Thứ Tư, 04/04/2012, 13:36 (GMT+7)
.
ẤN ĐỘ:

Triển khai tàu ngầm hạt nhân Nerpa

Theo một hợp đồng trị giá trên 900 triệu USD, tàu ngầm hạt nhân Nerpa thuộc Dự án 971 Shchuka-B (NATO gọi là Akula II) đã được Hải quân Ấn Độ thuê trong 10 năm.

Tàu ngầm trên đã được bàn giao cho Ấn Độ vào tháng 1 vừa qua và được nước này đổi tên thành INS Chakra.

Với việc triển khai này, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sử dụng tàu ngầm hạt nhân sau Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công K-152 Nerpa có lượng choán nước 8.140 tấn (khi nổi) và 12.770 tấn (khi lặn). Tốc độ tối đa của nó là 30 hải lý/giờ, có thể lặn xuống độ sâu tối đa 600 m. Tàu Nerpa được điều khiển bởi một thủy thủ đoàn 73 người, dự trữ trên tàu có thể đảm bảo cho một chuyến đi kéo dài 100 ngày. Tàu Nerpa được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm và 4 ống phóng ngư lôi 650mm.

Tàu ngầm
Tàu ngầm hạt nhân K-152 Nerpa

Năm 2008, trong quá trình chạy thử trên biển, tàu ngầm Nerpa đã xảy ra hỏa hoạn, 20 thủy thủ đã thiệt mạng sau khi hệ thống cứu hỏa của tàu kích hoạt giải phóng ra khí độc.

* Hy Lạp: Bom nổ bên ngoài văn phòng cựu Thủ tướng

Ngày 3-4, một quả bom đã phát nổ bên ngoài văn phòng cựu Thủ tướng Hy Lạp Costa Simitis trong một vụ tấn công mà Chính phủ Hy Lạp cho là cố ý gây bất ổn trước cuộc tổng tuyển cử ở nước này.

Ông Costa Simitis, làm Thủ tướng Hy Lạp từ năm 1996-2004, đã dẫn dắt nước này gia nhập Khu vực đồng euro vào năm 2002. Văn phòng của ông đã từng là mục tiêu của một cuộc tấn công tương tự hồi tháng 1-2010.

Một quan chức cảnh sát cho biết, quả bom được tạo nên từ ít nhất 5 can chứa khí đốt, đã phát nổ ngay trên bậc thềm văn phòng cựu Thủ tướng Costa Simitis. Rất may, vụ nổ này không gây thương vong.

* Mỹ kêu gọi Nhật Bản gây sức ép lên Triều Tiên

Ngày 3-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka tiếp tục “thảo luận” về kế hoạch phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định quan điểm của Mỹ rằng, kế hoạch phóng vệ tinh vừa nêu, nếu xảy ra, sẽ trực tiếp vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Bình Nhưỡng bao gồm cả nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cấm Triều Tiên tiến hành bất kỳ vụ phóng tên lửa nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc tiếp xúc song phương, để thảo luận về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Liên minh Mỹ-Nhật trong vấn đề phòng thủ của Nhật Bản, cũng như đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực.

Ngày 29-3, Mỹ đã quyết định ngừng viện trợ lương thực cho Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng vẫn kiên quyết sẽ thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh của mình.

P.LONG

(theo Tân Hoa Xã, TTXVN)

 

.
.
.