Chủ Nhật, 29/07/2012, 09:23 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua

Những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua như: Trung Quốc đưa tin về bản đồ nhà Thanh không có Hoàng Sa, Trường Sa; Quân đội Mỹ triển khai đồn trú tại Ba Lan; Gia hạn thời gian của Phái bộ trợ giúp LHQ ở Iraq...

1. Trung Quốc đưa tin về bản đồ nhà Thanh không có Hoàng Sa, Trường Sa

s
Hình ảnh tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" đăng trên trang tin tức quân sự của Sina. Ảnh: Sina

Các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc như Sina, Ifeng, Stockstar tường trình việc Việt Nam tìm thấy bản đồ thời nhà Thanh của Trung Quốc, chứng minh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Nhiều báo khác của Trung Quốc sau đó đăng tải lại thông tin này.
 
Bản tin của đài Phượng Hoàng (Ifeng) tường thuật quang cảnh buổi lễ trao bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 của tiến sĩ Mai Hồng trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
 
Ifeng dẫn nguyên văn lời tiến sĩ Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán - Nôm, về giá trị lịch sử và nội dung không thể chối cãi của bản đồ do chính Trung Quốc thực hiện.
 
Tờ Stockstar và trang tin quân sự của Sina giới thiệu tỉ mỉ về kích thước, lai lịch của tấm bản đồ, nói rõ bản đồ này xác định đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc, có nghĩa là các quần đảo ở Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Hoa.
 
Bài báo cũng diễn giải đầy đủ các nghiên cứu và phân tích của tiến sĩ Mai Hồng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay bản đồ "có yếu tố mới về mặt pháp lý". Đây là bản đồ được Trung Quốc vẽ theo phương thức hiện đại của phương Tây, khác với cách vẽ theo cách riêng trước kia, có ghi rõ tọa độ, phù hợp với ngôn ngữ bản đồ hiện nay.
 
Đặc biệt, Stockstar dùng tên gọi theo cách của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi truyền thông Trung Quốc hiếm khi công bố với người dân về cách gọi nào khác ngoài tên gọi mà nước này đặt ra.
 
Chỉ trong chưa đầy hai ngày đăng thông tin về tấm bản đồ này, các video về chủ đề này của Ifeng và Sina đưa lên trang web đã thu hút gần nửa triệu lượt xem, còn bản tin phát sóng trên truyền hình và các trang tin khác đưa lại còn thu hút thêm nhiều người xem khác nữa.

2. Chủ tịch Thượng viện Thái bị kết án tù vì lạm quyền

Chủ tịch Thượng viện Thái Lan, ông Teeradej Meepian. Ảnh: THX
Chủ tịch Thượng viện Thái Lan, ông Teeradej Meepian. Ảnh: THX

Ngày 25-7, Tòa hình sự Thái Lan đã tuyên phạt ông Teeradej Meepian, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan, 2 năm tù giam và 2 năm quản chế do hành vi lạm quyền trong thời gian công tác tại cơ quan Thanh tra năm 2004. Mọi chức vụ của ông Teeradej cũng lập tức bị bãi miễn theo quy định của Hiến pháp.

Theo phán quyết, ông Teeradej cùng 2 đồng sự đã tự ý ban hành quy định tăng mức thù lao và tiền trợ cấp họp để nhận trái phép 20.000 Baht hàng tháng, trong khi thẩm quyền ra loại văn bản này thuộc Nội các và phải thông qua trước Quốc hội.

Hai đồng phạm là cựu thanh tra viên Poolsap Piya-anant bị tuyên cùng mức án và nguyên Tổng thư ký Văn phòng thanh tra Pramote Chotemongkol bị tuyên phạt 1 năm 4 tháng tù và 2 năm quản chế.
 
Ông Teeradej giữ chức vụ Chủ tịch Thượng viện từ tháng 5-2011. Trước đó vị tướng về hưu này đã đảm nhận vị trí lãnh đạo cơ quan Thanh tra từ năm 2007-2010.
 
Phó chủ tịch Thượng viện Nikom Wiratpanich hiện nắm giữ quyền Chủ tịch trong lúc chờ đợi bầu cử một chủ tịch mới, dự kiến diễn ra trong tháng 8-2012.

3. Gia hạn thời gian của Phái bộ trợ giúp LHQ ở Iraq

Tình hình an ninh ở Iraq còn nhiều bất ổn. (Nguồn: AFP/TTXVN0
Tình hình an ninh ở Iraq còn nhiều bất ổn. Ảnh: AFP

Ngày 25-7, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí gia hạn thời gian hoạt động của Phái bộ trợ giúp LHQ tại Iraq (UNAMI) thêm 1 năm, đồng thời kêu gọi Iraq nỗ lực hơn nữa trong việc bảo đảm an ninh, nhân đạo và nhân quyền tại quốc gia Trung Đông này.
 
Với số phiếu đồng thuận 15/15 đối với nghị quyết về việc gia hạn UNAMI, Hội đồng Bảo an LHQ đã khuyến khích Chính phủ Iraq tăng cường dân chủ và pháp quyền, cải thiện an ninh và trật tự xã hội, tăng cường cuộc chiến chống khủng bố và giảm bạo lực phe phái tại đất nước này.

Nghị quyết cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân và Chính phủ Iraq trong nỗ lực xây dựng một quốc gia dân chủ, thống nhất, liên bang và ổn định trên cơ sở tôn trọng pháp quyền và nhân quyền.
 
Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi Chính phủ Iraq cho phép lực lượng hỗ trợ nhân đạo tiếp cận đầy đủ, không giới hạn tất cả những người dân cần sự giúp đỡ; tiếp tục hợp tác với chính quyền Kuwait, quốc gia đã bị chiếm đóng dưới thời cựu Tổng thống Saddam Hussein và yêu cầu Iraq hoàn thành những nghĩa vụ quốc tế đối với vấn đề này.
 
Theo đề nghị của Iraq, Hội đồng Bảo an LHQ đã cho phép thành lập UNAMI với nhiệm vụ tư vấn và trợ giúp cho chính quyền Iraq trong một số vấn đề bao gồm thúc đẩy đối thoại chính trị và hòa giải quốc gia, trợ giúp tiến trình bầu cử, đối thoại khu vực giữa Iraq và các nước láng giềng, thúc đẩy bảo vệ nhân quyền và cải cách tư pháp.

4. Chính phủ Bulgaria vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm

Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov. (Nguồn: Internet)
Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov. Ảnh: AP

Với 136 phiếu tín nhiệm, Chính phủ trung hữu của Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội diễn ra ngày 26-7.

Với sự ủng hộ của các nghị sĩ độc lập, đây là lần thứ tư kể từ khi lên nắm quyền cách đây 3 năm, nội các của ông Borisov vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập đề xuất. 72 nghị sĩ đã bỏ phiếu bất tín nhiệm trong khi phải cần có 121 phiếu mới đủ điều kiện để lật đổ chính phủ.
 
Đảng Xã hội đối lập và Đảng thiểu số "Phong trào vì quyền và tự do" (MRF) của người Bulgaria gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố kéo dài việc giám sát đối với hệ thống tư pháp của nước này và những nỗ lực nhằm trấn áp tội phạm có tổ chức và nạn tham nhũng tràn lan.

Mặc dù vậy, theo các cuộc thăm dò dư luận mới đây, Đảng "Công dân vì sự phát triển châu Âu" (GERB) của Thủ tướng Borisov vẫn là chính đảng được ủng hộ nhiều nhất, bất chấp các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng," cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức chưa đem lại kết quả như mong muốn.
 
Chính phủ Bulgaria đã thành lập một tòa án đặc biệt để khởi tố các tội phạm có tổ chức và thông qua một đạo luật mới hà khắc hơn nhằm tịch thu những tài sản có được một cách bất hợp pháp nhưng vẫn chưa thuyết phục được người dân Bulgaria và EU tin rằng Sofia nghiêm chỉnh trong đấu tranh chống tội phạm và nạn hối lộ.

5. Quân đội Mỹ lần đầu triển khai đồn trú tại Ba Lan

Máy bay chiến đấu F-15 của không lực Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Máy bay chiến đấu F-15 của không lực Mỹ. Ảnh: EPA

Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little ngày 25-7 cho biết Mỹ có kế hoạch triển khai một biệt đội của Không lực Mỹ tới Ba Lan để hỗ trợ các máy bay chiến đấu và máy bay vận tải.

Đây sẽ là lần đầu tiên binh sĩ Mỹ đóng quân tại Ba Lan.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi kết thúc cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta  và người đồng cấp Ba Lan Tomasz Siemoniak, nêu rõ: "Biệt đội trên sẽ được điều tới vào mùa Thu này để hỗ trợ máy bay F-16 và C-130 triển khai tại đây ba tháng một lần, bắt đầu từ năm 2013. Đây sẽ là lực lượng Mỹ đầu tiên đồn trú trên đất Ba Lan."
 
Theo kế hoạch, máy bay chiến đấu F-16 và máy bay vận tải Hercules sẽ được triển khai tới Ba Lan theo hình thức luân phiên kể từ năm 2013.
 
Ba Lan là quốc gia đầu tiên ký với Mỹ một thỏa thuận về triển khai dự án Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) ở châu Âu.

Kế hoạch của Mỹ và liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về triển khai các tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và các nước Đông Âu láng giềng của Nga lâu nay vẫn bị Mátxcơva phản đối kịch liệt, cho rằng chúng có thể là một mối đe dọa an ninh và có thể phá hủy thế cân bằng lực lượng chiến lược ở châu Âu.

6. Ông Dramani Mahama đã trở thành tổng thống Ghana

Ông John Dramani Mahama tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án Georgina Theodora Wood. (Nguồn: ghananewsagency.org)
Ông John Dramani Mahama tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án Georgina Theodora Wood. Ảnh: ghananewsagency.org

Phó Tổng thống Ghana John Dramani Mahama ngày 24-7 đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Cộng hòa Ghana, chỉ vài giờ sau khi có thông báo Tổng thống John Atta Mills qua đời.
 
Ông John Atta Mills, 68 tuổi, qua đời vào hồi 14h15' GMT ngày 24-7, tại Quân y Viện 37 ở thủ đô Accra của quốc gia Tây Phi này. Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Ghana có đoạn: "Chúng tôi rất đau lòng thông báo về cái chết đột ngột và quá sớm của Tổng thống Cộng hòa Ghana John Atta Mills."
 
Tại một phiên họp khẩn cấp của quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Ghana Joyce Bamford-Addo tuyên bố ông John Dramani Mahama trở thành tổng thống thứ tư của Cộng hòa Ghana. Và ngay sau đó, ông John Dramani Mahama đã tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án Georgina Theodora Wood trước sự chứng kiến của các nghị sĩ.
 
Cùng ngày 24-7, tân Tổng thống John Dramani Mahama đã tuyên bố quốc tang. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng gửi điện chia buồn và ca ngợi vai trò lãnh đạo của ông Mills tại quốc gia 25 triệu dân này.
 
Nhiều nguyên thủ các nước, trong đó có Nigeria, Cote D'ivoire, Togo, đã gửi điện chia buồn, thể hiện sự kính trọng đối với ông John Atta Mills.

PHÙNG LONG

(Tổng hợp)

.
.
.