Thứ Sáu, 27/03/2015, 08:11 (GMT+7)
.

Những chặng đường vẻ vang của lực lượng Dân quân tự vệ Tiền Giang

Trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng, đậm nét nhất là trong giai đoạn 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Tiền Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chiến đấu kiên cường, góp phần giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Dân quân du kích.

Dân quân tự vệ duyệt binh tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2015.                                                                                                                                                                                         Ảnh: LÊ TIỂN
Dân quân tự vệ duyệt binh tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2015. Ảnh: LÊ TIỂN

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Chính quyền cách mạng non trẻ ở miền Nam nói chung, ở Mỹ Tho - Gò Công nói riêng gặp vô vàn khó khăn. Để bảo vệ chính quyền và trấn áp bọn phản cách mạng, ở Mỹ Tho, tổ chức “Quốc gia tự vệ cuộc” ra đời, mà nòng cốt là lực lượng Thanh niên tiền phong.

Lực lượng này dần dần phát triển,  mỗi xã có 1 - 2 tiểu đội, có xã lên đến cấp trung đội. Đây là những thành viên hoạt động tích cực trong các tổ chức quần chúng, bảo vệ chính quyền, trấn áp bọn phản cách mạng, điển hình có du kích các xã Long Hưng, Tân Hiệp, Thạnh Phú  (Châu Thành) bám đánh địch trên lộ Đông Dương, chiến công đầu tiên là phá hủy 1 xe địch tại chùa Bà, tập kích địch tại Cầu Kho, thu trên 20 súng.

Thực hiện chủ trương của trên về đẩy mạnh chiến tranh du kích, giành thế chủ động trên chiến trường trong giai đoạn 1947 - 1950, Tỉnh đội dân quân Mỹ Tho được thành lập, các huyện thành lập Huyện đội dân quân, cấp xã có trung đội dân quân làm nhiệm vụ canh gác, đánh địch bảo vệ xóm làng và đẩy mạnh chiến tranh du kích, diệt ác phá kiềm. Nhiều trận đánh liên tiếp thắng lợi, có sự tham gia của du kích và nhân dân như: 

Trận Giồng Đình (xã Tân Thành, nay là xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) ngày 14-1-1947; trận Cổ Cò (huyện Cái Bè) ngày 22-1-1947, ta diệt 1 tiểu đoàn xe cơ giới của địch, diệt 170 tên, bắt 15 tên, phá hủy 8 xe thiết giáp, 6 xe chở quân của địch, thu hơn 100 súng các loại... Đây là trận đánh lớn đầu tiên của Bộ đội Khu 8, có sự tham gia tích cực của du kích địa phương. Từ kết quả trận đánh đã thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh hơn.

Tiếp đến, nhiều trận ta thắng lớn như trận Long Thạnh (Gò Công) ngày 22-2-1947. Đặc biệt là trận Giồng Dứa (Tam Hiệp - Châu Thành) ngày 25-4-1947 của lực lượng Khu 8, ta phá hủy 14 xe cơ giới của địch, diệt 80 tên, bắt sống 7 tên. Trận Giồng Dứa  có sự tham gia của 1 trung đội dân quân Mỹ Tho (trung đội có 1 tiểu đội nữ). Về trận bao vây bức rút đồn Thiên Hộ (Cái Bè) tháng 6-1947 của bộ đội Khu 8, có du kích xã Hậu Mỹ tham gia.

Du kích Vành đai Bình Đức pháo kích vào căn cứ bằng súng cối 60 ly giữa ban ngày  - tháng 6-1974.        Ảnh: tư liệu
Du kích Vành đai Bình Đức pháo kích vào căn cứ bằng súng cối 60 ly giữa ban ngày - tháng 6-1974. Ảnh: tư liệu

Trong giai đoạn 1951 - 1954, miền Nam tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, liên tiếp giành thắng lợi. Ở Mỹ Tho, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường các hoạt động, đưa lực lượng ta vào hoạt động sâu trong vùng tạm chiếm, vừa đánh địch vừa binh vận, tiến công vào các vùng trọng điểm của địch, giành quyền làm chủ. Lực lượng du kích phát triển mạnh mẽ, tổ chức đánh địch trên khắp địa bàn trong tỉnh Mỹ Tho - Gò Công và tham gia vào các trận đánh quyết định, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi.

Trong thời kỳ chống Mỹ từ 1954 đến 1975, chiến tranh nhân dân phát triển lên tầm cao mới, lực lượng dân quân du kích không ngừng lớn mạnh. Từ tháng 11-1959 đến tháng 3-1961 tiến hành khởi nghĩa từng phần đến cao trào giải phóng nông thôn.

Giai đoạn từ tháng 4-1961 đến tháng 3-1965, từ khởi nghĩa chuyển thành chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân liên tục phát triển, tiến công địch trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự, binh vận. Lực lượng dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, phối hợp và tham gia cùng bộ đội địa phương, quân chủ lực Khu 8 đánh địch giành nhiều thắng lợi lớn.

Sau năm 1961, địch chủ trương xây dựng ấp chiến lược, ta đã chỉ đạo tiến công địch toàn diện trên 3 mũi giáp công, dân quân du kích phát triển từ các ấp, xã hình thành các đội du kích đấu tranh chính trị. Điển hình là du kích xã Thới Sơn (Châu Thành) dùng mưu mẹo đánh thắng nhiều tiểu đoàn địch đi càn, được tặng danh hiệu “Xã thành đồng của tỉnh”.

Cả xã Thới Sơn chỉ có 2 khẩu súng, nhưng đã đào nhiều hầm chiến đấu, bố trí 4.500 hầm chông xen kẽ, gài lựu đạn... tạo thế trận chiến tranh nhân dân bố trí sẵn, đã đẩy lùi 9 cuộc càn cấp tiểu đoàn địch, tiêu diệt 15 tên, làm bị thương 59 tên, thu nhiều súng. Sau xã Thới Sơn, phong trào xây dựng ấp chiến đấu, mà nòng cốt là lực lượng du kích đã lan ra nhiều địa phương, cơ sở khác trong tỉnh Mỹ Tho - Gò Công.

Cho đến Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 đánh dấu bước phát triển của lực lượng vũ trang ta trong chiến đấu phòng ngự đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, bước đầu đánh bại kế hoạch Staley - Taylor với ý định kết thúc chiến tranh ở miền Nam trong vòng 18 tháng bằng các chiến thuật “bủa lưới phóng lao”, “trực thăng vận, thiết xa vận” của địch.

Đặc biệt, trận Ấp Bắc có sự đóng góp to lớn của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ dân quân du kích xã Tân Phú. Sau trận Ấp Bắc, phong trào giết giặc lập công, bộ đội tỉnh,  huyện cùng du kích và quần chúng nhân dân vùng lên diệt ác phá kiềm theo phương thức “bao vây, bức rút bức hàng, đứng lại chống càn giải phóng nông thôn”.

Qua phong trào đấu tranh giai đoạn 1964 - 1965, lực lượng dân quân du kích tiếp tục được củng cố. Lúc này ở xã có Ban chỉ huy xã đội, có từ 1 - 2 trung đội du kích, lấy vũ khí địch, bom đạn lép của địch làm vũ khí tự tạo để đánh địch.

Giai đoạn 1965 - 1968, ta tập trung xây dựng, giữ vững địa bàn, củng cố vùng giải phóng, phong trào chiến tranh du kích lớn mạnh, đánh địch với nhiều hình thức phong phú, mưu trí, điển hình là thiết lập vành đai diệt Mỹ ở Bình Đức, sau đó tiếp tục đánh Mỹ, diệt ngụy mở rộng vùng giải phóng.

Sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 giành thắng lợi, lực lượng du kích cùng bộ đội địa phương bám trụ đánh địch, mở mảng chuyển vùng ở các huyện và tham gia Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn.

Suốt chặng đường lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dân quân du kích Tiền Giang đã phát huy cao độ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh, lớp này ngã xuống lớp khác tiếp tục lên đường, đời con nối tiếp đời cha đánh giặc.

Có hơn 27.000 liệt sĩ, trên 15.000 đồng bào ngã xuống, 5.000 thương binh, 4.000 người bị cầm tù và hàng vạn người bị thương tật. Được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng cho 86 tập thể và 45 cá nhân.

Riêng dân quân du kích, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có 20 xã, 1 đơn vị, 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng, tiêu biểu như Lê Thị Hồng Gấm, Ngô Văn Nhạc, Nguyễn Văn Đẩu…

PHÒNG CHÍNH TRỊ - BCH QUÂN SỰ TỈNH

.
.
.