Thứ Tư, 04/05/2016, 14:11 (GMT+7)
.

Hiệu quả từ sự phối hợp đảm bảo an ninh trật tự

Thực hiện Thông tư Liên tịch (TTLT) số 34/2009-TTLT-BGDĐT-BCA giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục - Đào tạo về “Hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” (sau đây gọi tắt là TTLT số 34) trong những năm qua, công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Trong một môi trường an toàn, các em sẽ học tập tốt hơn.
Trong một môi trường an toàn, các em sẽ học tập tốt hơn.

Thực hiện TTLT số 34, Sở GD-ĐT và Công an tỉnh đã ký kết Kế hoạch liên ngành để triển khai thực hiện công tác đảm bảo ANTT trong các CSGD trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, các phòng GD-ĐT đã phối hợp với Công an các huyện, thành, thị xây dựng và ký kết kế hoạch liên ngành.

Đồng thời, các đơn vị cũng tổ chức ký kết quy chế phối hợp bảo vệ ANTT với Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ quan đặt trụ sở.

Tính đến nay, có 556/594 CSGD trên địa bàn tỉnh tham gia ký kết và thực hiện tốt quy chế này. Bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá: “Nhìn chung, qua triển khai thực hiện TTLT số 34, cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an; cán bộ, giáo viên, học sinh - sinh viên (HSSV) đều nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đảm bảo ANTT trong trường học và các CSGD.

Hai ngành đã phát huy được vai trò nòng cốt cũng như phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể ở địa phương, chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật và các loại tệ nạn trong học đường. Trong môi trường học tập an toàn, lành mạnh, việc học tập của các em cũng sẽ tốt hơn”.

Trên thực tế, tùy vào tình hình tại mỗi đơn vị, việc thực hiện các quy định tại TTLT số 34 được triển khai với những hình thức phù hợp. Chẳng hạn, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực như:

Phối hợp với Công an phường 1 (TP. Mỹ Tho) để tuyên truyền, giáo dục về công tác đảm bảo ANTT trong nhà trường; giáo dục ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn ANTT trong và ngoài nhà trường cho học sinh qua các buổi chào cờ, hoạt động ngoại khóa; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong toàn thể cán bộ, công chức và học sinh; tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh…

Nhờ đó, vấn đề ANTT trong trường được bảo đảm, không có học sinh vi phạm pháp luật, nhiều năm liền trường được công nhận An toàn về ANTT.

Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG) cũng là một trong những đơn vị thực hiện tốt sự phối hợp này, với nhiều hoạt động thiết thực. Do có 2 cơ sở (cơ sở chính tại phường 5, TP. Mỹ Tho và cơ sở tại xã Thân Cửu Nghĩa) nên trường đã phối hợp với Công an phường 5 (TP. Mỹ Tho), Công an 2 xã Long An và Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) nhằm đảm bảo ANTT trong trường cũng như quản lý sinh viên ngoại trú tại các hộ dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Khải, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Việc phối hợp giữa các đơn vị được thực hiện rất nhịp nhàng và mang lại hiệu quả, tình hình ANTT trong trường và khu vực dân cư xung quanh luôn được đảm bảo, không có sinh viên vi phạm pháp luật trong và ngoài nhà trường”.

Cụ thể, trong thời gian qua, Công an các xã, phường đã phối hợp với Trường ĐHTG thực hiện các công việc như: Tập huấn cho lực lượng bảo vệ các cơ sở và tự vệ nhà trường; khi có bất ổn, nhà trường và Công an địa phương thông tin cho nhau để cảnh giác và xử lý kịp thời; ngăn chặn và xử lý kịp thời kẻ gian và các hiện tượng gây rối trước cổng trường (cướp giật, tụ tập đua xe…).

Đặc biệt, trường đã phối hợp với Công an phường 5 xây dựng được mô hình: “19 tổ sinh viên tự quản về ANTT”. Mô hình này hoạt động dưới hình thức tổ chức quần chúng, do lực lượng sinh viên tự nguyện, tự giác tham gia nhằm thực hiện các mục tiêu:

Tuyên truyền giáo dục pháp luật đến tận nơi ở của sinh viên; xây dựng lực lượng sinh viên nòng cốt trong công tác giữ gìn ANTT tại các khu nhà trọ, khu phố; chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội tại nơi ở và nơi học; xây dựng khu nhà trọ sinh viên an ninh, trật tự, văn minh…

Theo đánh giá của các CSGD, kết quả nổi bật của việc thực hiện TTLT số 34  chính là đảm bảo được tình hình ANTT tại các CSGD, tạo ra được một môi trường học tập lành mạnh, an toàn cho HSSV.

Mặt khác, công tác giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho HSSV được các CSGD chú ý; ý thức cảnh giác và tinh thần tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và các loại tệ nạn xã hội trong cán bộ, giáo viên và HSSV được nâng lên rõ rệt… Từ đó, HSSV sống tốt, có kỷ luật hơn, việc học tập của các em cũng hiệu quả hơn.

MINH CHÂU

.
.
.