Thứ Tư, 29/06/2016, 05:32 (GMT+7)
.

Những ảnh hưởng hậu Brexit vượt quá tưởng tượng của người Anh

Dù đã được cảnh báo trước về những hậu quả nếu cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng những gì đang diễn ra dường như vượt quá sức tưởng tượng của người dân Anh.

Một địa điểm đổi ngoại tệ tại Westminster Underground, thủ đô London. Nguồn: EPA/TTXVN
Một địa điểm đổi ngoại tệ tại Westminster Underground, thủ đô London. Nguồn: EPA/TTXVN

Nước Anh đang rơi vào hỗn loạn. Những diễn biến quá nhanh đã làm gia tăng sự chia rẽ ở nhiều tầng nấc và đẩy “xứ sở sương mù” vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trên chính trường, cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối “Brexit” đều bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc. Những người đại diện cho phe chiến thắng là cựu Thị trưởng London Boris Jonhson, Bộ trưởng Tư pháp Michel Gove và Chủ tịch đảng Ukip Nigel Farage đều không xuất đầu lộ diện từ sáng 24/6 và có vẻ các chính trị gia này đang tính toán cho những bước đi tiếp theo của họ.

Thủ tướng Anh David Cameron, sau khi thông báo sẽ từ chức, cũng như các thành viên nội các đều hạn chế tiếp xúc với báo chí. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne chỉ xuất hiện trước báo giới trong ít phút để thông báo việc Anh chưa thể "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về tiến trình ra khỏi EU, với lý do phải chờ đảng Bảo thủ bầu ra lãnh đạo mới thay ông Cameron.

Sau “cơn địa chấn” mang tên Brexit, vấn đề người kế nhiệm Thủ tướng Cameron là chủ đề tranh cãi trong đảng Bảo thủ vốn đã bị chia rẽ suốt thời gian dài vừa qua. Một số cái tên tiềm năng cho vị trí hàng đầu tại Phố Downing đã được nhắc đến.

Ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí mà ông Cameron để lại chính là ông Boris Johnson, một nhân vật ủng hộ "Brexit." Ông Johnson có thể được nhiều người tín nhiệm vì đã đưa phe ủng hộ rời EU đến chiến thắng. Chiến dịch vận động "Brexit" đã giúp cựu thị trưởng London 52 tuổi này thu hút được nhiều cử tri của đảng Bảo thủ vốn có tư tưởng hoài nghi sự hội nhập châu Âu.

Cuộc trưng cầu dân ý đã nâng cao vị thế của ông Johnson ở chính trường trong nước, dù ông bị không ít nghị sỹ đảng Bảo thủ chỉ trích rằng quan điểm ủng hộ “Brexit” của ông chỉ nhằm phục vụ lợi ích chính trị của bản thân.

Nhân vật tiềm năng thứ hai là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove. Là bạn thân của ông Cameron, nên việc ông Gove quyết định ủng hộ "Brexit" là một “đòn mạnh” đối với Thủ tướng Cameron.

Tuy nhiên, ông bị mất điểm trước dư luận khi so sánh các chuyên gia kinh tế cảnh báo về tác động của "Brexit" với những nhân vật có tư tưởng phátxít từng bôi nhọ nhà bác học Albert Einstein. Ông đã phải xin lỗi công khai sau vụ việc này.

Bộ trưởng Nội vụ Theresa May mặc dù là người có tư tưởng hoài nghi sự hội nhập châu Âu và giữ quan điểm cứng rắn trong vấn đề người di cư, song bà lại ủng hộ việc Anh ở lại EU.

Trên thực tế, ứng cử viên 59 tuổi này dường như không thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Bà tỏ ra khá cân bằng khi vừa trung thành với ông Cameron vừa nhượng bộ yêu cầu của những người ủng hộ đảng Bảo thủ khi kêu gọi cải cách các điều luật cho phép mọi công dân EU tự do sinh sống ở Anh.

Bộ trưởng Tài chính George Osborne, đồng minh thân cận của Thủ tướng Cameron, từ lâu đã được coi là nhân vật sáng giá có khả năng kế nhiệm ông Cameron.

Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Bảo thủ không hài lòng với việc ông là một trong những người ủng hộ lựa chọn Anh ở lại EU và bản thân ông cũng khẳng định không muốn chạy đua vào vị trí thủ tướng.

Ông đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về những rủi ro kinh tế do "Brexit" gây ra và cho rằng các đối thủ của ông “không hiểu biết gì về kinh tế.”

Theo Thủ tướng Cameron, người kế nhiệm ông sẽ chính thức khởi động tiến trình Anh ra khỏi EU với việc thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Hai bên sẽ phải tiến hành đàm phán về các vấn đề liên quan tới việc Anh tách khỏi liên minh và các cuộc thảo luận về quan hệ song phương trong tương lai.

Tân Thủ tướng cũng sẽ gánh trách nhiệm gắn kết một đất nước đang bị chia rẽ nghiêm trọng và đối diện với nguy cơ nước Anh “tan đàn xẻ nghé” do Scotland có thể tiến hành trưng cầu dân ý đòi độc lập để có thể ở lại “ngôi nhà chung” châu Âu. Quốc hội Scotland cũng có thể phủ quyết việc rút khỏi EU.

Trong khi đó, phe đối lập tại Anh cũng rơi vào khủng hoảng. Đã có 20 vụ từ chức của các nghị sỹ Công Đảng và dự kiến các vụ từ chức có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày tới. Các nghị sỹ Công Đảng cho rằng ông Jeremy Corbyn - lãnh đạo đảng này - phải chịu trách nhiệm về thất bại của phe ủng hộ nước Anh ở lại EU.

Họ đánh giá ông Corbyn thiếu khả năng lãnh đạo và sẽ không thể đưa Công Đảng giành chiến thắng. Mặc dù ông Corbyn đã loại trừ khả năng từ chức, nhưng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dự kiến diễn ra ngày 28/6 sẽ không cho ông cơ hội lựa chọn.

Đối với chính người dân Anh, dường như họ vẫn còn chưa hết bàng hoàng về kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Rất nhiều người đã chọn ủng hộ Brexit thì nay lại tỏ ra hối tiếc vì đã không lường hết được những hậu quả của nó. Hơn 3 triệu người Anh đã ký vào bản kiến nghị gửi lên Nghị viện Anh để đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý lại.

Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra và bản thân EU cũng đã thừa nhận "cuộc ra đi" của Anh là “không thể đảo ngược.” Thủ tướng Cameron cũng đã bác bỏ khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về tư cách thành viên EU của nước này.

Trong khi đó, những người muốn nước Anh rút khỏi EU đang hào hứng nhìn vào viễn cảnh quốc gia này không cần lệ thuộc vào EU trong vấn đề đối ngoại với Nga và Iran hay các vấn đề toàn cầu khác, đặc biệt là gánh nặng người di cư từ EU sang cũng như các khoản trợ cấp phải trả cho họ.

Hiện tại, nước Anh có quá nhiều vấn đề phải giải quyết mà trước hết là cú sốc về tài chính mà Ngân hàng Trung ương phải xử lý cả về tỷ giá lẫn tình trạng cổ phiếu của các ngân hàng bị sụt giảm trên thị trường chứng khoán khi mất giá tới 30%.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương ngay lập tức phải lên truyền hình để trấn an thị trường bằng những con số về số lượng tài chính chuyển đổi mà họ đã chuẩn bị để chi trả nhằm giúp ổn định thị trường như đã dự đoán về những gì đang diễn ra.

“Sự đã rồi” nên EU đang rất muốn Thủ tướng Cameron chính thức thông báo việc bắt đầu thủ tục xin ra khỏi EU ngay tại Hội nghị thượng đỉnh của liên minh trong hai ngày 28-29/6s.

Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và cả 6 nước thành viên sáng lập EU gồm Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg cũng hối thúc Anh đàm phán về việc rời EU "càng sớm càng tốt."

Tuy nhiên, ông Cameron cho rằng các cuộc đàm phán chỉ nên được tiến hành sau khi người kế nhiệm của ông được bầu ra, dự kiến vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới. Điều đó khiến cho “cuộc ra đi” của Anh nhiều khả năng chậm trễ. Và sự chậm trễ đó có thể kéo theo những hậu quả lớn cho cả Anh, EU và thị trường toàn cầu.

Có thể nói cuộc trưng cầu dân ý đã tạo ra một lực chuyển làm thay đổi toàn bộ cảnh quan chính trị bên trong nước Anh và chắc chắn cũng tác động không nhỏ tới kết cấu địa chính trị thế giới.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/nhung-anh-huong-hau-brexit-vuot-qua-tuong-tuong-cua-nguoi-anh/393373.vnp)

.
.
.