Thứ Hai, 30/07/2012, 08:01 (GMT+7)
.

Báo Nhật: Căng thẳng Biển Đông đến hồi báo động

Theo mạng tin Yomiuri, Nhật Bản đã lên tiếng thúc giục Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương và làm dịu căng thẳng thông qua đối thoại với Việt Nam.
 
Việc Bắc Kinh lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi Macclesfield đã bị Việt Nam và Philippines - hai nước có tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc liên quan đến các chuỗi đảo này - lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Phùng Long
Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Phùng Long

Theo Yomiuri, với động thái lập thành phố Tam Sa, Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát hiệu quả đối với các quần đảo này. Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn tổ chức Đại hội Đại biểu Nhân dân để bầu ra thị trưởng thành phố, tiến tới thiết lập bộ máy hành chính tại khu vực này. Có lẽ, Trung Quốc muốn đặt thành phố Tam Sa làm bàn đạp cho mưu đồ khai thác tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch trên Biển Đông.
 
Bên cạnh đó, Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa cũng là để đáp trả việc Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Hà Nội đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, nguyên nhân của rắc rối này chính là ở chỗ cách đây 20 năm, Trung Quốc đã tự ý xác định chủ quyền đối với ba quần đảo này trong Luật Lãnh hải.
 
Nghiêm trọng hơn, Bắc Kinh còn thiết lập “khu vực cảnh giới,” trong đó quân đội Trung Quốc xác lập cứ điểm phòng thủ trọng yếu ở Tam Sa.

Tuy chỉ có một toán quân Trung Quốc đồn trú tại khu vực này với mục đích bảo vệ đường băng và các cơ sở khác, nhưng có thể nói đây chính là động thái xác lập một tư thế sẵn sàng nhằm dọn đường cho các hành động quân sự chính thức trên Biển Đông.
 
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đơn phương mời thầu khai thác tài nguyên ngay tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tiếp đó, Bắc Kinh còn phái một đội gồm 30 tàu đánh cá cùng với tàu hải giám tiến về vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Rõ ràng, đây là những hành động nhằm làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
 
Việc Trung Quốc cố tình sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo trước các nước láng giềng như Việt Nam nhằm biến Biển Đông thành “biển của Trung Quốc” có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang. Tình hình thực sự đã lên đến mức báo động.

    Ngày 29-7, báo Yomiuri Shimbun cho biết sách trắng quốc phòng năm nay của Nhật Bản tố cáo Trung Quốc uy hiếp thế giới, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục leo thang và các học giả Trung Quốc đề nghị chính phủ ở Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Lưu Cầu của Nhật Bản, kể cả đảo Okinawa vốn là nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.

    Hai ngày trước khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda có bài phát biểu tại Hạ viện khẳng định quyết tâm sử dụng lực lượng quân sự để “đáp trả mạnh mẽ” những hành vi xâm phạm lãnh hải, báo chí ở Tokyo cho biết sách trắng quốc phòng năm nay đã được trình lên nội các, và văn kiện dự kiến sẽ được công bố trong những ngày tới này, đặc biệt chú trọng đến việc sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gia tăng hết sức nhanh chóng, tạo ra mối đe dọa đối với thế giới.

Sự ổn định ở Biển Đông là nhân tố quan trọng không thể thiếu đối với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Xuất phát từ quan điểm đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, an ninh trên Biển Đông sẽ mang lại lợi ích quốc gia cho Nhật Bản, mạng tin Yomiuri cho rằng Nhật Bản cần liên kết với Philippines và Việt Nam - hai nước đang bị Trung Quốc đe dọa - và tăng cường các hình thức hợp tác với những nước này bằng cách cung cấp tàu tuần tra cũng như đào tạo nhân lực trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trên biển.
 
Trong khi đó, trên biển Hoa Đông, tình hình xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mới đây, các tàu ngư chính của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo này trong suốt hai ngày liên tục.
 
Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động nhằm khẳng định sự hiện diện của mình bằng cách phái nhiều tàu đánh cá ra Biển Đông. Bắc Kinh liên tục có những động thái làm leo thang căng thẳng nhằm tăng cường lợi ích biển. Cũng không loại trừ khả năng Bắc Kinh có thể có hành động tương tự trên biển Hoa Đông. Chính vì vậy, mạng tin Yomiuri cho rằng Nhật Bản cần phải đề cao cảnh giác trước Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku.

N.HỮU

(Theo TTXVN, Yomiuri)

.
.
.