Thứ Sáu, 19/08/2016, 12:24 (GMT+7)
.

Trách nhiệm của nhân dân-yếu tố quyết định thành công của các mô hình

Thực hiện mô hình 3 trong 1 “Cổng rào ANTT - ánh sáng quang - tiếng kẻng an ninh”, ấp Long Mỹ đã bố trí 9 cổng rào khép kín các tuyến giao thông trên địa bàn ấp, 12 kẻng được bố trí dọc các tuyến đường trọng yếu, kịp thời báo động khi có tình huống xảy ra, ánh sáng thì lan tỏa rộng khắp trong xóm, ấp…

Người khởi xướng xây dựng mô hình này là ông Võ Văn Mót, Bí thư Chi bộ ấp. Ông đã cùng Ban lãnh đạo ấp trực tiếp vận động nhân dân, vận động các nhà tài trợ, xin chủ trương thực hiện và mô hình này nhận được sự đồng thuận rất cao từ chính quyền xã đến nhân dân trong ấp.

Cổng rào trên địa bàn ấp Long Mỹ.
Cổng rào trên địa bàn ấp Long Mỹ.

Ông Phạm Ngọc Thành, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Long Mỹ cho biết: “Từ khi phát động mô hình 3 trong 1 đã được đông đảo người dân ở đây ủng hộ, bởi bà con thấy được tầm quan trọng của nó. Bà con nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ yên tâm phần nào khi không có tội phạm.

Có ánh sáng thì thuận lợi cho bà con đi lại, còn kẻng thì để báo động, khi có tội phạm thì chặn cổng, tội phạm lọt vào đây sẽ không có đường ra. Rõ ràng, từ khi có mô hình thì đối tượng tại địa phương không dám hoạt động, còn đối tượng từ nơi khác đến khi thấy mô hình chúng nó cũng e ngại. Từ đó tình hình ANTT ổn định, phạm pháp hình sự không xảy ra”.

Được như thế là do Ban lãnh đạo ấp làm tốt công tác phòng ngừa. Hàng tháng Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) duy trì đều đặn việc họp tổ, nhằm thông báo những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân cảnh giác, nhắc nhở bà con trong ấp quản lý con em, không để vi phạm pháp luật…

Nhân dân trong các tổ đi họp rất đầy đủ, khoảng 80% - 90% số hộ trong tổ đều có người đi dự họp. Thông qua việc dự họp ở các tổ NDTQ, Ban lãnh đạo ấp cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng trong củng cố, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ)… Riêng đối với những trường hợp có biểu hiện vi phạm, các đoàn thể phối hợp với gia đình giáo dục kịp thời, từ đó hạn chế phát sinh tội phạm và vi phạm.

Điều này cho thấy, nếu quan điểm, chủ trương hợp lòng dân, vì lợi ích của cộng đồng thì sẽ luôn nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở. Thể hiện cụ thể nhất là khi báo động có chuyện như cháy nhà, trộm cắp hay tai nạn, không chỉ những người được giao nhiệm vụ đánh kẻng hay giữ cổng chạy đến thực hiện nhiệm vụ, mà những người dân xung quanh cũng đến để hỗ trợ trong mọi trường hợp.

Sự đồng lòng của nhân dân trong ấp không đơn giản là đồng thuận suôn mà còn thể hiện thông qua việc hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, đóng góp kinh phí xây dựng mô hình và hỗ trợ Đội Dân phòng (DP) hoạt động, từ kinh phí tuần tra đến trang bị công cụ hỗ trợ.

Trước sự quan tâm của nhân dân, Đội DP luôn duy trì tuần tra hàng đêm, thông qua đó kịp thời nhắc nhở người dân quan tâm bảo vệ tài sản, phòng, chống tội phạm. Sự kết hợp giữa mô hình 3 trong 1 và công tác tuần tra của Đội DP đã làm chuyển biến tích cực tình hình ANTT trên địa bàn, góp phần giữ vững danh hiệu ấp an toàn, ấp văn hóa và ấp đạt chuẩn nông thôn mới.

Đánh giá về hoạt động của mô hình phòng, chống tội phạm này, Đại úy Nguyễn Văn Đà, Trưởng Công an xã Phước Thạnh cho biết: “Từ việc xây dựng mô hình có hiệu quả này, cấp ủy, chính quyền xã đã nhân rộng ra 5 ấp còn lại. Mô hình này đã hỗ trợ cho lực lượng Công an rất nhiều trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát huy tốt hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương”.

Hiệu quả này bắt nguồn từ sự tâm huyết của những người đứng đầu ở địa phương, các đoàn thể và đặc biệt là ở mỗi cá nhân, đúng như ông Võ Văn Mót, Bí thư Chi bộ ấp Long Mỹ khẳng định: “Có mô hình  nhưng nếu con người không tâm huyết thực hiện thì hiệu quả sẽ không cao, cho nên ở đây chúng tôi xác định thành công của mô hình xuất phát từ sự nhiệt tình, tích cực của nhân dân”.

Như vậy, có thể khẳng định các mô hình phòng, chống tội phạm có thành công hay không chính là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng và thực hiện.

HỒNG VÂN

.
.
.