Thứ Sáu, 30/03/2012, 10:37 (GMT+7)
.

Cảnh báo toàn cầu về những thảm họa thời tiết

Trong báo cáo dày 594 trang, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) - từng đoạt giải Nobel, cảnh báo rằng: Mối đe dọa lớn nhất từ tình hình thời tiết khắc nghiệt khác thường này là đối với các khu vực nghèo và đông dân nhất trên thế giới. Không có một nơi nào trên trái đất, từ Mumbai (Ấn Độ) cho tới Miami (Mỹ) có thể thoát khỏi móng vuốt của các hung thần thời tiết. Có chăng là sự khác nhau về mức độ thiệt hại.

IPCC quy trách nhiệm gây ra các thảm họa thời tiết hiện nay và tương lai là một sự kết hợp của các yếu tố: tình trạng biến đổi khí hậu do con người tạo nên, sự biến động dân số và tình trạng nghèo khổ.

Hậu quả của một trận lốc xoáy ở Mỹ trong năm 2011
Hậu quả của một trận lốc xoáy ở Mỹ năm 2011.

 

Trong quá khứ, IPCC (được Liên Hiệp Quốc thành lập vào năm 1988) đã tập trung vào tình trạng gia tăng chậm nhưng đều đặn của nhiệt độ và mực nước các đại dương, coi đó như một bộ phận của tình trạng nóng ấm toàn cầu. Năm nay là lần đầu tiên tổ chức này quan tâm tới một đối tượng lâu nay ít được chú ý, đó là sự biến đổi thời tiết khắc nghiệt – mỗi năm gây thiệt hại khoảng 80 tỷ USD.

Trên bình diện toàn cầu, các nhà khoa học nói rằng: Có một số nơi, cụ thể như nhiều khu vực của thành phố Mumbai (Ấn Độ) có thể không còn trú ngụ được do lũ lụt, giông bão và nước biển dâng cao. Hồi năm 2005, một lượng mưa lên tới 914mm đã đổ xuống Mumbai trong vòng 24 giờ, giết chết hơn 1.000 người và gây ra những thiệt hại nặng nề.

IPCC đã lên danh sách những thành phố trên thế giới có nhiều nguy cơ bị thiệt hại vì tình trạng biến đổi thời tiết khắc nghiệt, như: Miami (Mỹ), Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam), Yangon (Myanmar), Kolkata (Ấn Độ).

Người dân ở những đảo quốc nhỏ như Maldives cũng có thể phải bỏ nhà cửa vì nước biển dâng cao và bão tố dữ dội. Nhà sinh thái học Field nói rằng: “Quyết định có nên di dời hay không là rất khó khăn và tôi nghĩ rằng đó là điều mà cộng đồng thế giới sẽ phải đương đầu với tần số gia tăng nhiều hơn trong tương lai”.

Bản báo cáo của IPCC đã được công bố hồi tháng 11-2011 dưới dạng tóm lược. Còn ở bản chính thức này, người ta thấy được mức độ cảnh báo nghiêm trọng hơn. Trong suốt gần 600 trang, bản báo cáo đã nhắc tới 4.387 lần từ “nguy cơ”.

Theo đó, Bangladesh vẫn sẽ là cái “rún” của bão lũ. Đất nước Nam Á nghèo khổ này đã nếm trải quá nhiều đau thương vì thiên tai trong quá khứ. Nhưng họ cũng đã rút ra được nhiều bài học để giảm thiệt hại từ thiên tai. Năm 1970, một trận bão nhiệt đới cấp 3 tên Bhola đã giết chết hơn 300.000 người Bangladesh. Năm 2007, trận bão Sidr mạnh hơn nhưng chỉ làm 4.200 người chết.

Do đó, Bangledesh được các nhà khoa học thời tiết trên thế giới coi như một điển hình về những nỗ lực cảnh báo sớm và phòng chống thiên tai.

Theo các nhà khoa học, một số trận lốc xoáy nhiệt đới, bao gồm những trận giông bão ở Mỹ, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn vì tình trạng nóng ấm toàn cầu. Nhưng số lượng các trận bão tố không có chiều hướng tăng thêm. Bên cạnh đó, tình trạng thời tiết khắc nghiệt sẽ gây ra những đợt nóng dữ dội hơn và nhiệt độ nóng kỷ lục trên cả thế giới, đặc biệt là ở Alaska (Mỹ), Canada, Bắc Âu, Trung Âu, Đông Phi và Bắc Á.

Cũng may là có một số tình trạng biến đổi thời tiết khắc nghiệt nhưng không gây chết người mà chỉ gây nên tình trạng khác thường. Chuyên gia thời tiết David Easterling cho biết: Đợt nắng nóng mới đây ở Mỹ tuy thuộc cấp độ khắc nghiệt nhưng lại không gây chết người. Trong tháng 3-2012, Mỹ đã ghi nhận gần 6.800 kỷ lục nhiệt độ cao. Năm 2011, Mỹ đạt kỷ lục về những thảm họa thời tiết tổn thất hàng tỷ USD, nhưng phần nhiều là lốc xoáy.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

.
.
.