Thứ Hai, 04/07/2016, 15:18 (GMT+7)
.

Biện pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển

Khi tham gia đánh bắt, vận chuyển hàng hóa trên biển, ngư dân phải đảm bảo các biện pháp an toàn, để không xảy ra tai nạn gây thiệt hại về người và của.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, trên vùng biển do đơn vị quản lý trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 xảy ra 14 vụ tai nạn, làm mất tích 2 người, chết 5 người, hư hỏng 3 phương tiện, chìm 7 phương tiện, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Các vụ tai nạn xảy ra bởi các nguyên nhân sau: Do ngư dân bất cẩn trong lúc đánh bắt rơi xuống biển mất tích. Như trường hợp của anh Nguyễn Hồng Thanh (khu phố Lăng 3, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông), vào khoảng 3 giờ ngày 8-11-2015, tàu cá TG 94447TS đang hoạt động tại tọa độ 09o40’N-107o17’E thì các thuyền viên trên phát hiện anh Thanh mất tích, nghi bị rơi xuống biển, các thuyền viên trên tàu đã thông báo cho các tàu cá hành nghề gần đó cùng tổ chức tìm kiếm nhưng không tìm thấy anh Thanh.

Ngư dân cần đảm bảo các biện pháp an toàn khi tham gia đánh bắt trên biển.
Ngư dân cần đảm bảo các biện pháp an toàn khi tham gia đánh bắt trên biển.

Do chủ phương tiện không thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng phương tiện, máy móc dẫn đến hỏng hóc, không hoạt động trong lúc hoạt động, bị trôi dạt gây nguy hiểm, nước tràn vào khoang làm chìm phương tiện.

Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 26-3-2016, tàu chở hàng số hiệu TG 94925TS của bà Đỗ Thị Sẽ (khu phố Lăng 3, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) bị phá nước tại tọa độ 09o45’400”-107o11’800” dẫn đến bị chìm, 13 thuyền viên trên tàu được các phương tiện hoạt động gần đó cứu vớt, đưa vào bờ an toàn, tổng thiệt hại về tài sản khoảng 900 triệu đồng.

Hay như lúc 16 giờ ngày 22-5, phà chở khách số hiệu AG-20847, chở 40 hành khách di chuyển trên sông Cửa Tiểu, từ bến phà Tân Long đến huyện Tân Phú Đông thì bị chết máy trôi dạt. Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức triển khai lực lượng, trang thiết bị, cứu hộ thành công 40 hành khách và lai dắt phương tiện vào bờ an toàn.

Ngoài ra, tai nạn trên biển còn xảy ra bởi các nguyên nhân khác như ý thức chủ quan của ngư dân, trong quá trình nghỉ ngơi trên biển không cử người quan sát theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời khi tai nạn xảy ra. Khi hợp đồng với các thuyền viên tham gia hoạt động đánh bắt, chủ phương tiện không tổ chức kiểm tra tình hình sức khỏe của thuyền viên, dẫn đến phát bệnh trong lúc hoạt động trên biển, không cứu chữa kịp thời dẫn đến tử vong.

Ngư dân tham gia đánh bắt chủ yếu theo truyền thống “cha truyền con nối” chưa trải qua một lớp tập huấn cơ bản nào về hoạt động hành nghề đánh bắt trên biển nên lúng túng khi có sự cố xảy ra, xử lý không kịp thời. Phương tiện công suất nhỏ nhưng hoạt động đánh bắt ở biển xa nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Không cập nhật thông tin về thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, hoặc lén lút ra khơi khi có thiên tai...

Để đảm bảo an toàn khi tham gia đánh bắt, vận chuyển hàng hóa trên biển, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh khuyến cáo ngư dân thực hiện các biện pháp sau: Thường xuyên kiểm tra đảm bảo an toàn kỹ thuật trước khi ra khơi.

Tuân thủ các quy định về thông tin, phát tín hiệu khi gặp sự cố thiên tai; thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin về thiên tai, thời tiết để có các biện pháp phòng tránh kịp thời; tuyệt đối chấp hành hiệu lệnh của BĐBP, không ra khơi đánh bắt trong lúc xảy ra thiên tai.

Chủ phương tiện khi sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra sức khỏe các thuyền viên, tổ chức tập huấn các kỹ năng khi tham gia đánh bắt trên biển. Hoạt động ở vùng biển phù hợp với công suất phương tiện cho phép. Nên đánh bắt theo tổ, đội để kịp thời hỗ trợ cho nhau khi bị sự cố xảy ra.

Phải khai báo đúng ngư trường mà phương tiện đang hoạt động, thông báo ngay với lực lượng tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra để lực lượng tìm kiếm cứu nạn kịp thời triển khai các biện pháp cứu hộ.

PHAN THẮNG

.
.
.