Thứ Ba, 12/05/2015, 14:19 (GMT+7)
.

Luật Biên giới quốc gia

Biên giới Quốc gia (BGQG) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước.

Luật BGQG đã được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17/6/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2004. Luật quy định về BGQG; chế độ pháp lý về BGQG; xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và khu vực biên giới. Một số quy định cụ thể như sau:

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

 - BGQG của nước CHXHCNVN là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước CHXHCNVN.

- BGQG được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc do pháp luật Việt Nam quy định.

- BGQG trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.

- BGQG trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa CHXHCNVN và các quốc gia hữu quan. Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của CHXHCNVN theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa CHXHCNVN và các quốc gia hữu quan.

- BGQG trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ BGQG trên đất liền và BGQG trên biển xuống lòng đất. Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của CHXHCNVN theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa CHXHCNVN và các quốc gia hữu quan.

- BGQG trên không là mặt thẳng đứng từ BGQG trên đất liền và BGQG trên biển lên vùng trời.

- Khu vực biên giới bao gồm: Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với BGQG trên đất liền; Khu vực biên giới trên biển tính từ BGQG trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo; Khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo BGQG có chiều rộng mười kilômét tính từ BGQG trở vào.

- Một số chế độ pháp lý về BGQG, khu vực biên giới:

+ Việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua BGQG được thực hiện tại cửa khẩu; việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ đất liền, vùng biển, vùng trời phải tuân thủ quy định đi theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng hải, đường hàng không; việc qua lại biên giới của nhân dân trong khu vực biên giới được thực hiện tại cửa khẩu hoặc nơi mở ra cho qua lại biên giới.

+ Người, phương tiện, hàng hoá qua lại BGQG phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 + Tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải đi nổi và treo cờ quốc tịch.

+ Tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu thuyền chuyên chở chất phóng xạ, chất nguy hiểm độc hại khác khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải mang đầy đủ các tài liệu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Tàu thuyền này khi tiến hành các hoạt động khác trong lãnh hải Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép và phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

+ Tàu bay chỉ được bay qua BGQG và vùng trời Việt Nam sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép, phải tuân thủ sự điều hành, kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan quản lý bay Việt Nam, tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

+ Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lý do đặc biệt khác hoặc theo đề nghị của nước hữu quan, người, phương tiện, hàng hoá có thể bị hạn chế hoặc tạm ngừng qua lại BGQG, kể cả việc đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam.

+ Trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố hoặc vì lý do khách quan khác buộc phải qua BGQG mà không thể tuân theo các quy định của Luật BGQG và các quy định khác của pháp luật Việt Nam thì người điều khiển phương tiện phải thông báo ngay với cảng vụ, cơ quan cứu hộ và cứu nạn quốc gia, cơ quan quản lý bay hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam nơi gần nhất và thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

+ Mọi hoạt động có liên quan đến BGQG tại khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khu kinh tế cửa khẩu và các khu kinh tế khác trong khu vực biên giới phải tuân theo quy chế khu vực biên giới.

(Nguồn Sở Thông Tin Truyền Thông)

.
.
.