.
KỶ NIỆM 80 NĂM RA ĐỜI "ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM" (1943 - 2023)

Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm: Văn hóa thấm sâu vào tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội

Cập nhật: 09:13, 24/02/2023 (GMT+7)

Thực hiện Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (gọi tắt là Kết luận), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều kế hoạch đồng bộ. Qua hơn 1 năm thực hiện các kế hoạch, các lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Trên tinh thần đó, Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm cho biết:

Trong thời gian qua, ngành VH-TT&DL tỉnh thể hiện vai trò nòng cốt, trung tâm trong thực hiện Kết luận, đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, đề án để phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa... Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác gia đình và dân số tỉnh Tiền Giang. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành, thị xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án triển khai thực hiện trên địa bàn cấp huyện và cấp cơ sở.

* Phóng viên (PV): Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Kết luận, nhận thức của cấp ủy Đảng, sự quản lý nhà nước ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực?

* Đồng chí Nguyễn Đức Đảm: Qua quán triệt Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa trước mắt và lâu dài trong thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người; văn hóa phải ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng con người phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội.

* PV: Về công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước đã được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Đức Đảm: Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng các giải pháp: Cụ thể hóa thành các chính sách và phong trào thi đua yêu nước với hình thức, nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực; không dừng lại ở việc tuyên truyền, kêu gọi thông thường mà chỉ dẫn các hành động cụ thể; đẩy mạnh học tập suốt đời theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với việc làm hằng ngày của mỗi người dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua.

* PV: Từ khi triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã có sự chuyển biến tích cực, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Đức Đảm: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là phong trào lớn, ngày càng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của nhân dân thực hiện khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cho mỗi người dân, cho cộng đồng.

Biểu diễn văn nghệ tại Lễ Kỷ niệm 80 năm Nam kỳ khởi nghĩa.
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ Kỷ niệm 80 năm Nam kỳ khởi nghĩa.

Phong trào ngày càng phát triển bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực và thực sự thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 447.938/473.270 hộ đạt Gia đình văn hóa; 1.005 ấp, khu phố văn hóa; 166 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng được triển khai từ năm 2006, đến nay đã có 11/11 huyện, thành, thị trong tỉnh tổ chức thực hiện và đã công nhận 65 chợ văn hóa, 17 công viên văn hóa, 824 con đường văn hóa, 543 cơ sở thờ tự văn hóa. Cuộc vận động đã tạo nên cảnh quan môi trường khang trang ở một số nơi công cộng trên địa bàn tỉnh, từng bước tạo ý thức cho nhân dân về việc thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng.

Đặc biệt ở khu vực nông thôn, các cơ sở thờ tự được công nhận danh hiệu cơ sở thờ tự văn hóa, ngoài việc xây dựng những nếp ứng xử văn hóa trong giới chức sắc tôn giáo và người đến hành lễ, còn góp phần xây dựng môi trường tín ngưỡng lành mạnh, phòng, chống mê tín dị đoan. Mô hình cơ sở thờ tự văn hóa hiện nay đang có chiều hướng phát triển tốt và được nhiều chức sắc tôn giáo ở các địa phương trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng.

* PV: Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân. Trong thời gian qua, vấn đề này luôn được ngành Văn hóa đặc biệt quan tâm?

* Đồng chí Nguyễn Đức Đảm: Việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn Tiền Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, trình độ dân trí và mức hưởng thụ về văn hóa của nông dân, tỷ lệ nông dân tham gia hưởng ứng các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa nông thôn từng bước được nâng cao; việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, hòa thuận; đẩy lùi tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; hình thành các giá trị văn hóa mới ở nông thôn phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 139/142 Trung tâm Văn hóa - Thể thao  xã và 392 Nhà Văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định, với một số mô hình hoạt động có hiệu quả như Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử, CLB Dưỡng sinh, CLB Võ thuật…, thu hút nhiều người dân đến sinh hoạt, giao lưu, góp phần khơi dậy mạnh mẽ phong trào văn hóa - văn nghệ của tỉnh, hình thành nên một đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, diễn viên, nhạc công ở nhiều bộ môn nghệ thuật, kế thừa liên tục cho phong trào của tỉnh, cung cấp cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh nhiều hạt nhân văn nghệ giỏi nghề và tạo điều kiện cho nhân dân có nơi sinh hoạt, hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh.

Với phương châm nhanh nhạy, kịp thời, cơ động, hoạt động của loại hình thông tin lưu động đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, truyền đi nguồn thông tin chính thống của Đảng bằng phương thức đặc thù của mình, là cầu nối giữa Đảng với dân, “đưa thông tin về cơ sở”, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tạo được hiệu quả xã hội tích cực. Đặc biệt, từ dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, các địa phương tái khởi động thực hiện Đề án Nâng chất hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa cấp xã, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia.

* PV: Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử, văn hóa luôn được quan tâm và thực hiện trong thời gian qua?

* Đồng chí Nguyễn Đức Đảm: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, gắn với phát triển du lịch bền vững. Toàn tỉnh hiện có 184 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 162 di tích cấp tỉnh và 22 di tích cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt.

Hằng năm, tỉnh đều bố trí ngân sách để tu bổ, sửa chữa các khu di tích lịch sử, văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên về nguồn, đi thực tế tìm hiểu truyền thống cách mạng của dân tộc, địa phương.

Công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở các di tích được quan tâm, các lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội đình làng tổ chức thường xuyên đã đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần, giữ gìn phong tục, tập quán, có tác dụng giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Việc tổ chức lễ hội truyền thống tại các di tích được sự tham gia, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THIÊN LÊ (thực hiện)

 

.
.
.