Chủ Nhật, 23/12/2012, 07:21 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua

Tổng thống Hugo Chavez điều hành công việc trở lại; Lại thêm vụ xả súng ở Mỹ làm bốn người thiệt mạng; EU lên án kế hoạch mở rộng khu định cư của Israel... là những sự kiện thế giới nổi bất tuần qua.

* Lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc cam kết hợp tác chặt chẽ

Tổng thống mới đắc cử Hàn Quốc Park Geun-Hye. Ảnh: AFP
Tổng thống mới đắc cử Hàn Quốc Park Geun-Hye. Ảnh: AFP

Nhà Trắng ngày 21-12 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống mới đắc cử Hàn Quốc Park Geun-Hye cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ, trong đó có cả vấn đề căng thẳng với CHDCND Triều Tiên.
 
Thông báo của Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm tối 20-12, hai bên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn như nhân tố cốt yếu đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Hai bên nhất trí cần phải tiếp tục có sự hợp tác chặt chẽ trong phạm vi các vấn đề về an ninh khu vực và toàn cầu, trong đó có Triều Tiên.
 
Bà Park Geun-Hye đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 19-12 để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Sau khi đắc cử, bà cam kết duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với các nước, trong đó ưu tiên tăng cường liên minh với Mỹ.
 
Hàn Quốc cũng sẽ cân nhắc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương với Mỹ khi điều kiện cho phép.
 
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với chính phủ mới của nền kinh tế đứng thứ tư châu Á. Ông Obama khẳng định Washington sẽ củng cố hợp tác sâu rộng với Seoul trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.
 
Theo ông Obama, quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn là một trong những trụ cột an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương và hiện quan hệ đối tác giữa hai nước được xây dựng trên nhiều trụ cột cả về kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân.

* Lại thêm vụ xả súng ở Mỹ làm bốn người thiệt mạng

Trẻ em cùng gia đình tưởng niệm các nạn nhân tại Sandy Hook ngày 15-12 vừa qua. Ảnh: AFP
Trẻ em cùng gia đình tưởng niệm các nạn nhân tại Sandy Hook ngày 15-12 vừa qua. Ảnh: AFP

Một tuần sau vụ xả súng kinh hoàng tại một trường học ở bang Connecticut của Mỹ làm 28 người thiệt mạng, nước Mỹ lại chứng kiến thêm một vụ xả súng.
 
Nhà chức trách địa phương Mỹ ngày 21-12 cho biết có bốn người đã thiệt mạng và một số sĩ quan cảnh sát tuần tra bị thương trong một vụ xả súng gây náo động ở gần thị trấn Geesey thuộc bang Pennsylvania, miền Đông nước Mỹ.
 
Các giới chức cho biết vụ nổ súng xảy ra trên một đoạn đường tại thị trấn Frankstown, cách thủ phủ Harrisburg của bang Pennsylvania, khoảng 150km. Bốn người thiệt mạng trong đó có cả kẻ bị tình nghi là hung thủ.
 
Tay súng này đã bắn chết hai người đàn ông và một phụ nữ trong một vụ lộn xộn và nổ súng vào cảnh sát tuần tra của bang khi những người này đến hiện trường. Sau đó, hung thủ bỏ chạy trên chiếc xe tải nhỏ và bị cảnh sát bắn chết khi hắn nổ súng vào cảnh sát.
 
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) của Mỹ Wayne LaPierre tuyên bố cần bố trí cảnh sát trang bị vũ khí và các biện pháp bảo vệ khác ở tất cả các trường học tại Mỹ.

* Tổng thống Hugo Chavez điều hành công việc trở lại

Ông Chavez đã nói chuyện được sau ca phẫu thuật. Ảnh: AP
Ông Chavez đã nói chuyện được sau ca phẫu thuật. Ảnh: AP

Bộ trưởng Thông tin Venezuela cho biết Tổng thống nước này, Hugo Chavez đã nói chuyện với người thân sau ca phẫu thuật ung thư.
 
Theo thông báo mới nhất của Chính phủ Venezuela ngày 16-12, Tổng thống nước này Hugo Chavez đã trở lại điều hành chính phủ trong khi đang hồi phục sau ca phẫu thuật điều trị bệnh ung thư đầu tuần qua.
 
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Jorge Arreaza, người đang trực tiếp tháp tùng Tổng thống Chavez tại Cuba, tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia rằng nhà lãnh đạo Venezuela đã bắt đầu đưa ra những ý kiến chỉ đạo thông qua các cộng sự của mình, đồng thời kêu gọi toàn thể nhân dân nước này tham gia tích cực trong ngày bầu cử địa phương 16-12.
 
Ông Arreaza khẳng định tình trạng sức khỏe của tổng thống đang khá dần lên.
 
Tổng thống Chavez đã trải qua cuộc phẫu thuật lần thứ 4 hôm 11-12 sau khi các bác sĩ phát hiện những tế bào ung thư mới ở khu vực mà ông đã được phẫu thuật để bóc tách khối u ác tính hai lần hồi giữa năm 2011 và sau đó là một ca khác vào đầu năm nay.
 
Tuy nhiên, ca phẫu thuật lần này được đánh giá là hết sức phức tạp và khó khăn và vì vậy đích thân Tổng thống Chavez phải đề cử Phó Tổng thống Nicolas Maduro làm người kế nhiệm trong trường hợp ông không thể tiếp tục điều hành đất nước.

* EU lên án kế hoạch mở rộng khu định cư của Israel

Một khu định cư của Israel ở Bờ Tây. Ảnh: Reuters
Một khu định cư của Israel ở Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Ngày 21-12, Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã lên án kế hoạch mở rộng khu định cư tại Bờ Tây, kêu gọi người Israel và Palestine có những bước đi "mạnh mẽ và vững chắc tiến tới hòa bình."
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton, trong tuyên bố đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh EU - Nga diễn ra tại Brussels (Bỉ), khẳng định: "EU và Liên bang Nga vô cùng thất vọng và cực lực phản đối kế hoạch mở rộng khu định cư tại Bờ Tây của Israel, đặc biệt là kế hoạch phát triển khu vực E1, nối hai vùng lãnh thổ Bờ Tây và Đông Jerusalem. Cả EU và Liên bang Nga nhấn mạnh tính cấp bách của những nỗ lực hòa bình được nối lại, rõ ràng và thiết thực trong năm 2013."
 
Nhóm "bộ tứ" Trung Đông (Gồm EU và Nga, Mỹ và Liên hợp quốc) cho rằng theo luật quốc tế, việc mở rộng khu định cư là bất hợp pháp và là vật cản đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
 
Hai quan chức trên cho biết EU và Liên bang Nga sẽ không thừa nhận bất cứ sự thay đổi nào đối với đường biên giới trước năm 1967, trong đó có liên quan tới Jerusalem, ngoại trừ những điều hai bên đã đồng ý". Họ cũng nói rằng đã đến lúc để "người Palestine và Israel có những bước đi mạnh mẽ và vững vàng tiến đến hòa bình", kêu gọi "những cuộc đàm phán trực tiếp và thiết thực mà không có điều kiện tiên quyết."

Trước đó, ngày 19-12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố chỉ trích Israel, phản đối kế hoạch mở rộng khu định cư của Israel xung quanh khu vực Jerusalem và yêu cầu Israel ngừng ngay lập tức các hoạt động xây dựng khu định cư mới. 14 trên tổng số 15 ủy viên Hội đồng Bảo an cùng lên án kế hoạch xây dựng khu định cư của Israel, cho rằng đây là mối đe dọa cho các nỗ lực hòa bình.
 
Kế hoạch xây thêm nhà mới tại khu định cư này được Israel công bố lần đầu tiên năm 2010, làm bùng phát mâu thuẫn ngoại giao với Mỹ, đồng minh thân cận của Ten Avíp. Tháng 8-2011, Israel thông báo dừng kế hoạch này, song mới đây lại tuyên bố khôi phục kế hoạch, trong một động thái phản ứng việc Palestine được nâng cấp quy chế lên nhà nước quan sát viên tại Liên hợp quốc.

* Romania: Nội các vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

Thủ tướng Romania Viktor Ponta. Ảnh: BBC
Thủ tướng Romania Viktor Ponta. Ảnh: BBC

Ngày 21-12, với 402 phiếu thuận so với 120 phiếu chống, Chính phủ trung tả mới của Romania do Thủ tướng Viktor Ponta đứng đầu đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội.

Đây được xem là cuộc "sát hạch" đầu tiên đối với chính phủ mới vừa được thành lập sau khi ông Ponta, 40 tuổi, được Tổng thống Traian Basescu tái đề cử làm Thủ tướng ngày 17-12 nhờ chiến thắng áp đảo của Đảng Liên minh Tự do Xã hội (USL) trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 9-12.
 
Ngoài cam kết thúc đẩy tăng trưởng và duy trì kỷ luật tài chính, chính phủ Romania dự kiến sẽ thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2013 vào nửa đầu tháng 1-2013, thời điểm phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) tới Bucharest nhằm thảo luận với các quan chức nước này về kế hoạch cải cách kinh tế, điều kiện để nhận được cứu trợ từ các định chế tài chính trên.
 
Romania là quốc gia nghèo thứ hai trong EU. Chính sách thắt chặt chi tiêu hiện nay của chính phủ là biện pháp duy nhất để cứu Romania thoát khỏi tình trạng suy thoái. Để tránh nguy cơ vỡ nợ và nhận được 20 tỷ euro (26 tỷ USD) trợ giúp của IMF, Ngân hàng thế giới (WB) và EU hồi năm 2009, Chính phủ Romania đã phải thực hiện nhiều biện pháp kinh tế khắc khổ như giảm 25% tiền lương của công chức và nâng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 19% lên 24%.

* Ai Cập: Đụng độ trước trưng cầu dự thảo hiến pháp

Thủ tướng Romania Viktor Ponta. Ảnh: BBC
Những người ủng hộ phe đối lập biểu tình tại Cairo, phản đối Tổng thống Morsi và vòng hai cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp. Ảnh: AFP

Ngày 21-12, đụng độ đã nổ ra giữa các phe nhóm biểu tình tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai Ai Cập trong bối cảnh vòng cuối cùng của cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp sắp diễn ra trên toàn quốc.
 
Cảnh sát chống bạo động, được lệnh hành động kiên quyết, đã lập rào chắn, đồng thời sử dụng hơi cay để ngăn cản hàng nghìn người biểu tình Hồi giáo và những người biểu tình ủng hộ phe đối lập xung đột.
 
Thông báo của Bộ Nội vụ cho biết 62 người; trong đó có 12 cảnh sát bị thương và 12 người bị bắt giữ trong các vụ đụng độ.
 
Kể từ khi vòng một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm 15-12 vừa qua, đụng độ đã xảy ra ở nhiều nơi trong bối cảnh cả phe chống và phe ủng hộ Tổng thống thân Hồi giáo Mohamed Morsi phát động biểu tình trên toàn quốc. Trước tình hình này, quân đội đã triển khai 120.000 lính phối hợp với 130.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho tiến trình trưng cầu ý dân.
 
Giới phân tích dự đoán sau khi kết quả sơ bộ của vòng một cho thấy 57% cử tri thông qua bản dự thảo hiến pháp, gần như chắc chắn văn kiện này sẽ được thông qua trong vòng hai diễn ra ngày 22-12 tại 17 tỉnh, thành còn lại của Ai Cập. Tuy nhiên, việc văn kiện này được thông qua không có nghĩa là cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập được giải quyết.
 
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Mặt trận cứu quốc (NSF) của các nhóm đối lập đã từ chối lời mời của Hội đồng lập hiến và Đảng Tự do và Công lý, nhánh chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo, tham gia cuộc tranh luận về dự thảo hiến pháp.
 
Ông Amr Moussa, một thành viên của NSF, cho rằng một cuộc tranh luận vào thời diểm này là không cần thiết và bản dự thảo hiến pháp không có sự đồng thuận. Mặt trận Cứu quốc tập hợp các chính đảng đối lập và các lực lượng dân sự bác bỏ dự thảo hiến pháp và đòi thành lập Hội đồng lập hiến mới mà không có sự kiểm soát của các đảng phái Hồi giáo.

HOÀNG LONG

(Tổng hợp)

.
.
.