Thứ Bảy, 12/08/2017, 22:30 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Đối đầu và hợp tác đan xen

Thế giới tuần qua chứng kiến những màn đối đầu nghẹt thở từ tuyên bố răn đe lẫn nhau giữa Mỹ, các nước đồng minh và Triều Tiên. Bên cạnh đó, một sự kiện được dư luận hoan nghênh và đồng tình là việc ASEAN và Trung Quốc đạt được dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cũng như những định hướng hợp tác lớn được thông qua giữa ASEAN và các nước đối tác.

1. Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên những ngày qua diễn ra căng thẳng sau khi Mỹ cùng các nước đồng minh và Triều Tiên liên tiếp đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào nhau.  

Mới đây nhất, ngày 11-8, trong một bình luận đăng trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump cảnh báo "các giải pháp quân sự hiện đã sẵn sàng nếu Triều Tiên hành động không khôn ngoan". Ông cũng nhấn mạnh hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "sẽ tìm ra một con đường khác". Tuyên bố trên được ông chủ Nhà Trắng đưa ra 1 ngày sau khi nhận định lời đe dọa trút "hỏa lực và cơn thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng "có thể chưa đủ cứng rắn".

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Trước đó, Triều Tiên tuyên bố đang nghiên cứu kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng tên lửa chiến lược tầm trung Hwasong-12. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết các tên lửa này sẽ bay qua không phận các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản, với hành trình 3.356,7 km và đáp xuống cách Guam khoảng 30 đến 40 km.

Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho biết nước này đã chuẩn bị cho kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên khi có lệnh, đồng thời xem xét việc cho phép Hàn Quốc tăng cường khả năng của các tên lửa đạn đạo nhằm đối phó với các mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ phía Triều Tiên.

Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc ngày 10-8 cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Hàn Quốc hay Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng nước này Song Young-moo kêu gọi quân đội nâng cao khả năng sẵn sàng đối phó với các hành động bất ngờ của Triều Tiên.   

Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ "không bao giờ dung thứ" cho các hành động khiêu khích của Triều Tiên, các lực lượng phòng vệ nước này sẽ áp dụng "mọi biện pháp cần thiết" để đối phó. Tokyo đang xem xét triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa trên lãnh thổ nước này dọc theo đường bay dự kiến của các tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên bắn hướng tới đảo Guam.

Trước đó, ngày 5-8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên liên quan đến 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng trong tháng 7. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã tuyên bố bác bỏ các lệnh trừng phạt và sẵn sàng "áp dụng các biện pháp chiến lược" bằng cách huy động tất cả sức mạnh của dân tộc.

Giải pháp nào để hạ nhiệt “thùng thuốc súng” trên bán đảo Triều Tiên. Lối thoát phù hợp nhất, đã được nêu trong nghị quyết của LHQ, là nối lại đàm phán 6 bên nhằm tìm ra các biện pháp ngoại giao và chính trị, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng con đường hòa bình và tránh căng thẳng cực độ.

2. ASEAN và 10 nước đối tác thông qua nhiều định hướng hợp tác

Ngày 5-8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Manila, Philippines. Trong khuôn khổ Hội nghị này, ASEAN đã tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với các nước đối tác.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác Nhật Bản. Nguồn: asean2017.ph
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác Nhật Bản. Nguồn: asean2017.ph

Tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 10 nước Đối tác đã thông qua nhiều định hướng lớn cho hợp tác, trong đó chú trọng một số lĩnh vực như  kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân, giáo dục...

Các nước đối tác cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua các Hiệp định mậu dịch tự do hiện có và khuôn khổ rộng lớn hơn như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).  

Về vấn đề biển Đông, các nước khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; thúc đẩy tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và mong muốn hai bên sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng một COC hiệu  quả.

Sau 50 năm hình thành và phát triển, từ một cơ cấu đối thoại, hợp tác lỏng lẻo, mang tính chất tiểu khu vực ở Đông Nam Á là chính, ASEAN đã dần trở thành hạt nhân và đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế, cấu trúc an ninh, hợp tác khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm giải quyết các vấn đề, các thách thức đặt ra ở cấp độ khu vực.

3. ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC

Ngày 6-8, các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sau gần 4 năm bắt đầu khởi động đàm phán. Văn kiện này sẽ được trình lên các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao vào tháng 11 tới.

Toàn cảnh ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 ở Manila, Philippines ngày 5-8. Nguồn: TTXVN
Toàn cảnh ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 ở Manila, Philippines ngày 5-8. Nguồn: TTXVN

Trong cuộc họp báo ngày 5-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Robespierre Bolivar nhấn mạnh rằng bản dự thảo khung COC được coi như là một "phác thảo" định nghĩa bản chất của Bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như "cách hành xử của các nước trong khu vực".

Việc thông qua dự thảo khung COC sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực.

4. Venezuela tiếp tục chịu sức ép từ bên ngoài

Ngày 9-8, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định mở rộng lệnh trừng phạt kinh tế chống Venezuela, theo đó có thêm 8 quan chức chính phủ quốc gia Nam Mỹ này bị phong tỏa tài sản tại Mỹ. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vào “danh sách đen” những người bị Nhà Trắng trừng phạt, bao gồm việc cấm nhập cảnh vào Mỹ, cấm các công ty nước này làm ăn với những người có tên trong danh sách.

Tổng thống Venezuela Maduro. Ảnh: business insider
Tổng thống Venezuela Maduro. Ảnh: business insider

Trong khi đó, ngày 8-8, Ngoại trưởng 17 nước Mỹ Latinh tố cáo Caracas “vi phạm trật tự dân chủ” và không thừa nhận Quốc hội lập hiến (ANC) Venezuela vừa được triệu tập thông qua một cuộc bỏ phiếu hôm 30-7 vừa qua. Trước đó, khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela nhằm gây sức ép đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Venezuela đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố trên của Ngoại trưởng 17 nước Mỹ Latinh, đồng thời chỉ trích đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Caracas.

Do lo ngại tình hình an ninh, chính trị và xã hội bất ổn tại Venezuela, nhiều hãng hàng không của các nước như Argentina, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Brazil… đã ngừng các chuyến bay đến và đi từ Venezuela.  

Trong khi đó, các cuộc biểu tình gây bạo loạn vẫn tiếp diễn và lan rộng tại Venezuela, khiến hơn 120 người thiệt mạng. Cuối tuần qua, lực lượng an ninh Venezuela đã đập tan vụ tấn công khủng bố nhằm vào một căn cứ quân sự, tiêu diệt 2 đối tượng và bắt giữ 8 đối tượng khác. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tố cáo vụ tấn công do khoảng 20 lính đánh thuê có liên hệ với Mỹ và Colombia tiến hành.

5. Bê bối trứng "bẩn" tiếp tục lan rộng

Vụ bê bối trứng "bẩn" tại châu Âu tiếp tục lan rộng khi Hong Kong (Trung Quốc), Thụy Sĩ và 15 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều thông báo phát hiện số lượng lớn trứng nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu Fipronil độc hại.

Nông dân Hà Lan tiêu hủy trứng bị nghi nhiễm độc. Ảnh: Reuters
Nông dân Hà Lan tiêu hủy trứng bị nghi nhiễm độc. Ảnh: Reuters

Cho tới nay, vụ bê bối trứng "bẩn đã ảnh hưởng đến 15 nước EU gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Ireland, Italy, Luxembourg, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia và Đan Mạch. Hiện các trang trại gia cầm tại 4 nước EU gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, và Pháp, nơi nhà chức trách trước đó xác nhận việc sử dụng bất hợp pháp hóa chất độc hại trong các trang trại, đã bị đóng cửa. Kể từ khi vụ việc bị phanh phui, hàng triệu quả trứng và các sản phẩm làm từ trứng đã bị thu hồi.   

Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị EU cấm sử dụng cho các loại động vật làm thực phẩm cho con người, như gà. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp.

6. Liên hợp quốc kêu gọi ngăn chặn nạn đói đe dọa nhiều nước

Ngày 9-8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cảnh báo hơn 20 triệu người tại Yemen, Somalia, Nam Sudan và Nigeria đang có nguy cơ bị đói, đồng thời kêu gọi các phe phái đang tham chiến tại các nước này mở đường cho cứu trợ nhân đạo quốc tế đến với người dân. Đây là lần đầu tiên LHQ chính thức nêu rõ nguy cơ nạn đói liên quan trực tiếp đến các cuộc xung đột vũ trang tại các nước trên.

Người dân tại Nam Sudan chờ đợi cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Nguồn: Reuters
Người dân tại Nam Sudan chờ đợi cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Nguồn: Reuters

Trong đó, xung đột tại Yemen kéo dài mấy năm qua kể từ khi phiến quân Houthi chống lại các lực lượng chính phủ được sự hậu thuẫn của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu. Nam Sudan rơi vào nội chiến từ năm 2013 sau khi Tổng thống Salva Kiir phế truất cấp phó. Tại Nigeria, phiến quân Boko Haram hoành hành ở khu vực Đông Bắc nước này, sát hại cả quân chính phủ lẫn thường dân. Còn tại Somalia, xung đột bùng phát từ năm 1991 và hiện vẫn đang trong vòng xoáy bạo lực, trong đó nhóm Hồi giáo al Shabaab có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al Qaeda đã mở rộng hoạt động tại nước này.

Hồi tháng 2 vừa qua, LHQ đã kêu gọi đóng góp 4.9 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại 4 nước trên thoát khỏi nạn đói. Tuy nhiên, LHQ chỉ mới nhận được 51% con số kêu gọi này.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.