Thứ Hai, 12/06/2017, 10:50 (GMT+7)
.

Nước cờ sai

Cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra ngày 8-6 vừa qua từng được coi là bước đi chiến thuật của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm gia tăng quyền lực cho chính phủ Bảo thủ trước khi bước vào cuộc đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, dự kiến diễn ra vào ngày 19-6 tới. Thế nhưng, trong “ván cờ chính trị” này, bà Theresa May đã đi sai một nước cờ và tự đẩy mình đối mặt với nhiều khó khăn mới.

Với việc giành được 318 ghế, mất 12 ghế so với mùa bầu cử trước, Đảng Bảo thủ của bà Theresa May đã không giành được 326 ghế cần thiết để thành lập chính phủ. Đây là một bước thụt lùi đối với Đảng Bảo thủ và bước tiến lớn đối với Công đảng sau khi đảng này giành được 262 ghế, tăng 30 ghế so với kỳ bầu cử trước.

 Thủ tướng Anh Theresa May.
Thủ tướng Anh Theresa May.

Với kết quả này, rõ ràng sự tín nhiệm của cử tri đối với hai chính đảng lớn nhất tại Anh đã thay đổi nhiều so với gần 2 tháng trước, thời điểm bà Theresa May bất ngờ kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm hơn lịch trình tới gần 3 năm. Thời gian đầu của chiến dịch tranh cử diễn ra khá thuận lợi khiến Thủ tướng Theresa May tin rằng có thể giành thắng lợi để mạnh tay chèo lái tiến trình Brexit.

Đáng tiếc là niềm tin thái quá và một chiến dịch tranh cử đầy biến động diễn ra trong nước đã chặn đứng đà chiến thắng huy hoàng của bà Theresa May và Đảng Bảo thủ. Những ngày sau đó bà Theresa May phạm phải một chuỗi sai lầm. Thứ nhất, bà đã không để chiến dịch tranh cử gắn với việc Anh sắp ra khỏi EU, bất chấp tuyên bố trước đây là “cuộc bầu cử Brexit”. Bà đã đề nghị cử tri tin tưởng phán quyết của bà về các vấn đề Brexit mà không sẵn sàng tiết lộ bất cứ chi tiết nào.  Đã gần một năm kể từ sau ngày trưng cầu ý dân, Brexit vẫn chưa diễn ra và vẫn trùm trong bí ẩn. Chiến thuật này khiến cho việc tránh những câu hỏi khó xung quanh vấn đề Brexit và cách thức chính xác để làm cho tiến trình đàm phán thành công đã trở thành một cạm bẫy lớn đối với nữ Thủ tướng. Thứ hai, bà Theresa May đã hành xử khiến hình ảnh bà là một ứng cử viên “mạnh mẽ và ổn định” không được củng cố, trái lại còn khiến cử tri hoang mang.

Thêm vào đó, những sự việc bất ngờ xảy ra trong hai tháng qua đã tác động đến suy nghĩ của cử tri. Việc nước Anh liên tiếp bị các vụ tấn công khủng bố ở Luân Đôn và Mancheste phần nào khiến bà Theresa May phải trả giá. Đối thủ Công đảng đã xoáy sâu vào việc khi bà Mây làm Bộ trưởng Nội vụ đã cắt giảm số lượng lớn cảnh sát và cho rằng điều đó dẫn tới hậu quả là lực lượng an ninh bị cắt giảm nguồn lực, không đảm trách được nhiệm vụ.

Trong khi đó, tận dụng điểm yếu của bà Theresa May, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nhanh chóng làm mới hình ảnh của mình. Từ một người bị coi là yếu kém, thiếu sức hút, ông Jeremy Corbyn trở thành người thoải mái, dí dỏm và có tình người, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của cử tri.

Và đây là chỗ mà mọi thứ bắt đầu sụp đổ. Cử tri Anh từ chỗ ủng hộ đã bắt đầu cảm thấy thất vọng trước những tuyên bố và cách xử lý không nhất quán của bà Theresa May. Họ cảm thấy hối hận nhưng không nói ra mà thể hiện bằng chính lá phiếu của mình. Kết quả của cuộc bầu cử có thể khiến bà Theresa May và Đảng Bảo thủ sững sờ nhưng lúc này mọi sự đã quá muộn.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử lần này phản ánh uy tín và quyền lực của Thủ tướng Theresa May bị suy yếu không chỉ trong nội bộ Đảng Bảo thủ, tại Hạ viện, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến vị thế của bà tại EU. Chính sách đàm phán mà bà Theresa May đang theo đuổi sẽ khó được duy trì khi Đảng Bảo thủ không có đủ sức mạnh tại quốc hội, trong khi việc thống nhất quan điểm chung giữa các đảng phái cho quá trình Brexit vốn đã khó khăn nay sẽ càng khó khăn hơn. Rõ ràng chính phủ mới sẽ chịu áp lực về thời gian để công bố sớm nhất nội dung đàm phán, vấn đề gây tranh cãi gay gắt kể từ khi Anh chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Trước mắt, Đảng Bảo thủ sẽ phải liên minh với đảng nhỏ hơn trong quốc hội để thành lập chính phủ mới. Điều này đồng nghĩa với việc mọi chính sách của bà Theresa May cũng như nội dung đàm phán về Brexit đã được Đảng Bảo thủ chuẩn bị sẽ phải xác định lại từ đầu và điều này chắc chắn sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp. Một khi tiến trình thành lập chính phủ mới phải kéo dài thì cuộc đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn, kéo theo những hệ lụy đối với nước Anh khi tình trạng "không rõ ràng" hiện nay trong quan hệ với EU đang ảnh hưởng nhất định tới vị thế của Luân Đôn. Tuy nhiên, việc thành lập một chính phủ liên minh cũng không phải hoàn toàn bất lợi cho tiến trình Brexit, bởi với một chính phủ liên minh, lập trường của Anh trong quá trình đàm phán rời EU có thể mềm mỏng hơn và cơ hội nước Anh ở lại Khu vực thị trường chung châu Âu cũng lớn hơn.

Về lâu dài, cũng không loại trừ khả năng giống như Thủ tướng David Cameron trước đây, Thủ tướng Theresa May chờ thêm vài tháng cho tình hình yên ổn thì sẽ rút lui để chuyển lá cờ lãnh đạo cho người nào khác trong đảng.

Sau vụ tuyên bố “ly dị” giữa Anh và EU cách đây gần một năm, chính trường Anh một lần nữa trải qua những bất ổn và xáo trộn với "thất bại chính trị” của bà Theresa May và Đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-6 vừa qua. Sửa sai để giữ ổn định cho đất nước và tự tin bước vào vòng đàm phán với EU là việc mà bà Theresa May và Đảng Bảo thủ cần làm cho xứ sở sương mù ở thời điểm này.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.