ khó khăn về tài chính cho cơ sở KCB để nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân.

* PV: Xin cảm ơn đại biểu!

GIA TUỆ (thực hiện)

.
.
.